|
|||
Chiều 11-8, bốn nhà khoa học vật lý người Mỹ được trao giải Nobel đến TP Quy Nhơn (Bình Định) để tham dự các sự kiện của hội nghị khoa học vật lý quốc tế “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9. Đó là các giáo sư Jack Steinberger (92 tuổi, giải Nobel năm 1988), Sheldon Lee Glashow (77 tuổi, Nobel năm 1979), David J. Gross (72 tuổi, Nobel năm 2004), Georges Smoot (68 tuổi, Nobel năm 2006). “Đến để góp phần chia sẻ nỗi đau” Trước đó, GS Klaus von Klitzing (70 tuổi, nhà khoa học vật lý người Đức, Nobel năm 1985) đã có mặt tại Quy Nhơn và chủ trì hội nghị vật lý quốc tế với chủ đề “Vật lý nano: Từ cơ bản đến ứng dụng” nằm trong chuỗi sự kiện khoa học trên. Là nhà khoa học lớn tuổi nhất dự hội nghị khoa học vật lý quốc tế lần này nhưng GS Jack Steinberger vẫn nhanh nhẹn, tự mang hành lý vì không muốn làm phiền người khác. Ông ôm chầm vợ chồng GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, người sáng lập sự kiện khoa học trên, như gặp lại những người thân. Ông liên tục hỏi chuyện GS Lê Kim Ngọc (vợ GS Trần Thanh Vân) về những sự kiện khoa học đã và đang diễn ra tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần này. Tiếp xúc với PV, Jack Steinberger - vị giáo sư từng gửi thư đề nghị Tổng thống Mỹ Bill Clinton dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam trầm ngâm: “Tôi luôn cảm thấy có lỗi với Việt Nam vì người Mỹ đã gây ra chiến tranh trên đất nước các bạn. Tôi đến Việt Nam lần này là để góp phần chia sẻ nỗi đau với đất nước các bạn”. Nâng niu đội chiếc nón lá lên đầu, GS Jack Steinberger cho biết lần đầu ông được đội chiếc nón này là cách đây 20 năm cũng trên đất nước Việt Nam và ông rất yêu quý nó. Với tâm trạng háo hức, GS Sheldon Lee Glashow cho biết ông đến Việt Nam lần này là để giới thiệu, chia sẻ một số vấn đề về khoa học vật lý, song điều quan trọng nhất là ông muốn biết trong tương lai Việt Nam sẽ có vị trí thế nào trong nghiên cứu khoa học thế giới. Ông bày tỏ: “Việt Nam có thể đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ. Sự có mặt của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, sự ra đời của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành lần này sẽ giúp việc hợp tác quốc tế về khoa học phát triển hơn, giúp Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong nghiên cứu khoa học thế giới. Song vấn đề quan trọng, cần thiết là Việt Nam nên đầu tư mạnh mẽ hơn cho khoa học cơ bản”. Chia sẻ cảm nhận về nền khoa học, giáo dục Việt Nam, GS Sheldon Lee Glashow nói: “Việt Nam có nhiều người đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế và đất nước các bạn thường được xếp ở vị trí cao. Qua tiếp xúc, tôi thấy sinh viên Việt Nam có ngoại ngữ rất tốt, đặt những câu hỏi về khoa học rất sâu sắc và có sự tìm tòi. Các bạn nên phát huy điều đó, giáo dục nên cởi mở hơn để sinh viên tự tin, tìm tòi, sáng tạo”. Lần thứ hai đến Việt Nam, GS Klaus von Klitzing mang theo nhiều kế hoạch tâm huyết về tương lai của khoa học nano, về ứng dụng công nghệ nano trong các lĩnh vực. Theo GS Klaus von Klitzing, khoa học nano đã, đang và sẽ ứng dụng rất lớn trong cuộc sống hằng ngày. Đánh giá về tiềm năng khoa học Việt Nam, ông nói: “Tôi chưa biết nhiều về khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu làm phép so sánh ở châu Á, khoa học Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và sự cạnh tranh ấy sẽ giúp các bạn phát triển khoa học, theo kịp một số nước có nền khoa học tiên tiến”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM tại lễ đón các nhà khoa học, TS Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Đây là cơ hội vàng để các nhà khoa học Việt Nam được trực tiếp gặp gỡ, tiếp cận những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất của các nhà khoa học hàng đầu thế giới; qua đó tạo mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, giúp các nhà khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn. Sự có mặt của các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng cho thấy Việt Nam đã có vị trí trong bản đồ khoa học thế giới”.
|