Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 7-13/9
Hội nghị hợp tác công nhận phòng thí nghiệm châu Á; Hội nghị cấp cao về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn; Hệ thống GIS quản lý sản xuất lúa; Nhà khoa học VN công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí số 1 thế giới;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Hội nghị hợp tác công nhận phòng thí nghiệm châu Á

Ngày 9/9, tại thành phố Đà Nẵng, Tổ chức Hợp tác công nhận phòng thí nghiệm châu Á-Thái Bình Dương (APLAC) đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của đại diện đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Hợp tác công nhận phòng thí nghiệm châu Á-Thái Bình Dương 2013" là hội nghị thường niên của APLAC nhằm đánh giá, xem xét lại việc thực hiện các chính sách thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực công nhận các tiêu chuẩn chung, thống nhất đối với các phòng thí nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận, qua đó giúp giảm thiểu các rào cản thương mại về giấy tờ thủ tục hành chính giữa các nước thành viên. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu sẽ tham dự các cuộc họp kỹ thuật, cuộc họp hội đồng thừa nhận lẫn nhau và phiên họp toàn thể.

Tổ chức Công nhận Việt Nam được thành lập năm 1990 (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đang quản lý gần 700 đơn vị phòng thí nghiệm, tổ chức giám định và tổ chức chứng nhận trên cả nước. (Theo vietnamplus 9/9).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị cấp cao về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn

Ngày 9/9, tại khu Công nghệ cao TP.HCM, ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM phối hợp với hiệp hội quốc tế về Thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI) và hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) tổ chức hội nghị cấp cao về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn.

Hội nghị sẽ diễn ra trong ba ngày, đến hết ngày 11.9. Theo lãnh đạo ban Quản lý khu công nghệ cao, hơn 50 lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc ngành vi điện tử trong nước và quốc tế thảo luận những chiến lược quan trọng, những thách thức và cơ hội cho việc đầu tư và phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Thông qua hội nghị này, ban quản lý khu công nghệ cao hy vọng lãnh đạo thành phố sớm có những quyết sách mang tính chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn, tiến đến mục tiêu xây dựng TP.HCM và khu Công nghệ cao trở thành địa điểm lý tưởng cho các hoạt động đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và ươm tạo công nghệ vi mạch của Việt Nam. (Theo Sài gòn tiếp thị 9/9).

Hệ thống GIS quản lý sản xuất lúa

Các nhà khoa học thuộc trung tâm Công nghệ phần mềm thuỷ lợi, viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng thành công hệ thống GIS quản lý sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống có cấu trúc WebGIS, được xây dựng trên nền tảng các phần mềm mã nguồn mở PostgreSQL, PostGIS, Apache, MapServer. Trên cơ sở cập nhật và lưu trữ đầy đủ mọi thông tin liên quan đến sản xuất lúa, tuỳ mục đích sử dụng, hệ thống cung cấp cho người dùng các loại báo cáo tổng hợp khác nhau về tình hình sản xuất lúa, báo cáo về tiến độ xuống giống, cơ cấu giống, tình hình thiên tai, sâu bệnh...

Tính năng nổi bật của hệ thống này là sử dụng ảnh đa phổ MODIS miễn phí có độ phân giải thấp để xây dựng bản đồ lúa với độ chính xác 95 – 97% so với diện tích gieo cấy thực tế…(Theo Sài gòn tiếp thị 11/9).

Bắc Kạn: Tập huấn về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ

Ngày 10/9, Sở KH&CN đã tổ chức lớp tập huấn về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Bắc Kạn. Tham gia lớp tập huấn có 40 học viên thuộc các cơ quan: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án, Chi cục Quản lý thị trường và đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Trong  thời gian tập huấn 1 ngày, các học viên đã được giảng viên của Sở truyền đạt các nội dung, gồm: Tổng quan về Sở hữu trí tuệ; vai trò của Sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế - xã hội;... Các học viên tham dự lớp tập huấn đã thảo luận và được giải đáp những vấn đề khi phát hiện, xử lý các vi phạm Sở hữu trí tuệ.

Thông qua lớp tập huấn, các cán bộ làm công tác liên quan đến hoạt động Sở hữu trí tuệ sẽ có thêm những thông tin, kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ nói riêng, nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước tại địa phương. (Theo tchdkh.org.vn 12/9).

