|
|||
Xây dựng Phú Thọ thành Trung tâm KH&CN khu vực trung du và miền núi phía Bắc Ngày 13.7.2013, tại thành phố Việt Trì, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh đã ký kết “Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2016, định hướng đến năm 2020”. Chứng kiến và tham dự Lễ ký có Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc cùng đại diện một số sở, ngành của tỉnh; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ. Thông qua Chương trình phối hợp, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ tỉnh Phú Thọ triển khai các nhiệm vụ trọng yếu có tính đột phá (tạo điều kiện để tỉnh Phú Thọ được tham gia các chương trình quốc gia về KH&CN, ưu tiên xây dựng chính sách đặc thù, phát triển hạ tầng KH&CN,...); đầu tư nâng cao tiềm lực và năng lực cho các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực cho Trung tâm Ứng dụng KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN để hỗ trợ phát triển sản xuất với sản phẩm trọng điểm, có thế mạnh của tỉnh;... Qua đó nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm KH&CN của khu vực trung du và miền núi phía Bắc”, hạt nhân thúc đẩy hoạt động KH&CN của toàn vùng. (Theo tchdkh.org.vn 15/7). Bộ trưởng Bộ KH&CN và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN Ứng dụng công nghệ sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững Ngày 16/7, tại Kiên Giang diễn ra Hội thảo khoa học công nghệ sáng tạo phục vụ phát triển nông nghiệp Việt Nam lần thứ I. Hội thảo nhằm phổ biến kiến thức kinh tế kỹ thuật, thông tin thị trường cho nông dân, phát triển giống mới, cải thiện phương pháp canh tác, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,... Với 63 báo cáo khoa học và nhiều báo cáo tham luận trình bày tại hội thảo tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường trong nông nghiệp. Đây là những công nghệ chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp một cách bền vững, giúp giải quyết một số vấn đề cấp thiết của nông nghiệp Việt Nam. (Theo Đại biểu nhân dân 17/7). Phát hiện loài thằn lằn mới ở Phú Yên Các nhà khoa học vừa công bố một loài thằn lằn chân ngón mới tại khu vực mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên. Thằn lằn mới có tên khoa học là Cyrtodactylus kingsadai được các nhà khoa học Đức và Việt nam công bố trên tạp chí Zootaxa tháng này. Thằn lằn chân ngón kingsadai có chiều dài đầu và thân 94 mm, thân chúng có màu nâu nhạt với một vệt sẫm màu sau gáy và 4 vệt sẫm màu ngang thân. Đây là loài thằn lằn ngón thứ 29 được ghi nhận ở Việt Nam. Thằn lằn chân ngón là giống có nhiều loài mới được công bố nhất với khoảng 25 loài cho khoa học trong hai thập kỷ gần đây ở Việt Nam. (Theo vnexpress 17/7). Sản phẩm đặc biệt từ trái thanh long Gần 3 năm tự mày mò, nghiên cứu, nông dân Nguyễn Văn Tòng ở ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An) đã chế biến thành công nước trái cây lên men thanh long ruột đỏ, đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” lần thứ II của tỉnh. Ông Tòng cho biết: “Làm nước trái cây lên men từ trái thanh long không khó, chỉ vài bước đơn giản, cầu kỳ ở liều lượng pha chế cho phù hợp thôi”. Ban đầu, ông xay thanh long bằng máy sinh tố, tiếp tục ủ cùng với men rượu theo nồng độ 5 gr men/kg thanh long khoảng 1 tuần, sau đó phân tách bã, cuối cùng là xử lý nhiệt 100 độ C, pha đường với tỷ lệ ngang trái ngọt tự nhiên trước khi đóng gói hoàn thiện sản phẩm. (Theo Nông nghiệp 18/7). Sản xuất que thử phát hiện nhanh độc tố thực phẩm Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bước đầu nghiên cứu thành công kháng nguyên tái tổ hợp giảm độc lực để tạo kháng thể đơn dòng, phục vụ việc sản xuất que thử (Kít) phát hiện nhanh vi khuẩn tụ cầu vàng trong thực phẩm. Que thử này khi ra đời sẽ cho phép phát hiện độc tố Staphyloccocal entotoxin B trong thời gian ngắn, đơn giản dễ sử dụng. Thằn lằn ngón Cyrtodactylus kingsadai. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung) Dự kiến từ nay tới năm 2015, que thử sẽ ra được đưa ra thử nghiệm ngoài thực tế. Khi ấy, Việt Nam có thể chủ động trong việc phát hiện nhanh độc tố nhóm B trong thực phẩm, nước... Quan trọng hơn, các que thử này còn giúp chúng ta có thể chủ động trong việc phát hiện độc tố nhóm B do Staphylococcus aureus. (Theo vietnamplus 18/7). Xuất bản tạp chí Y dược học Việt Nam bằng tiếng Anh Ngày 18-7, Bộ Y tế chính thức công bố việc xuất bản tạp chí Y dược học Việt Nam bằng tiếng Anh (VJMP) và ra mắt số đầu. Ðây là tạp chí khoa học xuất bản bằng tiếng Anh đầu tiên của ngành y dược Việt Nam. Tạp chí là nơi thu thập, biên tập, đăng tải các bài báo khoa học về lĩnh vực y học, dược học, công nghệ y sinh học, y học dự phòng, y tế công cộng... nhằm chia sẻ thông tin với bạn bè quốc tế về các nghiên cứu của các nhà khoa học y, dược Việt Nam. Việc xuất bản Tạp chí VJMP là bước tiến mới trong sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực y tế của Việt Nam. Ðồng thời là tiếng nói khoa học của ngành y tế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. (Theo Nhân Dân 19/7). Thanh long ruột đỏ được cấp chứng nhận nhãn hiệu Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm trái cây thanh long ruột đỏ cho Hợp tác xã thanh long ruột đỏ xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Thanh long ruột đỏ được nhà vườn Trà Vinh chọn trồng là giống Long Định 1, loại giống này cho trái đẹp, năng suất, chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu; trọng lượng trung bình từ 0,5-0,8 kg/trái. Hiện trái thanh long ruột đỏ được bán tại vườn từ 15.000-20.000 đồng/kg, giúp nhà vườn có thu nhập cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng khác. Đến nay, Trà Vinh đã có 5 sản phẩm trái cây được công nhận nhãn hiệu hàng hóa gồm quýt đường của Hợp tác xã Thuận Phú, xoài Châu Nghệ của Hợp tác xã xoài Châu Nghệ, măng cụt của Hợp tác xã Tân Thành, dừa sáp của Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân và thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã thanh long ruột đỏ xã Đức Mỹ (huyện Càng Long). (Theo vietnamplus 19/7). 6 ngành ưu tiên áp dụng công nghệ cao Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1043/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng tới đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, các ngành ưu tiên sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam; giá trị sản xuất của các ngành ưu tiên tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghệp; đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất; đến năm 2030, các ngành này chủ yếu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam…(Theo Vietq.vn 19/7). Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm về điện hạt nhân Chiều 18-7, tại Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị pháp quy hạt nhân lần thứ nhất, với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các cơ quan hạt nhân, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật các nước như: Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái-lan, Bun-ga-ri... Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân và phát triển Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia; góp ý về một số vấn đề cần chỉnh sửa trong Luật Năng lượng nguyên tử; tình hình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận... Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Ðề án và ra Quyết định thành lập Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia nhằm thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia đã được quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử, phù hợp với thông lệ quốc tế và hướng dẫn IAEA... (Theo Nhân Dân 19/7). Hà Trang (Tổng hợp) |