Trước giờ khắc quan trọng khi tên lửa đẩy VEGA dời bệ phóng, PV báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn nhanh với TS. Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm KHCNVN – đơn vị chủ trì dự án.
* Xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện khoa học công nghệ này?
- Đây là một sự kiện khoa học công nghệ quan trọng, có ý nghĩa lớn cho phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, giám sát tài nguyên thiên nhiên môi trường và giảm nhẹ, phòng chống thiên tai, cũng như khẳng định chủ quyền của VN trong khoảng không vũ trụ.
Năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Một trong những mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ tiến đến làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Dự án VNREDSat-1 có thể hiểu là bước đi đầu tiên trong chặng đường thực hiện mục tiêu nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020.
* Vì sao chúng ta lại lựa chọn đối tác Pháp? Pháp có phải là quốc gia mạnh về công nghệ vũ trụ?
- Dự án VNREDSAT-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro, từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp và 64.820 triệu đồng vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện từ 2010 – 2014.
Nhà thầu thực hiện là Cty EADS Astrium, Pháp. Bắt đầu từ năm 2007, Cty EADS Astrium đã sang Việt Nam từ 2007 để tiếp cận và giới thiệu những công nghệ vũ trụ của Cty và về phía Việt Nam dự án này cũng bắt đầu từ năm 1.2009, khi Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao cho Viện KHVN chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án công nghệ vũ trụ Vinasat.
|
TS. Bùi Trọng Tuyên (trái) và Giám đốc Dự án quốc tế Gregory Pedersen của Cty EADS Astrium trước giờ chuẩn bị cho lễ phóng tên lửa mang vệ tinh viễn thám.
|
Từ cuối năm 2008 và đầu 2009, câu hỏi vì sâo lựa chọn đối tác Pháp cũng đã từng được đặt ra. Và Viện KHVN trong báo cáo dự án khả thi cũng đã trình bày rất rõ ưu thế khi lựa chọn đối tác Pháp trong việc phát triển vệ tinh viễn thám quang học này.
Pháp là nước có truyền thống qua nhiều thế hệ các vệ tinh SPOT 1,2,3,4,5 và vệ tinh viễn thám quang học và cũng chiếm một thị phần lớn trong lĩnh vực cung cấp ảnh vệ tinh viễn thám quang học trên toàn thế giới. Về phía Việt Nam cũng có tiền đề là trạm thu và xử lý ảnh viễn thám đầu tiên của Việt Nam cũng được triển khai bằng dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Pháp, sử dụng công nghệ vệ tinh của Pháp, thu ảnh spot để sử dụng ở Việt Nam. Vì vậy, việc lựa chọn đối tác Pháp cũng là một điểm thuận lợi trong việc triển khai tiếp nối các dự án Vệ tinh viễn thám quang học.
Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng là một trong số ít các nước chấp nhận triển khai các vốn vay ODA để cho Việt Nam triển khai một sự án như thế. Kết hợp cả yếu tố kỹ thuật lẫn yếu tố tài chính là cơ sở để chúng ta lựa chọn hợp tác với đối tác Pháp.
Với nguồn vốn 55,8 triệu euro được vay ưu đãi đã được quy định cụ thể trong Nghị định thư về việc sử dụng 100% công nghệ và dịch vụ của Pháp. Việt Nam chỉ xây dựng các cơ sở hạ tầng, nhà xưởng từ vốn đối ứng của mình. Dự án có đấu thầu, nhưng là giữa các công ty về công nghệ vũ trụ của Pháp, chứ không mở rộng ra với các nước khác trên thế giới.
* Khó khăn và thuận lợi của đội ngũ Việt Nam khi thực hiện dự án là gì?
- Đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai một dự án về vệ tinh viễn thám, bước tiếp theo của các dự án Vinasat-1 &2 trong việc khẳng định vị thế và chủ quyền của Việt Nam trong khoảng không vũ trụ. Dự án này thừa kế được những kinh nghiệm cũng như là những bước chuẩn bị từ trước đó, đó là điểm thuận lợi.
Còn khó khăn, đây là lĩnh vực khoa học tương đối mới mẻ đối với Việt Nam. Thứ nhất, chúng ta chưa có nhiều đội ngũ chuyên gia giỏi, được đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Thứ hai, các cơ sở vật chất kỹ thuật Việt Nam trước đó cũng đã được chú trọng phát triển ở một số ngành, một số đơn vị, tuy nhiên thiếu tính đồng bộ trong cả nước. Thứ 3, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, ví dụ như việc sử dụng ảnh viễn thám mới ứng dụng rải rác ở một số nơi, mà chưa có sự phối hợp liên ngành, liên bộ, các viện nghiên cứu với nhau để sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Tuy là một lĩnh vực mới, nhưng khẳng định là người Việt Nam có thể tiếp thu được công nghệ. Song khó khăn hơn là làm sao xây dựng được một đội ngũ nhân sự có tính chuyên môn và chuyên nghiệp. Trong các dự án như thế này phải xây dựng được những nhóm chuyên gia làm việc theo chủ đề như thế. Đồng bộ về đào tạo, trang bị kiến thức cơ bản, đồng bộ trong tổ chức thành một tập thể mạnh mới có thể làm việc trong lĩnh vực công nghiệp trình độ cao.
* Xin cảm ơn ông.
* Một số hình ảnh vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 và đội ngũ chuyên gia Việt - Pháp trong quá trình triển khai dự án:
|
|
|