|
|||
BỘ TRƯỞNG BỘ KH-CN NGUYỄN QUÂN đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo ĐBND về hoạt động đổi mới sáng tạo và “mối lương duyên” giữa nhà khoa học với doanh nghiệp. - Thưa Bộ trưởng, trong thời gian gần đây, cụm từ Đổi mới sáng tạo được nhắc đến rất nhiều trên các diễn đàn KHCN. Xin Bộ trưởng cho biết nội dung và ý nghĩa của cụm từ này? - Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một nội dung được đưa vào Luật KH - CN. Tại sao chúng ta phải đề cập đến ĐMST trong giai đoạn hiện nay. Bởi đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là ĐMST hay là chết? Chúng ta thử nhìn lại, hầu hết những thành tựu đổi mới và tăng trưởng trong nhiều năm qua của nước ta chủ yếu dựa trên 3 yếu tố chính: đổi mới cơ chế quản lý của giai đoạn kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, đó là sử dụng lao động giá rẻ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay cả 3 yếu tố này đã không còn tác dụng vì thế nếu không có ĐMST, không coi trọng phát triển KHCN thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta không thể giữ được mức độ cao, thậm chí còn bị suy giảm nghiêm trọng. Đối với các doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào quan tâm đầu tư KHCN, tích cực ĐMST thì sẽ đứng vững và phát triển; ngược lại thì sẽ khó khăn hoặc thất bại. Trong ĐMST có khâu rất quan trọng là phải làm thế nào để các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học có thể đến được với doanh nghiệp? Làm thế nào để thúc đẩy, tăng cường liên kết 3 nhà: nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp? Chính vì thế, Chính phủ đã tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình ĐMST, gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Với sự ra đời của quỹ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực về KHCN cho các doanh nghiệp. - Thưa Bộ trưởng, việc liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp chưa như mong muốn, nguyên nhân do đâu? - Nếu nói nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân khách quan đó là thị trường công nghệ chúng ta còn rất thiếu định chế trung gian, tức là những tổ chức làm dịch vụ trong thị trường công nghệ, kết nối giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp. Tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp để tìm đến đặt hàng các nhà khoa học và ngược lại tìm hiểu năng lực của các nhà khoa học để giới thiệu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan, đó là chính doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đổi mới công nghệ. Bài học thành công của Công ty Rạng Đông, Công ty Viễn thông quân đội Viettel và một số doanh nghiệp khác đã cho thấy, doanh nghiệp phải chủ động đến với nhà khoa học chứ không phải ngồi chờ các nhà khoa học tìm đến với mình. Chỉ cần 10% doanh nghiệp trong cả nước áp dụng thành công KH - CN như Công ty Rạng Đông thì chắc chắn nền kinh tế của chúng ta sẽ có sự khởi sắc rất to lớn. (Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn) - Thưa Bộ trưởng, vậy vai trò của Nhà nước, cụ thể là vai trò của Bộ KH - CN trong việc gắn kết “mối lương duyên” giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp như thế nào? - Luật KH - CN vừa được QH thông qua, lần đầu tiên đề cập đến khái niệm các nhiệm vụ KHCN tức là các đề tài, dự án phải thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Hay nói cách khác đó là các doanh nghiệp phải đề xuất những vấn đề mà họ quan tâm, các nhà khoa học phải thực hiện các nhiệm vụ. Nhưng mà các bộ, ngành quản lý nhà nước phải lọc các đề xuất của doanh nghiệp và đưa ra các đề xuất đặt hàng cho Bộ KH - CN hoặc các bộ quản lý nhiệm vụ cấp bộ. Sau khi tổ chức thực hiện thì các nhà khoa học bàn giao lại kết quả cho các cơ quan đề xuất đặt hàng và các cơ quan đề xuất đặt hàng ấy căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp có thể yêu cầu doanh nghiệp sử dụng các kết quả nghiên cứu ấy ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật KH-CN cũng đã quy định sự ràng buộc về trách nhiệm của các bộ và các tổ chức cá nhân trong xã hội đối với việc sử dụng kết quả nghiên cứu, quyền lợi của họ. Và cũng là lần đầu tiên Luật KH-CN quy định thẩm quyền và chỉ rõ ai là người được quyền giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp, cho các tổ chức cá nhân để họ có thể tổ chức, ứng dụng và sử dụng kết quả nghiên cứu do Nhà nước đã đầu tư vốn. Cùng với những nội dung trên, Luật KH - CN cũng đã quy định rất rõ quyền sở hữu ấy có thể được chuyển giao cho doanh nghiệp, có thể được góp vốn vào doanh nghiệp và các nhà khoa học hoàn toàn được hưởng lợi nhuận từ nguồn vốn góp bằng tài sản trí tuệ của mình trong doanh nghiệp. Trước mắt quyền tác giả được khoảng 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, sau đó quyền lợi lâu dài chính là tỷ lệ lợi nhuận theo vốn góp bằng tài sản trí tuệ của các nhà khoa học. - Kế hoạch ĐMST là một kế hoạch tổng thể và lâu dài. Chính vì thế mà Chính phủ đã phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia và cho phép thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia với vốn điều lệ tới 1.000 tỷ đồng, với những nội dung thiết thực cho doanh nghiệp. Về lâu dài thì từ mô hình liên kết giữa viện, trường với doanh nghiệp của Công ty Rạng Đông, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí... cộng với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp sẽ thực sự quan tâm, dành một tỷ lệ lợi nhuận trước thuế (10%) để đầu tư cho KHCN theo đúng tinh thần Luật KH - CN. Nếu như tất cả các doanh nghiệp đều dành 10% lợi nhuận trước thuế thì chắc chắn chúng ta có nguồn đầu tư rất lớn từ doanh nghiệp cho KHCN - gấp 3 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ đó KHCN có nguồn lực để phát triển bền vững. - Thưa Bộ trưởng, để chính sách pháp luật nói chung và chính sách pháp luật KHCN nói riêng đi vào cuộc sống rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Bộ trưởng có mong muốn và đề xuất gì để sự phối hợp giữa các bộ, ngành được tốt hơn vì sự phát triển của KHCN nước nhà? - Tôi cho rằng một trong những khâu yếu nhất để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Chúng ta rất khó chấp nhận một chủ trương đúng đã được luật quy định nhưng nhiều năm không có văn bản hướng dẫn bởi “tắc” ở chỗ các bộ, ngành không phối hợp được với nhau một cách đồng bộ, kịp thời. Theo đó, một khi các nhà quản lý mà chưa nhận thức được vai trò của KHCN trong giai đoạn CNH - HĐH, chưa thực sự quan tâm và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động KHCN thì chúng ta không thể phát triển KHCN như mong đợi. Vì thế, chúng tôi mong muốn những người đứng đầu ở các bộ, ngành, cũng như những người đang làm nhiệm vụ trực tiếp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật dành thời gian thích đáng, tập hợp được trí tuệ và phối hợp một cách đồng bộ, hiệu quả nhất, sớm có những văn bản hướng dẫn. Chúng tôi phấn đấu trong năm 2013 sẽ trình Chính phủ và cũng mong muốn các bộ, ngành ban hành đồng bộ tất cả các văn bản hướng dẫn Luật KH-CN để đầu năm 2014 khi Luật KH-CN có hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn cũng đã sẵn sàng. - Xin cảm ơn Bộ trưởng! |