Bản in
Hương, nến sạch hướng ra thị trường
Với sự hỗ trợ từ chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) cùng những nỗ lực cải tiến trong cách nghĩ, cách làm, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) đã thành công trong việc đưa ra thị trường một sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân vùng núi.

Sản xuất sạch từ nhu cầu thực tiễn

Từ xưa tới nay, hương thắp và nến là những mặt hàng được người dân sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dùng hương và nến sử dụng nhiều hóa chất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Giống như khói thuốc lá, khói than, khói từ các sản phẩm hương độc hại có chứa các chất có hại cho sức khỏe như benzen, toluene, xylenes… 

Trước đây, người sản xuất hương truyền thống thường sử dụng hương liệu là gỗ trầm nên hương không độc hoặc rất ít độc. Còn ngày nay, hương chủ yếu được làm từ mùn cưa của gỗ tạp rồi pha thêm hóa chất để tạo mùi thơm, để đậu tàn. Những loại nến độc hại là nến khi cháy, chất parafin không bị đốt hoàn toàn sẽ bay vào không khí. Những tác nhân này đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Do vậy, việc sử dụng nguồn nguyên liệu sạch làm hương và nến có ý nghĩa cả về môi trường và sức khỏe.

Từ thực tế trên, VIRI đã quan tâm tới vấn đề sử dụng các loại nguyên liệu sạch làm hương, nến với tiêu chí hương, nến sạch bảo vệ môi trường và sức khỏe người sử dụng; góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng (sử dụng sản phẩm sạch và có nguồn gốc), từ đó mang lại nguồn thu ổn định cho người sản xuất là những người dân vùng cao Sa Pa, Lào Cai. Được sự hỗ trợ của Chương trình IPP, VIRI đã thực hiện dự án "Sản xuất nến và hương tự nhiên có lợi cho sức khỏe, cho thị trường nội địa và thương mại bình đẳng". Dự án được đánh giá là mang tính sáng tạo và có hiệu quả bền vững với các sản phẩm chủ yếu như hương và nến chống muỗi, hương cho spa và thư giãn, hương thuốc truyền thống. Dự án cũng tạo ra 200 việc làm mới, trong đó ưu tiên người nghèo đang sinh sống gần cửa rừng để cải thiện thu nhập của họ thông qua khai thác bền vững và trồng các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. 

Mang lại hiệu quả kinh tế 

Sau thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm, VIRI đã sản xuất thành công 48 loại sản phẩm, trong đó có 18 loại tinh dầu, 10 loại hương, 20 loại nến. Nến ở đây được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên (sáp ong, sáp đậu tương, sợi bấc bằng lanh, tinh dầu tự nhiên…), do vậy cháy lâu, cháy sạch và có mùi thơm tự nhiên. Tinh dầu tạo hương 100% chiết xuất từ cỏ cây trồng trong tự nhiên như bời lời, quế, hồi, thảo quả, hương bài… 

Bà Nguyễn Bảo Thoa, Trưởng dự án cho biết: Nhờ chất lượng và đặc tính tốt của các sản phẩm nến, hương và tinh dầu tự nhiên, cùng với quá trình marketing rộng rãi nên các sản phẩm đã có mặt tại thị trường trong và ngoài nước. Với lợi nhuận thu được từ bán sản phẩm, VIRI tái đầu tư thiết bị, mua nguyên liệu, mở rộng nghiên cứu sâu về các dòng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hướng tới nhiều đơn hàng có giá trị lớn trong tương lai. Dự kiến kết thúc năm 2013, doanh thu ước đạt 530 triệu đồng. Trong 5 năm tới, doanh thu ước đạt 2,5 tỷ đồng cho 3 dòng sản phẩm nến, hương và tinh dầu. 

Công nghệ sản xuất các sản phẩm nói trên đã được VIRI chuyển giao cho người dân. Tại huyện Sa Pa, VIRI đã thành lập các nhóm trồng cây nguyên liệu, nhóm sản xuất nến, hương và tinh dầu cho bà con dân tộc Dao, Hmong và Dáy sinh sống trên địa bàn 3 xã Hầu Thào, Tả Phìn, San Sả Hồ… Tại xã Hầu Thào, nhóm trồng cây nguyên liệu đã được hình thành với 106 thành viên. Hiện diện tích thảo quả toàn huyện Sa Pa là 3.800ha, năng suất trung bình khoảng 210kg/ha. VIRI hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng quy chế thu hoạch thảo quả bền vững (khi được chiết xuất tinh dầu, thảo quả có giá gấp 3-4 lần so với xuất thô). VIRI hướng tới việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, thu mua 1/4 sản lượng thảo quả trên toàn địa bàn huyện Sa Pa phục vụ chưng cất tinh dầu.

Ngoài công việc nương rẫy, giờ nhiều người dân Sa Pa còn biết làm nến, hương và tinh dầu. Họ chia làm các nhóm: Nhóm làm nến có khả năng sản xuất 5 tấn nến/tháng; nhóm sản xuất tinh dầu đã chưng cất được các loại tinh dầu ngồng lải, chùa rù, thảo quả, tờ cẳng đồng, màng tang, quế... Mỗi tháng nhóm sản xuất hương thảo mộc Tả Van có thể sản xuất được 3.500 - 4.000 hộp hương tháp và 1.000 bó hương que. So với thời điểm bắt đầu triển khai dự án, thu nhập của các thành viên tăng 50%. 

Mô hình các nhóm sản xuất nến, hương đầu tiên hình thành tại huyện miền núi Sa Pa với sản phẩm hoàn toàn mới, qua thời gian đi vào sản xuất, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, xứng đáng là một mô hình điểm để các địa phương khác nhân rộng trong thời gian tới.