|
|||
Trong khuôn khổ hoạt động “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX diễn ra tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hôm qua 29-7 đã khai mạc 2 hội nghị quốc tế “Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck” và “Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn”, với sự tham dự của hơn 80 nhà khoa học quốc tế. Đông đảo các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và trong nước đã tập trung thảo luận về những vấn đề trong lĩnh vực vũ trụ thiên văn kỷ nguyên Planck (thời sơ khai). Đáng chú ý là luận thuyết về vụ nổ lớn Big Bang xảy ra cách đây khoảng 15 tỷ năm tạo nên vũ trụ. Các nhà vật lý quốc tế đều đi theo luận thuyết này để lý giải cho sự hình thành của vũ trụ và trái đất. Bằng chứng là bức xạ nhiệt do vụ nổ lớn gây ra vẫn còn tồn tại đến ngày nay với khoảng 2,7 độ K, hoạt động đẳng hướng nhưng có sự dao động. Một phạm vi khác của vật lý hạt cũng được các nhà vật lý thế giới thảo luận lần này. Giáo sư vật lý Trần Thanh Vân cho biết: Các nhà vật lý trên thế giới hiện nay muốn tìm hiểu rằng trong mỗi hạt vật chất đều có điện âm và điện dương. Vậy nên khi xem các hạt vật chất đang tồn tại đã tìm ra được là dương thì liệu có loại vật chất “âm” nào hay không? Đồng thời, nhiều nghiên cứu cũng muốn giúp con người giải mã các loại vật chất khác trong “bóng tối”, “sức nặng bóng tối” của các hành tinh trong vũ trụ; sự thay đổi của vật chất từ thời sơ khai cho đến nay… Ngoài ra, nhiều vấn đề về Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn của nhà bác học Albert Einstein cũng được trao đổi các nghiên cứu tại hội nghị. Các nhà khoa học đã chia nhóm hội thảo theo nhiều hướng nghiên cứu sâu về lý thuyết lượng tử, thuyết tương đối tổng quát, trường hấp dẫn… Hai hội nghị tiếp theo là “Vật lý nanô: từ cơ bản đến ứng dụng” sẽ diễn ra từ 4-8 đến 10-8. Đặc biệt, hội nghị khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn, với chủ đề “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” được tổ chức từ 11-8 đến 17-8 sẽ có sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học, trong đó có một số nhà khoa học vật lý đã từng đoạt giải Nobel gồm các giáo sư người Mỹ là Jack Steinberger (Nobel Vật lý năm 1988), David Gross (Nobel Vật lý năm 2004), Georges Smoot (Nobel Vật lý năm 2006), Jerome Friedman (Nobel Vật lý năm 1990) và Sheldon Glashow (Nobel Vật lý năm 1979). Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết, việc tập hợp hàng trăm nhà khoa học ngoại quốc về một nơi là điều không hề dễ dàng. Vì thế, tôi luôn mong các sinh viên, giảng viên chuyên ngành liên quan của Trường Đại học Quy Nhơn hãy tận dụng cơ hội này để gặp và nói chuyện, chia sẻ những băn khoăn, mong muốn, biết đâu sẽ bổ sung thêm ít nhiều kiến thức giúp nâng cao trình độ, không chỉ trong học tập, giảng dạy mà còn trong nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy, các nhà bác học đến đây đều là những người có kiến thức uyên thâm và nhiều cảm tình với Hội Gặp gỡ Việt Nam, với đất nước Việt Nam. Họ rất sẵn lòng trao đổi thông tin và cũng có nhu cầu tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến giáo dục, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Giáo sư Trần Thanh Vân (bên trái) và nhà khoa học nước ngoài tham dự hội thảo Trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần này, giáo sư Trần Thanh Vân cũng tham gia tài trợ, phối hợp với Đại học Quy Nhơn tổ chức 2 lớp học chuyên đề gồm: Lớp Vật lý Việt Nam lần thứ 19 với chủ đề Vật lý chất đặc lý thuyết và tính toán (từ ngày 3-8 - đến 17-8) và lớp Vật lý thiên văn lần thứ nhất với chủ đề Vật lý thiên văn và vũ trụ học (từ ngày 4-8 đến 10-8). 2 lớp học này dành cho các cán bộ, giảng viên, các nghiên cứu sinh chuyên ngành vật lý trong và ngoài nước tham dự. Giáo sư Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Đồng Hới (Quảng Bình). Ông học trung học tại Huế, tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1957, tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris (Pháp) với bản luận án xuất sắc nêu rõ rằng hạt proton không phải là “viên gạch cuối cùng” của vật chất mà là một cấu trúc gồm nhiều “viên gạch” còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau được biết chính là các hạt Quark). Năm 1953, ông nhận được học bổng sang Pháp du học, sau đó chuyển sang học ngành Vật lý hạt cơ bản. Ông được Viện Hàn lâm Nga bầu làm viện sĩ. Khi về hưu, ông vẫn tiếp tục tìm hiểu về Vật lý hạt nhân. Ông đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách. Giáo sư Trần Thanh Vân được trao tặng danh hiệu Vinh danh nước Việt 2004. Mặc dù cả hai vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và vợ là giáo sư Lê Kim Ngọc luôn thành công với khoa học quốc tế nhưng thâm tâm họ vẫn luôn đau đáu, dạt dào tình cảm với quê hương. Do vậy, nguyện vọng của hai vợ chồng giáo sư là xây dựng Trung tâm ICISE tại Việt Nam để gắn bó và thể hiện trách nhiệm với quê hương. Dự án ICISE xây dựng trên một mảnh đất đẹp rộng 20ha, với các hạng mục: Tòa nhà hội nghị với hội trường lớn, các phòng hội thảo và văn phòng dành cho học tập và nghiên cứu, phòng chiếu thiên văn học, phòng triển lãm, thư viện, Trường Kỹ sư có thể đào tạo đến trình độ thạc sĩ chuyên ngành (thông qua sự hợp tác của các trường đại học trong và ngoài nước), khu nhà khách đạt tiêu chuẩn quốc tế…
|