Nhà khoa học VN công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí số 1 thế giới

Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature vừa công bố kết quả nghiên cứu xuất sắc của các nhà khoa học thuộc ĐH QGHN (hợp tác với Trường ĐH Columbia, Mỹ) trong lĩnh vực nghiên cứu ô nhiễm asen trong nước ngầm.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN, tạp chí Nature là một tạp chí có uy tín hàng đầu thế giới, có chỉ số ảnh hưởng IF = 38. Mỗi năm, Tạp chí nhận được hơn 10.000 bài gửi đến, nhưng chỉ có 8% trong số đó lọt qua được vòng bình duyệt và được công bố.

Công trình nghiên cứu của nhóm nghiên cứu địa hóa môi trường của GS.TS Phạm Hùng Việt, các nhà khoa học của ta đã hợp tác với các nhà khoa học quốc tế. Công trình nghiên cứu được hoàn thành nhờ sự tài trợ một phần của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia của Việt Nam. (Theo Dân trí 12/9).

Chế tạo chất giữ ẩm, tăng năng suất cây trồng

GS.TS Nguyễn Văn Khôi cùng các đồng nghiệp của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã hoàn thiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước KC.02.DA01/06-10 về chế tạo polymer siêu hấp thụ nước.

Sản phẩm là hợp chất đem trộn vào đất khô cằn, vùng gặp nhiều hạn hán...để giữ ẩm cho cây hoặc vận chuyển cây non, hoa...đi xa. Các loại cây trồng thử nghiệm hiệu quả tăng rõ rệt (về năng suất, tỷ lệ cây sống thường đạt 100%) so với không sử dụng polymer siêu hấp thụ nước.

Hiện nay, polymer siêu hấp thụ nước đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi như Sở Nông nghiệp Nông thôn Ninh Thuận và Bình Thuận, hàng năm nhiều Ban quản lý rừng tại Bình Thuận đặt mua mỗi năm lên đến hàng chục tấn. (Theo vietq.vn 13/9).

Bản quyền giống thanh long ruột tím hồng giá 2 tỷ đồng

Ngày 12-9, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) đã mua bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 của Viện Cây ăn quả miền Nam với giá 2 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên một giống cây trồng do các nhà khoa học VN lai tạo được thương mại hóa và xác lập bản quyền.

Ông Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết trước đây do không được bảo vệ nên giống thanh long ruột đỏ của viện nghiên cứu làm ra không thu về được đồng nào, lại còn bị các nước vô tư lấy giống. “Việc bán được giống đánh dấu sự thay đổi về ý thức của mọi người về bản quyền giống, đồng thời sẽ tạo được thương hiệu cây ăn trái VN trên trường quốc tế” - ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, sắp tới viện sẽ cùng với các nhà khoa học New Zealand hợp tác lai tạo giống thanh long ruột vàng. (Theo Tuổi trẻ 13/9).

Cây thanh long ruột tím hồng

An Giang phục tráng thành công gà giống tàu vàng

Tiến sỹ Võ Lâm, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học An Giang) đã nghiên cứu thành công đề tài “Phục tráng gà tàu vàng địa phương có sức tăng trưởng cao, chất lượng tốt.”

Kết quả nghiên cứu thành công đã cho ra thế hệ gà tàu vàng F2 có nhiều ưu điểm như lông màu vàng, mồng lá, thịt và chân màu vàng sáng, thơm, dinh dưỡng cao, tăng trưởng nhanh. Khi nuôi để lấy thịt khoảng ba tháng, gà cho trọng lượng 1,5kg - 1,7 kg/con, rút ngắn thời gian nuôi xuống một nửa so với các giống gà hiện có. Do không phải gà siêu trứng nên bình quân mỗi năm gà đẻ trên 200 trứng/con, nếu ấp bằng máy đạt tỷ lệ nở trên 80%, giá trị khoảng 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg.

Gà tàu vàng đã mất giống ở tỉnh An Giang từ rất lâu nên với việc đề tài được nghiên cứu thành công sẽ phục tráng được giống gia cầm thả vườn đặc sản của vùng đất Nam bộ. (Theo vietnamplus 13/9).

Hà Trang (Tổng hợp)