Bản in
Cần nghiên cứu tiếp thóc Thành Dền
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, người chủ trì cuộc khai quật thành Dền đã đề nghị như trên... sau khi kết quả giám định "tuổi" của thóc Thành Dền khẳng định đây không phải là lúa cổ.

Ngày 30.9, tại hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 45, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, người chủ trì cuộc khai quật thành Dền cho biết kết quả gửi sang Nhật Bản phân tích AMS của vỏ hạt nảy mầm cây số 9 cho thấy hàm lượng pMC (hàm lượng nguyên tố carbon hiện đại) trong mẫu vật  vượt quá 40. Mức 40 đơn vị được coi là mức chuẩn. Nếu hàm lượng này trong mẫu dưới 40 đơn vị, các nhà khoa học mới tiếp tục phân tích để tìm niên đại, vượt quá 40 là mẫu hiện đại.


“Ở đây, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp AMS do Nhật thực hiện cho kết quả vượt quá 40, do vậy không được xác định niên đại và theo hàm lượng này, mẫu thuộc thời hiện đại”, TS Lâm Thị Mỹ Dung nói.

Trước đó, khi đem 10 hạt thóc nảy mầm thu được từ cuộc khai quật Thành Dền trồng so sánh, đối chứng với lúa Khang Dân 18 tại Viện Di truyền Nông nghiệp, các nhà nông học trong nước cũng cho rằng về hình thái và thời gian sinh trưởng cũng như một số chỉ số về sinh học khác, 9 cây lúa Thành Dền (1 cây bị chết trong quá trình trồng) về cơ bản giống lúa hiện đại. Đặc biệt, kết quả phân tích bằng phương pháp ADN cho thấy lúa Thành Dền hoàn toàn giống lúa Khang dân 18.

Cây lúa đối chứng tại Viện Di truyền nông nghiệp (Như Ý)


Tuy nhiên, TS Lâm Thị Mỹ Dung khẳng định: phương pháp lấy mẫu hoàn toàn tuân thủ đúng quy trình lấy mẫu khảo cổ học, do đích thân người chủ trì khai quật thực hiện. Tổng số 3 đợt thu thập mẫu ở Thành Dền, các nhà khoa học thu được gần 800 hạt thóc, trong đó có 18 hạt nảy mầm.

“Kết quả niên đại AMS là khoa học và khách quan, nhưng chưa thể lý giải về khảo cổ do cả 2 hạt gửi sang Nhật xét nghiệm đều được lấy từ đất không bị xáo trộn địa tầng và không dùng nước ruộng hay nước mương. Việc xử lý do chính chủ trì khai quật thực hiện trong một thời gian ngắn. Do vậy, vấn đề ở đây là lẫn mẫu hay mẫu không thích hợp để phân tích AMS”, TS Lâm Thị Mỹ Dung nói.

 “Để có thể nghiên cứu đến nơi đến chốn và đưa ra được những kết quả khoa học xác đáng về hiện tượng thóc nảy mầm có lẽ hợp lý và khả thi nhất là tiến hành một đợt nghiên cứu mới”, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung nói.

DV