|
|||
Chủ trương đã có… nhưng vẫn còn gặp khó Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển thị trường công nghệ trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách để các sản phẩm KHCN trở thành hàng hóa. Có nhiều chính sách được ban hành như Luật KH - CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao... Trên thực tế, đã triển khai các Đề án, Chương trình Quốc gia, Chương trình cấp Nhà nước về KHCN nhằm hỗ trợ các hoạt động KHCN theo cơ chế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh cho các sản phẩm KHCN. Qua đó khuyến khích gắn kết hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, phát triển quan hệ hợp đồng giữa doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động tư vấn, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Cũng như vậy, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu phát triển thị trường KHCN là: “Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thị trường KHCN đến năm 2020; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung - cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, trao đổi, giao dịch thông tin về khoa học và công nghệ”. Tuy nhiên trên thực tế, thị trường công nghệ ở Việt Nam hiện nay còn gặp rất nhiều vấn đề tồn tại, bất cập. Sự thiếu đồng bộ trong việc liên kết giữa người bán (bên cung công nghệ), người mua (bên cầu công nghệ) và các nhà cung cấp dịch vụ (về nhận dạng, nhu cầu, giá cả,…) cộng với sự tác động thiếu kịp thời về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách đầu tư, thuế, phí, dịch vụ tài chính, xây dựng trật tự thị trường, lưu thông và mở cửa thị trường, cung cấp thông tin.... dẫn đến thị trường công nghệ còn phát triển chậm. Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân và các đại biểu tham quan khu vực trình diễn công nghệ Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân trực tiếp là do chưa có sự nghiên cứu thấu đáo về nhu cầu công nghệ của các ngành kinh tế, các lĩnh vực cũng như của doanh nghiệp (phía cầu), sự tồn tại và mức độ cung cấp công nghệ (phía cung). Bên cạnh đó còn thiếu tổ chức cũng như các cơ chế về môi giới, xúc tiến công nghệ (định chế trung gian). Điều đó dẫn đến khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, chuyển giao công nghệ là thiếu thông tin về công nghệ cần thiết và phù hợp, thiếu nguồn kinh phí cho việc tìm công nghệ, chưa có khả năng tiếp cận các nguồn vốn của các quỹ đổi mới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm. Mặt khác, khả năng quản lý công nghệ, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn thấp so với khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu liên quan đến công nghệ, đặt hàng nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ cụ thể nhưng không biết tìm ở đâu, ai có khả năng nghiên cứu, ai bán và giá cả của công nghệ, hình thức đặt hàng như thế nào. Cùng với đó, nhiều công nghệ, sản phẩm KHCN mới được tạo ra từ các viện, trường có khả năng thương mại hóa cao nhưng vẫn chưa tìm được cách tiếp cận kịp thời đến doanh nghiệp để có thể phát huy hết được giá trị, hiệu quả và lợi ích thiết thực. Nhà đầu tư nước ngoài hoặc người có công nghệ ở nước ngoài muốn đầu tư, chuyển giao công nghệ nhưng vẫn chưa tìm được doanh nghiệp trong nước thực sự có nhu cầu và khả năng phù hợp… Giải bài toán phát triển thị trường công nghệ “Hoạt động giới thiệu, trưng bày và trình diễn công nghệ nhằm hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ ở địa phương” giai đoạn 2011-2015 do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH - CN thực hiện với mục đích xác định nhu cầu công nghệ và cung cấp nguồn công nghệ theo nhu cầu của các địa phương. Qua hoạt động này gắn kết nối nguồn cung và cầu công nghệ, đổi mới và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Kể từ khi triển khai hoạt động này, đến nay, đã xác định được gần 200 nhu cầu công nghệ và trên 300 nguồn cung công nghệ của 36 địa phương 45 viện nghiên cứu và trường đại học trong nước, 80 doanh nghiệp trong nước và trên 20 tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: công nghệ sinh học; cơ khí chế tạo; công nghệ nuôi cấy mô; công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; công nghệ vi sinh vật bảo vệ cây trồng; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; công nghệ sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi; công nghệ xử lý môi trường vùng nông thôn, phòng chống bão lụt; công nghệ vật liệu mới; công nghệ tiết kiệm và tái tạo năng lượng... Kết nối cung - cầu công nghệ chính là cách giải bài toán về phát triển thị trường công nghệ. Thực chất đó là việc tiến hành các hoạt động tìm kiếm, xác định cụ thể nguồn cung và nhu cầu công nghệ, cung cấp thông tin về công nghệ, thị trường công nghệ và những cơ chế chính sách của Nhà nước về KHCN thông qua các mô hình diễn đàn, hội nghị, hội thảo, triển lãm, chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Techmart ảo,… Như vậy, muốn có hiệu quả thực sự hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ phải có thêm sự xúc tác tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu. Đồng thời phải huy động được các nguồn lực khác nhau để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp trong thời gian qua, bà Trần Thị Thuấn Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Hoa cho biết, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty luôn coi việc ứng dụng KHCN là động lực trong phát triển, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả của sản xuất. Tuy nhiên, bà Hoa cũng đề nghị “Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ, kết nối cung cầu, ứng dụng KHCN vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra nền nông nghiệp giá trị cao và công nghệ sinh học; quan tâm đổi mới công nghệ, ưu tiên ứng dụng chuyển giao công nghệ chế biến sau thu hoạch…”. TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất cần tăng cường sức mạnh và hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp theo hướng liên thông, hợp lý, hiệu quả; cần tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng, cần phải có thêm những nỗ lực để thúc đẩy liên kết 3 nhà (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học); đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng ở các địa phương, gắn hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; có chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ…
|