Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 3-9/8
Chuẩn bị thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ; Đồng Tháp: Lai tạo thành công bộ giống lúa mới; Hội thảo quốc gia về thông tin tuyên tuyền phát triển điện hạt nhân; Phao cứu sinh đa năng đặc biệt của Việt Nam;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Chuẩn bị thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định dự án đầu tư theo quy định, lưu ý tính đặc thù của Học viện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang tập trung thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ theo Quy hoạch phát triển Viện đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu tổng quát là xây dựng Viện trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực,…(Theo Công an nhân dân 5/8).

Đồng Tháp: Lai tạo thành công bộ giống lúa mới

Trung tâm Giống Nông nghiệp Đồng Tháp vừa thực hiện lai tạo thành công bộ giống lúa mới triển vọng vụ Hè Thu 2013 trong đó nổi bật là giống ĐTS 9, có thể thay thế các giống lúa có phẩm chất kém đang được trồng phổ biến hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Tài – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, giống ĐTS 9 có ưu thế về năng suất cao, chất lượng gạo tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, có thể thay thế các giống lúa phẩm chất thấp như hiện nay.

ĐTS 9 là một trong 19 giống lúa mới có triển vọng mang tên ĐTS (Dong Thap Seeds) được chọn sau 4 năm Trung tâm Giống Nông nghiệp Đồng Tháp thực hiện đề tài “Lai tạo, tuyển chọn các giống lúa mới cho năng suất cao, phẩm chất ngon, thích nghi với điều kiện canh tác Đồng Tháp." (Theo vietnamplus 6/8).

Hội thảo quốc gia về Thông tin và tuyên truyền phát triển điện hạt nhân

Hội thảo quốc gia về Thông tin và tuyên truyền phát triển điện hạt nhân, được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9-8-2013 tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn II, Cục Năng lượng nguyên tử chủ trì, phối hợp với IAEA tổ chức.

Nội dung của Hội thảo gồm: giới thiệu tổng quan Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020; Hướng dẫn thực tiễn cho công tác thông tin tuyên truyền, bao gồm cả việc nhận dạng các bên liên quan; Tổng quan về chính sách năng lượng và chiến lược đối với vấn đề tham gia của các bên liên quan cho chương trình điện hạt nhân của Cộng hòa Séc; Việc xác định các thông điệp và công cụ cho chiến lược đối với vấn đề tham gia của các bên liên quan; Các hoạt động thông tin tuyên truyền điện hạt nhân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II; và các hoạt động tham quan địa điểm xây dựng dự án.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia IAEA và cơ quan, đơn vị liên quan trong nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về các giải pháp thông tin, tuyên truyền một cách hiệu quả và phát huy vai trò tham gia của cộng đồng địa phương đối với chương trình phát triển điện hạt nhân. (Theo Sài gòn giải phóng, 7/8)

Đồng chí Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo

Phao cứu sinh đa năng đặc biệt của Việt Nam

Áo phao do ông Võ Văn Hoàng Minh (Hiệp hội Nhựa TPHCM) sáng chế có nhiều tiện ích giúp ngư dân đi biển an toàn...

Ông Minh cho biết: Áo phao được may bằng 3 lớp vải. Bên trong áo có loại xốp bằng nguyên liệu polyethylene - low density để tạo lực nâng nổi cho người sử dụng khi đi biển. Bên trong áo được thiết kế các túi áo rộng rãi, có khả năng chứa được các hũ nhỏ đựng gạo, rong biển và vài chai nước uống. Đây là nguồn năng lượng bổ sung cực kỳ quý giá, giúp người bị nạn duy trì sự sống từ 6 - 7 ngày trong khi chờ đợi cứu hộ.

Đi kèm với áo phao còn có nhiều vật dụng đều có những tác dụng riêng biệt như đèn led, kính phản quang nhằm tăng cường độ chiếu sáng; chiếc mũ mềm có màu vàng phản quang tạo cho đội cứu hộ dễ phát hiện,…(Theo kienthuc.net.vn 8/8).

Đẩy mạnh hoạt động an ninh và thanh sát hạt nhân

Đến nay, hoạt động an ninh và thanh sát hạt nhân của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đáp ứng được yêu cầu của quốc gia và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tiến hành thẩm định các biện pháp bảo vệ thực thể cho các cơ sở thực hiện công việc bức xạ; đồng thời tiếp tục thực hiện dự án BOA của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ về đảm bảo an ninh cho các nguồn phóng xạ có độ nguy hiểm cao tại Việt Nam nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an ninh nguồn phóng xạ và đã hoàn thành lắp đặt hệ thống an ninh tại 22 cơ sở có nguồn phóng xạ hoạt độ cao.

Cục phối hợp với Viện an toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS) thực hiện dự án kiểm soát nguồn phóng xạ di động dùng trong thử nghiệm không phá hủy phục vụ công tác bảo đảm an toàn và an ninh cho nguồn phóng xạ đặc biệt này. (Theo vietnamplus 8/8).

18 năm, gần 2.000 công trình tham gia giải thưởng VIFOTEC

Ngày 7/8, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Bộ Khoa học - Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia "Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

GS.VS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kĩ thuật Việt Nam cho biết, trong 18 năm qua đã có gần 2.000 công trình tham gia giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) và đã có 617 công trình đoạt giải.

Các công trình, giải pháp đoạt giải đã, đang được áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu... (Theo Công an nhân dân 8/8).

Đẩy mạnh các chương trình công nghệ quốc gia

Cần đẩy mạnh đầu tư chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; công nghệ cao; đổi mới công nghệ quốc gia, làm sao để phát triển công nghệ cao đúng hướng và có tác dụng tích cực, mục tiêu cao nhất là các chương trình này phải đi vào cuộc sống.

Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại phiên họp thực hiện 3 chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ sáng ngày 6/8 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành trong thời gian tới cần tập trung cụ thể hóa các chính sách vay vốn ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến thị trường với các chính sách ưu đãi xúc tiến đầu tư, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm đã được đầu tư…(Theo vietq.vn 8/8).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo thực hiện 3 chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ

Trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ

Trong hai ngày 15 và 16-8, sự kiện Trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ được Bộ KH&CN phối hợp với một số tỉnh, thành tổ chức tại Thái Bình nhằm đánh giá tổng quan về thực trạng cơ chế, chính sách cung - cầu, nhu cầu công nghệ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ giai đoạn 2011-2013… trình diễn công nghệ nhằm thúc đẩy ứng dụng, đổi mới và chuyển giao.

Tại đây, các địa phương, các tổ chức KH&CN sẽ trình bày các mục tiêu phát triển tiềm lực KH&CN và trao đổi kinh nghiệm về việc tiếp nhận các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai các hoạt động thương mại hóa công nghệ. Trong khuôn khổ sự kiện này còn có hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng và thương mại hóa công nghệ góp phần phát triển sản phẩm chủ lực vùng Đồng bằng sông Hồng". (Theo Hà nội mới 9/8).

Hà Trang (Tổng hợp)