|
|||
7 nhà khoa học đoạt giải Nobel đến Việt Nam Hơn 200 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 7 nhà khoa học, bác học đoạt giải Nobel, sẽ tham dự sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX, tổ chức tại Quy Nhơn, Bình Định từ 28/7-17/8. GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cho biết, Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX bao gồm 4 hội nghị quốc tế (Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý Nano: Từ cơ bản đến ứng dụng; Khánh thành Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học và Giáo dục liên ngành-ICISE); 2 lớp học chuyên đề về vật lý và thiên văn học, một số hội thảo về giáo dục… Đây là một trong nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam-Pháp, 20 năm thành lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, đối tác chính thức của UNESCO. (Theo Chinhphu.vn 24/7). Chế tạo thành công bạc nano mang thương hiệu Việt Tiến sỹ Trương Văn Chương cùng các cộng sự thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã thành công trong chế tạo bạc nano, ứng dụng vào sản xuất để chủ động phát triển các loại sản phẩm công nghệ cao, giá thành thấp, mang thương hiệu Việt. Theo tiến sỹ Chương, một trong những hạt nano được sử dụng sớm và rộng rãi nhất là hạt nano bạc. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi ở kích thước nano, bạc thể hiện những tính chất vật lý, hóa học, sinh học khác biệt và vô vùng quý giá, hoạt tính sát khuẩn của bạc tăng lên khoảng 50.000 lần so với bạc ion. Từ thành công này, dung dịch bạc nano được ứng dụng để sản xuất khẩu trang có chức năng diệt khuẩn, dung dịch khử mùi diệt khuẩn, dung dịch vệ sinh phụ nữ. Với màng lọc có bạc nano, nhóm đã thử nghiệm ứng dụng chế tạo dụng cụ lọc đơn giản giúp người dân vùng lũ tự làm nước sạch để uống… (Theo vietnamplus 24/7). TP Hồ Chí Minh đặt hàng giới khoa học Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình đặt hàng các đề tài nghiên cứu KH&CN trong năm 2014, theo đó, doanh nghiệp có thể đặt hàng nhà khoa học các nội dung nghiên cứu và triển khai công nghệ, áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Theo cách đặt hàng mới, sau khi đề tài nghiên cứu được thông qua, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh sẽ ký thêm một hợp đồng đặt hàng nghiên cứu phát triển KH&CN với chủ nhiệm đề tài. Sau đó tiền sẽ được chuyển vào tài khoản bất kỳ của nhà khoa học chứ không nhất thiết ở kho bạc và họ được toàn quyền chi tiêu cho công việc nghiên cứu, không bị khống chế mức trần cho một chuyên đề trong đề tài của mình. Khi nhà nước đã đặt hàng, nhà khoa học chỉ cần nộp sản phẩm cam kết và một hóa đơn theo kinh phí được duyệt là xong. Nhà khoa học không còn cần phải “vẽ” chuyên đề, giải thích việc mua vật tư thiết bị, chi tiêu thế nào… (Theo Tia sáng 24/7). Hải Phòng: Lần đầu tiên ra Nghị quyết riêng về phát triển khoa học và công nghệ Lần đầu tiên Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết riêng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nghị quyết nêu rõ: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, gắn các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của từng cấp, từng ngành; Tiếp tục đổi mới toàn diện hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng hội nhập quốc tế… Mục tiêu của Nghị quyết là: Xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng Duyên hải Bắc Bộ và của cả nước trong lĩnh vực khoa học về biển, khoa học môi trường. (Theo Đại biểu nhân dân 24/7). TP.HCM: 7,5 triệu USD cho dự án công nghệ khuôn mẫu Sáng ngày 24/7, Khu công nghệ cao TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh Viedam với dự án thành lập Trung tâm nghiên cứu và Chế tạo khuôn mẫu có độ chính xác cao Viedam - Viedam Mold R&D Center (VMRD). Dự án có tổng số vốn đầu tư hơn 7,5 triệu USD trên diện tích xây dựng 7.500m2 dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 10/2013 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2014. Sau khi hoàn thành, VMRD sẽ là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật chế tạo khuôn mẫu có độ chính xác cao, thử nghiệm vật liệu mới, đào tạo đội ngũ kỹ sư Việt Nam có trình độ kỹ thuật chế tạo khuôn mẫu hàng đầu. Đây cũng là dự án thứ 3 trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong khu Công nghệ cao TP.HCM, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của Khu công nghệ cao đối với nhà đầu tư thông qua việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa. (Theo Khám phá 24/7). An toàn bức xạ là tiêu chí với nhà máy điện hạt nhân Hội thảo góp ý cho Dự thảo xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với nhà máy điện hạt nhân diễn ra ngày 24/7, tại Hà Nội, do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức. Góp ý cho dự thảo, các nhà khoa học cho rằng an toàn bức xạ là tiêu chí về tác động môi trường đối với nhà máy điện hạt nhân. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng góp ý cho việc xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập đánh giá tác động môi trường đối với dự án nhà máy điện hạt nhân, trong đó đã đề cập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về an toàn bức xạ nói chung, đối với nhà máy điện hạt nhân nói riêng; sự khác biệt giữa quy trình đánh giá tác động môi trường giữa các dự án thông thường và dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam;… (Theo vietnamplus 24/7). Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (ảnh: bee.net.vn) Ngày 4.8, vệ tinh Việt Nam sẽ lên trạm vũ trụ quốc tế Dự kiến ngày 4.8, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon của Việt Nam sẽ được tàu vận tải Kounotori 4 của Nhật Bản đưa lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) thuộc viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho hay vệ tinh siêu nhỏ mang tên PicoDragon, kích thước 10 x 10 x 11,35cm, nặng 1kg, là sản phẩm do các kỹ sư, nghiên cứu viên của trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Nhiệm vụ của vệ tinh này là chụp ảnh trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ nhờ các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. VNSC đã hợp tác với đại học Tokyo và cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản trong việc tiến hành một số thử nghiệm môi trường vũ trụ trước khi vệ tinh được phóng từ Nhật Bản. (Theo Sài gòn tiếp thị 25/7). Hà Trang (Tổng hợp) |