Bản in
Đổi mới công nghệ sản xuất - Thiếu vốn đầu tư
Đổi mới công nghệ là giải pháp sống còn của hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất. Bắt đầu từ năm 2008, Sở KH-CN TPHCM đã triển khai chương trình “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố” và chương trình “Hỗ trợ DN nâng cao năng suất - chất lượng, hội nhập”. Sau gần 5 năm triển khai, nhiều DN TPHCM đã từng bước tăng cường năng lực cạnh tranh… dù thực tế vẫn đầy khó khăn.

Bắt đầu bằng công nghệ Việt

Viên nhiên liệu được sản xuất từ mùn cưa là sản phẩm của dự án “Thiết kế chế tạo máy ép trục khuỷu sản xuất viên nhiên liệu làm chất đốt từ phế thải sinh khối”. Dự án do ông Nguyễn Minh Văn, Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp MTC, thực hiện với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng, trong đó Sở KH-CN TPHCM hỗ trợ 550 triệu đồng. Máy có công suất 1,5 - 1,8 tấn/giờ, giá 600 - 700 triệu đồng/máy (máy cùng loại của Ấn Độ có giá hơn 1 tỷ đồng). Công ty đã chuyển giao 2 máy ép viên cho Công ty TNHH Phát triển năng lượng tái tạo Việt Quang (Đồng Nai) đưa vào sản xuất.

Trước nhu cầu về thiết bị cấp, rải, san, đầm… bê tông trên bề mặt nghiêng, các công ty thi công công trình xây dựng đã “đặt hàng” TS Nguyễn Hồng Ngân cùng nhóm cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu thiết bị công nghệ cơ khí của Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Hệ thống thiết bị đổ bê tông mái dốc nhanh chóng ra đời được cung cấp cho Công ty cổ phần Cơ giới và Xây lắp số 9 ở Đồng Nai và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thủy lợi Lâm Đồng với giá chỉ bằng 2/3 giá thiết bị nhập khẩu. Máy được sử dụng ngay tại công trình thủy lợi kênh Phước Hòa dài gần 50km, dẫn nước từ hồ Phước Hòa (Bình Phước) về hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh).

Ngoài 2 thiết bị nói trên, 27 dự án KH-CN khác (lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin) cũng được Sở KH-CN TPHCM cấp kinh phí nghiên cứu gần 23 tỷ đồng. Các sản phẩm của dự án được chuyển giao cho DN sản xuất có giá tương đương 60% - 70% so với giá nhập khẩu. Bước đầu, đã giúp DN tiết kiệm ngoại tệ, hiệu quả đầu tư ước đạt 3,36 lần. Tương tự, đầu tháng 3-2011, Sở KH-CN TP đã cho phép triển khai thử nghiệm đề án sàn giao dịch công nghệ (gọi tắt là sàn) đầu tiên tại phía Nam. Đến nay, sàn đã xây dựng được cơ sở dữ liệu với hơn 1.000 thiết bị - máy móc. Đây đa phần đều là công nghệ Việt, giá rẻ đến từ các trường đại học, viện - tổ chức nghiên cứu…

Giãn cơ chế, tìm vốn đầu tư

Thay đổi công nghệ luôn đi kèm với vốn đầu tư. Dù đó là công nghệ giá rẻ. Quỹ Phát triển khoa học công nghệ TPHCM trên cơ sở đó được thành lập từ năm 2008 nhằm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao - đổi mới công nghệ cho DN. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, chỉ có 6 DN nhận được nguồn vốn vay trị giá 25 tỷ đồng. Tương tự, Chương trình Hỗ trợ chế tạo robot công nghiệp từ năm 2008 đến nay cũng mới hỗ trợ 7 tỷ đồng cho 17 dự án. Theo đại diện Phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN TP), những tiêu chí cho vay còn khá bất cập, từ việc yêu cầu hợp đồng sản phẩm đến thời gian hoàn trả vốn quá ngắn. Có chương trình hỗ trợ vốn vay quá thấp (vay 30% kinh phí) nhưng phải thu hồi đến 70% vốn sau khi thương mại hóa sản phẩm…

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định, do nguồn quỹ có giới hạn, đồng thời để đảm bảo tính an toàn cho việc quay vòng đồng vốn, nên các điều kiện của quỹ vẫn còn khó khăn. Để gỡ khó, với những nghiên cứu được đánh giá khả thi, Sở KH-CN sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để DN được vay vốn thêm từ các nguồn quỹ khác; hoặc tập trung nguồn vốn để đầu tư cho một sản phẩm đi hết vòng đời: từ nghiên cứu cho đến thương mại hóa được ra thị trường. Sở cũng đã kiến nghị Hội đồng Nhân dân TP nới giãn các quy định liên quan đến quyền trích lập quỹ phát triển KH-CN cho DN.

Theo ông Tân, hiện chỉ có 49 DN chấp nhận thành lập quỹ, 26 DN trích lập được quỹ với số tiền 346,8 tỷ đồng. Trong đó 117,8 tỷ đồng (chiếm 33,9%) đã được chi đầu tư cho đổi mới công nghệ và thiết bị… ngay tại DN. Còn lại, các DN vẫn còn chần chừ trong việc lập quỹ. Dự kiến nếu tất cả DN đều chủ động thành lập quỹ, tổng kinh phí có thể đạt từ 1,5 - 2 tỷ USD. Để huy động được nguồn vốn này từ DN, nhà nước chỉ nên tiến hành hậu kiểm, giao quyền tự quyết định mục đích sử dụng nguồn lại cho DN. Như vậy, nếu có khuyến khích nâng tỷ lệ trích lập quỹ lên trên 10% lợi nhuận trước thuế, thì DN cũng sẵn sàng.