Bản in
Truyền thông về đổi mới sáng tạo trong KHCN: Thay đổi từ nhận thức
Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo tại khóa tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông về hoạt động đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ (KHCN) được tổ chức mới đây tại Vũng Tàu khi mà thực tế cho thấy công tác truyền thông về lĩnh vực này đang rơi vào tình trạng đi theo lối mòn và chưa có sự đổi mới

Truyền thông: Cầu nối giữa khoa học và xã hội

Ở các nước có nền khoa học công nghệ phát triển mạnh như Nhật Bản cũng có những thời điểm người dân không mặn mà lĩnh vực này. Tuy nhiên vào những năm 1990, Nhật Bản đã đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của người dân và đã thu hút được sự chú ý đầu tư vào khoa học. Thậm chí Nhật Bản còn đặt ra mục tiêu đưa KHCN trở thành một hoạt động mang tính văn hóa. Chính phủ Nhật Bản tài trợ rất lớn cho những khóa truyền thông về khoa học tại một số trường đại học. Hay như với Australia, Chính phủ luôn quan tâm và khuyến khích phát triển truyền thông về KHCN. Truyền thông là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KHCN của Australia. Chính phủ Australia xây dựng những Trung tâm để nhà khoa học chia sẻ suy nghĩ, trao đổi học thuật và được huấn luyện về công tác truyền thông để có thể trao đổi với báo chí. Các nhà khoa học chủ động trong việc kết nối với giới truyền thông...

Theo Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải, cũng như nhiều lĩnh vực khác, vai trò của truyền thông trong hoạt động KH&CN là rất quan trọng. Truyền thông giữ vai trò chủ đạo trong công tác giới thiệu, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khẳng định phát triển  KH&CN là quốc sách hàng đầu. Qua các kênh truyền thông thì người dân cũng như các cấp quản lý ý thức được vai trò của KH&CN có tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm, hang hóa và của cả nền kinh tế. Không chỉ dừng lại ở mức nhận thức, truyền thông còn tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, biến thành hành động, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KH&CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống.

Truyền thông KH&CN cũng đi trước một bước, giới thiệu những những điển hình nghiên cứu, mô hình tốt về ứng dụng KH&CN của Việt Nam cũng như của nước ngoài nhằm góp phần tạo ra một xã hội đổi mới sáng tạo, một thế hệ nhà khoa học, doanh nhân kiểu mới tận tuy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với nhu cầu của đất nước, gắn với hoàn cảnh, môi trường hội nhập hiện nay.

Đa dạng hóa các loại hình truyền thông

Chính vì thế mà chưa bao giờ truyền thông thông KHCN được nhấn mạnh như bây giờ trong các văn bản, chính sách. Nhiệm vụ to lớn của công tác truyền thông KHCN đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng như Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật KHCN sửa đổi.

Truyền thông KH&CN chưa thực sự tạo được bản sắc. Mỗi địa phương cần tuyên truyền những điển hình, tấm gương xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với những sản phẩm mang tính đặc trưng. chủ lực của địa phương. Công tác thu hút nhân tài rất quan trọng, nhiều địa phương thành công trong việc thu hút nhân tài từ các nơi khác đến đã tạo nên bước đột phá trong hoạt động KH&CN.

Để nâng cao công tác truyền thông về KH&CN, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải khẳng định, trước tiên, nhận thức về vai trò của tuyên truyền về KH&CN ở Trung ương và cả ở địa phương phải được đặt đúng vị trí, được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, cần đầu tư sự chỉ đạo, kinh phí và những điều kiện khác để đẩy mạnh truyền thông KH&CN. Cần đa dạng hóa truyền thông KH&CN qua các hình thức như triển lãm, bảo tàng KH&CN, các loại báo hình, báo giấy, báo nói. Đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông. Chính các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN phải trực tiếp tham gia vào công tác truyền thông KH&CN thì công việc này mới đạt hiệu quả cao. Các nhà truyền thông giữ vai trò là người tổ chức, dẫn dắt, định hướng. Lực lượng tham gia truyền thông phải rộng rãi hơn, nếu chỉ dừng lại ở các nhà báo, những người làm công tác truyền thông thì chưa đủ. Lãnh đạo địa phương  phải là những người đi đầu trong công tác truyền thông KH&CN.

Công tác truyền thông KH&CN cần hướng vào đội ngũ trí thức; tôn vinh,  khích lệ tinh thần say mê sáng tạo, cống hiến tài năng và sức lực nhằm chấn hưng nền KH&CN nước nhà; khẳng định lòng tự tôn, danh dự quốc gia.

Tập huấn nghiệp vụ truyền thông về đổi mới sáng tạo trong KH&CN

Trong hai ngày 26 - 27/6/2013, tại TP. Vũng Tàu, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN- Bộ KH&CN phối hợp với Văn phòng đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) tổ chức khóa tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông về hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH&CN cho các đối tượng là cán bộ đầu mối truyền thông của các sở KH&CN trong toàn quốc và đại diện các cơ quan báo chí khu vực phía Nam. Khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về truyền thông đại chúng và các vấn đề KH&CN đang được xã hội quan tâm thông qua 4 chuyên đề: Vai trò của người lãnh đạo và cán bộ truyền thông với truyền thông KH&CN địa phương; Kỹ năng cơ bản truyền thông về đổi mới sáng tạo; Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và các phương pháp truyền thông hiện đại; Các phương pháp truyền thông hiện đại và khả năng áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.

 

Minh Châu