|
|||
Đây là hội nghị đầu tiên trong các khối ngành tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm năm qua. Đến dự hội nghị có đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, các trường đại học thuộc khối Nông-Lâm-Ngư-Y, các nhà khoa học và các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước. Những thành tựu đáng kể PGS.TS Nguyễn Tất Cảnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2006-2010, Nhà nước đầu tư cho 50 trung tâm, viện nghiên cứu trong các trường đại học với tổng số vốn 51 tỷ đồng, đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, thông qua các chương trình dự án. Theo báo cáo của các trường trong khối Nông-Lâm-Ngư-Y, giai đoạn 2006-2010 đã có tổng số 6611 đề tài, dự án đã được thực hiện, trong đó có 51 đề tầi cấp Nhà nước, 950 đề tài cấp Bộ.... với tổng kinh phí là hơn 1.000 tỷ đồng. Về tỷ lệ số đề tài và kinh phí, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 76% số lượng đề tài và 80% kinh phí, lĩnh vực ngư nghiệp chiếm 10% số lượng đề tài và 15% kinh phí, lĩnh vực lâm nghiệp chiếm 3% số lượng đề tài và 3% kinh phí, lĩnh vực y dược chỉ chiếm 3% số lượng đề tài và 2% kinh phí. Đại học Nông nghiệp Hà Nội là trường có số lượng đề tài hoạt động khoa học và công nghệ nhiều nhất, với 1.282 đề tài với kinh phí là 173 tỷ đồng. Tiếp đến là Đại học Nông lâm Huế, Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Thuỷ Lợi, Cần Thơ và Lâm nghiệp là những trường có số lượng đề tài và nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ lớn. Tại hội nghị, PGS.TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo phát biểu, những kết quả bước đầu tạo điều kiện cho các trường phát triển hoạt động khoa học và công nghệ. Các trường thuộc khối Nông-Lâm-Ngư-Y cung cấp hàng ngàn kỹ sư, hàng trăm tiến sĩ cho cả nước. Khối các trường Nông-Lâm-Ngư-Y giữ vai trò quan trọng và đã có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước. Kết quả nghiên cứu khoa học của các trường được đưa vào ứng dụng và chuyển giao trong sản xuất giai đoạn 2006-2010 không ngừng tăng. Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 30% đóng góp của khối khoa công nghệ trong phát triển của ngành, trong đó 20% là đóng góp của các trường đại học, cao đẳng. Chuyển giao và liên kết liên ngành PGS.TS Nguyễn Tất Cảnh cho biết, hạn chế của nghiên cứu khoa học công nghệ là một bộ phận các nhà khoa học còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ, làm hạn chế sáng tạo, tính năng động, chủ động trong đội ngũ các nhà khoa học. Số lượng chuyên gia đầu ngành hạn chế và không cân đối giữa các lĩnh vực. Quỹ thời gian dành cho nghiên cứu còn hạn chế và không cân đối giảng dạy quá nhiều. PGS.TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo (ảnh) đánh giá, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thật sự thu hút các giảng viên. Trong thời gian qua, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa hỗ trợ cho đào tạo nhân lực, và đào tạo nguồn nhân lực chưa tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển. Các đóng góp của các trường đại học chưa tương xứng với tiềm năng. Các chính sách chưa phát huy sự sáng tạo của các nhà khoa học. Các trường cần chủ động phối hợp với các địa phương và cơ sở sản xuất để nắm bắt nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Công tác nghiên cứu khoa học phải gắn với các Bộ, ngành. Các trường phải có chiến lược liên Bộ, ngành, mới huy động được trí tuệ, tài năng của các nhà khoa học. Hội nghị tổng kết thống nhất định hướng phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2011-2015 của các trường khối Nông-Lâm-Ngư-Y. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, liên kết với các đơn vị sản xuất kinh doanh trong các hoạt động khoa học và công nghệ. Cụ thể, đối với lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, cần tập trung ứng dụng công nghệ sinh học (chủ yếu là công nghệ gen và vi sinh vật) trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, xử lý môi trường và bảo quản nông sản có năng suất, chất lượng cao phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp. Nghiên cứu dịch tễ học các bệnh về gia súc, gia cầm có khả năng phát triển thành dịch và lây nhiễm sang người, sâu bệnh hại cây trồng, chế tạo các loại vác-xin, thuốc thú ý và các chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán, điều trị và khống chế dịch. Ứng dụng công nghệ, thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông lâm thuỷ sản. (Theo báo Nhân Dân) |