Bản in
Thanh tra đồ chơi trẻ em: Vi phạm nhiều, xử lý khó
Mỗi dịp Tết Trung thu tới, khi trẻ em náo nức trong không khí lễ hội, trước những món đồ chơi đẹp mắt thì đó cũng là lúc người lớn lo lắng. PV Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chánh thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng về chuyên đề thanh tra chất lượng đồ chơi mà Bộ đã triển khai trên diện rộng trong thời gian vừa qua.

- Thưa ông, được biết đây là lần đầu tiên một đợt thanh tra về chất lượng đồ chơi được tổ chức trên quy mô toàn quốc, ông có thể cho biết kết quả tới thời điểm này?

- Vừa qua, Bộ KH&CN đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiến hành cuộc thanh tra này và triển khai tập trung vào tháng 8, tháng 9, đặc biệt là dịp trước lễ Trung thu. Cuối tháng vừa qua, chúng tôi đã nhận được báo cáo nhanh của 23 Sở KH&CN, cho thấy có khoảng 340 cơ sở đã được kiểm tra. Trong số này, chỉ có 1 cơ sở sản xuất, còn lại là cơ sở kinh doanh, buôn bán. Thanh tra đã phát hiện 104 cơ sở có vi phạm, tức 30,6% so với số cơ sở được kiểm tra. Chúng tôi cho rằng, tỷ lệ vi phạm này còn ở mức cao. Các hành vi dễ phát hiện đã được xử lý ngay là sai phạm liên quan đến nhãn hàng hóa (92 cơ sở, chiếm 88,5% tổng số sai phạm) và sai phạm về quy định gắn dấu hợp quy (CR) với 12 cơ sở, chiếm 11,5% cơ sở có vi phạm.

- Qua hoạt động thanh tra nói trên, ông có thể cho biết diễn biến thị trường đồ chơi năm nay có gì phức tạp, có điều gì cần lưu ý đặc biệt?

- Đồ chơi trẻ em hiện rất đa dạng, có rất nhiều chủng loại khác nhau nên việc quản lý chứng nhận hợp quy đối với tất cả các loại đồ chơi là một vấn đề phức tạp. Xác định loại sản phẩm này có sự phức tạp ngay từ đầu vào nên chúng tôi đã lường trước khó khăn, chẳng hạn như một lượng lớn đồ chơi không nhỏ trên thị trường là sản phẩm không rõ nguồn gốc, được nhập theo đường tiểu ngạch. Ngoài ra, còn các sản phẩm đồ chơi có dán tem nhưng tem không bảo đảm theo quy định, ví dụ như hồ sơ chứng nhận là búp bê nhưng lại được dán vào đồ chơi ô tô thì vẫn bị xử lý hành vi chưa được chứng nhận hợp quy. Để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chất lượng đồ chơi trên thị trường, chỉ có giấy chứng nhận, tem... thì chưa đủ, mà phải bảo đảm các chỉ tiêu theo quy chuẩn đã được đề ra, do đó cần được lấy mẫu để thử nghiệm các chỉ tiêu nghi ngờ. Vừa qua, chúng tôi đã thu hồi gần 1.200 sản phẩm không rõ nguồn gốc.

- Theo ông, mức độ tuân thủ pháp luật của các nhà sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em hiện nay như thế nào? Chế tài xử lý đã phù hợp hay chưa?

- Như tôi đã nói ở trên, tỷ lệ vi phạm 30,6% như vậy là vẫn cao, đó là chưa kể một số trường hợp mà chúng tôi đang chờ kết quả kiểm nghiệm trước khi xem xét xử lý. Nói như thế để thấy rằng, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn có diễn biến phức tạp, cần phải quan tâm. Đặc biệt, do thói quen kinh doanh của người Việt Nam là nhỏ lẻ, đồ chơi không chỉ tập trung ở một cửa hàng chuyên biệt mà nằm rải rác tại các cửa hàng tạp hóa, hàng xén, cửa hàng văn phòng phẩm… và điều đó cũng gây thêm khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt. Hiện chưa tới thời hạn áp dụng quy định mới, việc xử lý vi phạm vẫn theo Nghị định 54/2009/NĐ-CP. Hạn chế của nghị định này là khi có hành vi đưa vào lưu thông sản phẩm chưa hợp quy thì kể cả cơ sở lớn hay nhỏ đều có thể bị xử phạt theo mức từ 10 đến 15 triệu. Đối với các cơ sở nhỏ thì đây là khoản tiền khá lớn, nhưng với cơ sở lớn thì con số này chẳng thấm vào đâu. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến cho tổng số tiền phạt vừa qua không nhiều, chỉ khoảng 54 triệu đồng dù số cơ sở vi phạm lên tới 104.

Nghị định mới (Nghị định 80) được áp dụng từ ngày 15-9, có lẽ sẽ giúp giải quyết được nhiều bất cập trong việc xử phạt, bởi có tính đến quy mô và tính chất của hàng hóa sai quy định hiện hành.
 

Anh Vũ Văn Sinh ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai sản xuất đèn kéo quân phục vụ trẻ em vui Tết Trung thu. Ảnh: Bá Hoạt

- Ông có kiến nghị gì với các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như có lời khuyên gì cho người tiêu dùng để trẻ em có được đồ chơi lành mạnh và an toàn?

- Chúng tôi mong muốn các tổ chức liên quan đến việc chứng nhận chất lượng hàng hóa nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, đặc biệt là thực hiện hồ sơ chặt chẽ. Trên cơ sở đó, cơ quan thanh tra mới xác định được hồ sơ đã chứng nhận cho lô hàng nào, mặt hàng nào. Chứ nếu chỉ có một con tem chứng nhận chung chung, hồ sơ không thể hiện được loại hàng, nguồn gốc… thì rất khó khăn trong khâu xử lý sai phạm.

Người tiêu dùng đều mong muốn con em mình có được loại đồ chơi bảo đảm chất lượng, an toàn. Tuy thế, hiện nay, giá cả đang gây khó cho họ khi chọn lựa đồ chơi. Những loại đồ chơi không đạt chất lượng thường có giá rẻ nên nhiều người vẫn chọn mua cho con em mình. Theo tôi, nếu thực sự quan tâm chất lượng và sự an toàn của trẻ, người tiêu dùng nên chọn những đồ chơi có dán nhãn mác hàng hóa một cách rõ ràng về xuất xứ, loại hàng hóa; tem hợp quy chỉ rõ được tổ chức được chỉ định đã chứng nhận. Đó là những sản phẩm bảo đảm được kiểm soát nghiêm ngặt. Không nên dễ dãi trong việc chọn đồ chơi cho con trẻ.

- Xin cảm ơn ông!