|
|||
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ThS. Hàng Phi Quang – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam xung quanh vấn đề này. - Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của KH&CN trong sự phát triển của doanh nghiệp mà ông đang phụ trách? Trong quá trình áp dụng KH&CN trong hoạt động nghiên cứu và kinh doanh của mình, SSC đã gặp phải những khó khăn gì, thưa ông? -ThS Hàng Phi Quang: Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam (SSC) thành lập từ 1976 tập trung vào hoạt động sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa. Tuy nhiên đến thập niên 1990 chúng tôi có điều kiện hợp tác với một số công ty Giống cây trồng của Đài Loan & Thái Lan lúc đó họ đã sử dụng một số công nghệ sử dụng vải plastic để hạn chế cỏ trong sản xuất hạt giống dưa hấu, điều này đã khiến chúng tôi cần phải quan tâm đến hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt. Từ khi thành lập Phòng R&D (hiện nay là Trung Tâm nghiên cứu SRC) từ 1995 đến nay tỷ lệ giống kinh doanh từ nghiên cứu của chúng tôi đã chiếm trên 70% doanh thu và lợi nhuận hàng năm. Như vậy có thể nói hoạt động KH&CN ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển SSC trong 10 năm gần đây, đã góp phần duy trì tốc độ tăng Doanh thu bình quân trên 25%/năm. Trên thực tế để SSC tiếp cận KH&CN có thể thông qua hợp tác, học tập hoặc mua thiết bị, công nghệ từ các công ty nước ngoài; nhưng cái khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp, có chi phí đầu tư hợp lý và đào tạo nhân lực sử dụng. Trong các năm qua SSC đã gửi cán bộ học tập và tham quan tiếp cận công nghệ của các công ty giống có bề dày nghiên cứu, đồng thời trích lợi nhuận thành lập quỹ phát triển để mua thiết bị và công nghệ mới. -Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc khuyến khích các doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận trước thuế cho Quỹ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào? -ThS Hàng Phi Quang: Để đổi mới và ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều vốn trong điều kiện phải có lãi cho nhà đầu tư và chi phí hoạt động; nếu chủ trương Chính phủ cho doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế thì đây là một chủ trương phù hợp vì trong ngắn hạn Nhà nước thất thu một khoản tiền nhỏ nhưng bù lại sẽ tăng thu ngân sách ở các năm sau khi doanh nghiệp sử dụng khoản tiền ưu đãi để đầu tư vào công nghệ đem lại mức tăng trưởng về quy mô và hiệu quả lớn hơn nhiều lần so với trước đây. -Theo ông, làm sao để huy động doanh nghiệp đóng góp cho khoa học một cách hiệu quả nhất? Ông có đề xuất gì từ phía Nhà nước để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư, đổi mới KH&CN trong doanh nghiệp? -ThS Hàng Phi Quang: Trong môi trường kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như hiện nay, để gia tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững buộc doanh nghiệp phải quan tâm và đầu tư vào KH&CN. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những chính sách quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng kể cả tạo lập Quỹ phát triển KH&CN (có cả vốn của doanh nghiệp và vốn hỗ trợ nghiên cứu của Nhà nước theo các chương trình quốc gia,…) và đào tạo nhân lực chuyên môn cao. Doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng không thể thiếu, cùng với Nhà nước, các Tổ chức nghiên cứu cấp quốc gia là các trung tâm thu hút nguồn lực xã hội cùng đầu tư cho KH&CN. Để làm tốt việc thúc đẩy đầu tư, đổi mới KH&CN cần có những chính sách từ phía Nhà nước đặc biệt là các ưu đãi về thuế, phí,... cụ thể đối với các doanh nghiệp KH&CN trong một số lĩnh vực quan trọng, cần thiết của nền kinh tế để phân bổ, sử dụng nguồn lực của Nhà nước một cách hợp lý và có định hướng hơn là đầu tư tràn lan. Doanh nghiệp cần phải có cam kết sử dụng các ưu đãi của Nhà nước để đầu tư KH&CN mới góp phần tăng quy mô và chất lượng hoạt động sản xuất của ngành, tạo ra hiệu quả cao nhất. Xin chân thành cảm ơn ông! Ánh Tuyết – Phương Hoàn (thực hiện) |