Bản in
Cần có một kênh truyền hình riêng về khoa học, công nghệ
Cùng với việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, thì cần có một kênh truyền hình riêng về khoa học, công nghệ. Đây sẽ là diễn đàn trao đổi, nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, đưa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào ứng dụng vào đời sống xã hội.

Nắm bắt và làm chủ công nghệ

Khi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì trước hết phải lựa chọn được dòng sản phẩm mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, tiếp đến là nắm bắt và làm chủ được công nghệ để có thể tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất với giá thành thấp nhất. Đi đúng định hướng, Tổng công ty Cơ điện Xây dựng- CTCP (tên viết tắt là AGRIMECO-JSC) đã đặt tầm nhìn dài hạn về thị trường. Cùng với đó là nắm bắt, làm chủ công nghệ để sẵn sàng tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, thay thế sản phẩm nhập khẩu và tiết kiệm chi phí tối đa. Kết quả cho thấy, hàng loạt những công nghệ từ nước ngoài được Tổng công ty nội địa hóa thành công. Dẫn chứng như việc nghiên cứu, sáng tạo giải mã công nghệ hệ thống bơm cỡ lớn tại Việt Nam do Liên Xô cũ chế tạo, sản xuất chế tạo các bơm cỡ lớn từ 8.000m3/h - 36.000m3/h hoàn toàn bằng công nghệ trong nước và không còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Rồi công nghệ bơm chìm, có ưu điểm lớn là không yêu cầu nhà trạm kiên cố, hiệu suất bơm cao, đặc biệt rất phù hợp với các khu vực có mực nước bể hút biến đổi mạnh, đã được ứng dụng thành công tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang. Tổng giám đốc Tổng công ty Lê Văn An chia sẻ, sản phẩm bơm chìm của Tổng công ty hiện đang được ứng dụng rộng rãi khắp cả nước thay thế các sản phẩm bơm chìm nhập khẩu. Như vậy, vai trò tiên phong của khoa học công nghệ đã giúp Tổng công ty làm chủ được công nghệ mới từ nước ngoài và làm lợi cho đất nước nhiều tỷ đồng.

Còn cách tìm cho mình hướng đi riêng của Công ty Cổ phần Thanh Hà là tìm kiếm công nghệ mới, tập trung vào nghiên cứu những lĩnh vực mà thị trường cần đó là khắc phục và giảm thiểu thiệt hại thiên tai cho nông nghiệp. Đến nay công ty đã có nhiều cải tiến kỹ thuật, hợp tác đầu tư nghiên cứu với nhiều nhà khoa học, trường đại học trong nước và quốc tế đã sản xuất những sản phẩm công nghệ cao. Chia sẻ kinh nghiệm, Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Hà Nguyễn Anh Kết cho biết, khi có công nghệ hoặc công nghệ mới đưa vào sản xuất thì hầu hết việc tiếp cận thị trường mới thấy có quá nhiều khiếm khuyết. Nhưng khi xác định là một sản phẩm có tiềm năng, tuổi thọ dài bắt buộc phải hoàn thiện được coi như hoàn chỉnh một công trình kiến trúc. Và sau khi đưa ra yêu cầu giải pháp, câu hỏi đặt ra là ai làm, ở đâu có? Với kinh nghiệm này, thông qua việc tích hợp nhiều tiện ích trong trong một sản phẩm, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, công ty giúp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Với sản phẩm chủ lực hiện có gồm 16 loại dành cho các loại cây trồng như: cây lúa, cây công nghiệp, cà phê, tiêu, cao su, điều, chè... để phát triển ổn định và bền vững, công ty đã sáng tạo đổi mới và hoàn thiện công nghệ nâng cao giá trị hướng ra xuất khẩu.
                  
Đổi mới công nghệ - doanh nghiệp phát triển bền vững

Việc tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến thông qua kết nối cung- cầu công nghệ để tạo ra sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia; cùng với đó là các giải pháp đặt hàng nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp mà Tổng công ty Cơ điện xây dựng và Công ty Cổ  phần Thanh Hà là những kinh nghiệm để các doanh nghiệp, địa phương trong vùng học hỏi, tìm cách nhân rộng mô hình. Thông qua hoạt động trình diễn, kết nối cung- cầu, Công ty Cổ phần Thanh Hà đã ký hợp đồng trong nước và quốc tế trị giá 15 tỷ đồng, tiếp cận các loại công nghệ gồm hợp hóa, đồng hóa thực phẩm của các nước Đài Loan, Mỹ, Đức… Đến nay những sản phẩm đã được công ty Nhật Bản hài lòng về chất lượng cũng như các chỉ số mà khách hàng các nước yêu cầu, đang tiếp tục đàm phán với các doanh nghiệp như: Nhật, Mỹ, Brazin, Trung Quốc, Ấn Độ để xuất khẩu sản phẩm.

Tuy nhiên, nhận định những khó khăn trong hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, Bộ đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Từ năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/1999/NĐ-CP để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 30% tổng kinh phí đầu tư một dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Và chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp lúc đó tiếp cận được và có kết quả thành công. Dự kiến, Chính phủ cho phép Bộ Khoa học- Công nghệ thành lập Chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, sẽ đi vào hoạt động năm 2014. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu là nguồn cung của thị trường công nghệ với cơ chế chính sách mới như tài chính, cơ chế thuận lợi hơn…

Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển nhanh, doanh nghiệp không thể đảm nhiệm từ việc nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện một sản phẩm có chứa hàm lượng trí tuệ cao. Do đó cùng với việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh thì hoàn thiện, đổi mới công nghệ là công việc thường xuyên của doanh nghiệp, để phát triển bền vững. Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Hà Nguyễn Anh Kết kiến nghị, cần có một kênh truyền hình riêng về khoa học vì trong thực tế các thông tin trên nhiều lĩnh vực khoa học phục vụ cuộc sống rất cần thiết. Đây sẽ là diễn đàn trao đổi, nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, đưa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào ứng dụng và phục vụ đời sống xã hội.