Bản in
Chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế: Loay hoay tìm cầu nối nghiên cứu - ứng dụng
Việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sáng chế là yêu cầu bức thiết đối với các viện nghiên cứu, trường ĐH.

 


 



Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh đó, việc hình thành mô hình Technology Licensing Office (TLO - văn phòng chuyển giao công nghệ) của Nhật Bản tại các trường ĐH của Việt Nam được kỳ vọng góp phần giải bài toán nói trên.

Loay hoay chuyển giao công nghệ

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra giá trị to lớn của tri thức, tài sản trí tuệ và đã có một số nơi đã thực hiện giao dịch liên quan đến nguồn lực này. Tuy nhiên, theo TS Phùng Minh Lai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, thực tế cho thấy số lượng sáng chế, kết quả nghiên cứu của các trường ĐH, viện nghiên cứu được chuyển giao cho cộng đồng doanh nghiệp áp dụng còn rất hạn chế, phần lớn mang tính tự phát, chưa có tổ chức chuyển giao chuyên nghiệp nên chưa phát huy được tiềm năng và hiệu quả sử dụng. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng thừa nhận, hoạt động chuyển giao công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu tới cộng đồng doanh nghiệp còn rất khiêm tốn, dù một số trường ĐH lớn đã thành lập các đơn vị có chức năng hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

Từ thực tế khai thác và chuyển giao kết quả nghiên cứu đến doanh nghiệp của đơn vị mình, nhiều trường ĐH lớn đã đưa ra một số kinh nghiệm quý. PGS Tạ Cao Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, một nghiên cứu có bài bản trong trường ĐH, được thử nghiệm và hiệu chỉnh nhiều lần trong môi trường công nghiệp sẽ cho ra những sản phẩm có thể thương mại hóa. Việc phối hợp nghiên cứu và cao hơn nữa là thành lập các phòng thí nghiệm nghiên cứu chung là một trong những biện pháp hiệu quả để khai thác và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, từ đó có thể ươm tạo công nghệ mới và doanh nghiệp mới…

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, cán bộ Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (ĐH Nông nghiệp HN) nhấn mạnh: Các khoản đầu tư của Nhà nước chỉ có thể tạo ra hiệu quả kinh tế cao và tạo hiệu ứng xã hội tích cực sau khi sản phẩm khoa học trở thành sản phẩm công nghệ và được nông dân và doanh nghiệp cùng chấp nhận. Tuy nhiên, theo tính toán thì nhà khoa học luôn luôn thiếu kinh phí đầu tư cho phát triển giống mới, dẫn đến nhiều kết quả nghiên cứu nằm im trong kho lưu trữ số liệu. Từ góc độ chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho rằng, để khuyến khích nhà chọn giống chuyển nhượng bản quyền trong hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, đầu tư cho KH&CN còn quá thấp, Nhà nước nên tái đầu tư toàn bộ cho đơn vị sáng tạo công nghệ để tạo điều kiện cho các tác giả giống được hưởng lợi thực sự từ việc khai thác giống mới, bù cho các chi phí trong quá trình chọn tạo và phát triển. Điều này nếu làm được sẽ khuyến khích nhà khoa học nỗ lực hơn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất.

Xây dựng mối liên hệ mềm dẻo

Những đề xuất, hướng đi và cả những băn khoăn của các trường, viện càng cho thấy sự cần thiết phải hình thành các tổ chức đầu mối, đơn vị trung gian nhằm hỗ trợ thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả. Trong bối cảnh đó, việc triển khai mô hình TLO của Nhật Bản được nhiều chuyên gia đánh giá là hứa hẹn "thổi luồng gió mới" vào hoạt động này.

GS Takafumi Yamamoto, Chủ tịch TLO (Đại học Tokyo, Nhật Bản) cho rằng, các trường ĐH ở Việt Nam cần xây dựng văn phòng chuyển giao công nghệ riêng. Trước năm 1998, các nhà khoa học trong các trường ĐH ở Nhật Bản không mặn mà với việc kiếm tiền bản quyền từ các sáng chế, các trường cũng không có chức năng giới thiệu công nghệ của họ cho doanh nghiệp. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và các trường hết sức lỏng lẻo. Tuy nhiên, với mô hình văn phòng TLO, tình trạng này đã được khắc phục. Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống văn phòng TLO trực thuộc các trường ĐH, có nhiệm vụ đẩy mạnh đăng ký sáng chế do trường nghiên cứu, sáng tạo, theo dõi và quản lý vấn đề sở hữu trí tuệ, phối hợp thúc đẩy chuyển giao sáng chế, kết quả nghiên cứu cho khu vực doanh nghiệp công nghiệp. Theo GS Yamamoto, để thực hiện nhiệm vụ nói trên, các TLO chú trọng xây dựng vai trò của người đứng đầu và cách thức xây dựng lòng tin, mối liên hệ mật thiết giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý. Mối liên hệ giữa hai bên là hết sức linh hoạt, mềm dẻo, lấy hiệu quả của đổi mới sáng tạo làm cốt lõi. Ngoài ra, việc xây dựng TLO còn nhằm mục đích bảo đảm sự hài hòa về lợi ích của các bên, hướng tới lợi ích lâu dài có từ kết quả đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng đề nghị các chuyên gia Nhật Bản tạo điều kiện hỗ trợ phía Việt Nam xây dựng các dự án hợp tác về thành lập hệ thống TLO trong các trường ĐH. Với Việt Nam, GS Yamamoto cho rằng, sẽ có hiệu quả hơn nếu các trường thành lập các văn phòng TLO ở bên ngoài, thay thế cho phòng sở hữu trí tuệ ở bên trong trường ĐH. Quan trọng không kém, kèm theo đó, là đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ công tác bảo hộ sáng chế.