Bản in
Phát triển khoa học - công nghệ Những nút thắt cần tháo gỡ
Lần đầu tiên có một hội nghị KH-CN dành cho các Giám đốc Sở KH-CN. Sự tề tựu của các “thủ lĩnh” KHCN địa phương cho thấy hoạt động KH-CN đang có những chuyển động mới. Tuy nhiên, để KHCN thực sự đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đòi hỏi phải có sự liên kết, đồng hành của doanh nghiệp, nhà quản lý, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương.

Cơ hội để phát triển

Hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị các Giám đốc Sở KH-CN do Bộ KH-CN lần đầu tiên tổ chức, mới đây, đều khẳng định, chưa bao giờ KHCN nước nhà lại có cơ hội thuận lợi để phát triển như bây giờ.

Với việc ban hành các văn bản như: Chiến lược Phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và sắp tới là Đề án Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH - CN, Luật KH - CN (sửa đổi) được được ban hành… là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy KHCN phát triển. Đặc biệt, Chiến lược Phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định rõ mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KHCN.

Chiến lược nhấn mạnh mục tiêu phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa KH - CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó đặt ra những định hướng có ý nghĩa đột phá để phát triển KHCN, đó là: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN; tăng cường tiềm lực KHCN quốc gia, bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở KHCN (các trung tâm nghiên cứu, trang thiết bị nghiên cứu, ứng dụng) và đào tạo nguồn nhân lực KH-CN; phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng công nghệ ưu tiên; nghiên cứu ứng dụng KHCN trong các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương; phát triển dịch vụ KHCN. Đồng thời, Chiến lược đề cập đến nhiệm vụ đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân lực, đặc biệt là nhân tài KHCN và đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, tinh thần tận tụy phục vụ sự nghiệp chấn hưng nền khoa học nước nhà của các nhà khoa học.

Vẫn còn những “nút thắt”

Dù rất phấn chấn với “làn gió mới”, nhưng vẫn còn những “nút thắt” cần tháo gỡ. Cụ thể và đáng quan tâm nhất là sự bất cập về cơ chế quản lý tài chính KHCN. Trong suốt thời gian qua, mặc dù ngành KH-CN được tiếng thơm hưởng 2% tổng chi ngân sách quốc gia, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác quản lý KHCN, là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động KHCN. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 30% kinh phí rơi vào những hoạt động do Bộ KH-CN đề xuất, còn lại khoảng 70% Ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động KH-CN là do chủ kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết: để có được 2% tổng chi ngân sách quốc gia, giới quản lý KHCN đã phải “đấu tranh” rất vất vả, nhưng trên thực tế, tiền dành cho nghiên cứu mà Bộ KH-CN quản lý chỉ khoảng 10% của 2%. Một thực tế đáng buồn nữa là, mặc dù là cơ quan hiểu rõ nhất về nhu cầu, khả năng nghiên cứu KHCN của các địa phương, đơn vị nhưng những đề xuất của Bộ KH-CN về phân bổ kinh phí KHCN cũng không được xuất hiện trong các văn bản quyết định cuối cùng - Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ. 

Trong khi quyền phân bổ của Bộ KH-CN chưa được “chính danh” thì những đề xuất về nguồn ngân sách chi cho KHCN địa phương cũng không được đảm bảo, thậm chí có sự chênh lệch rất lớn. Vụ trưởng Vụ KH-CN Địa phương, Bộ KH-CN Hồ Ngọc Luật cho biết, nguồn kinh phí KHCN từ NSNN chi cho sự nghiệp khoa học và nghiên cứu phát triển (R-D) đang giảm trong khi chi cho các mục đích dự phòng và quốc phòng an ninh đang ngày càng tăng. Điều đáng nói, nhiều tỉnh được phân bổ kinh phí KHCN rất cao gấp khoảng 9 lần so với nhu cầu thực tế, nhưng cũng có nhiều tỉnh lại chỉ được đáp ứng dưới khoảng 20% nhu cầu. Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, năm 2012, Sở KH-CN Ninh Thuận đề xuất mức chi cho hoạt động KHCN là 84 tỷ đồng, nhưng thực tế địa phương chỉ được phân bổ 6 tỷ đồng, và trong số tiền được giải ngân này, có tới 4 tỷ đồng bị các ban, ngành khác “mượn tạm” để chi vào mục đích khác ngoài KHCN. Như vậy, số tiền NSNN thực chi cho KH-CN ở địa phương còn 2 tỷ đồng, chỉ đủ để trả những khoản nợ từ các dự án KHCN của năm cũ.

Liên quan đến công tác quản lý tổ chức và nhiệm vụ KH-CN ở địa phương, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những ranh giới khiến KHCN còn chưa thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống chính là tư duy, nhận thức của một bộ phận không nhỏ các nhà quản lý về vai trò của KH-CN đối với phát triển kinh tế. Chỉ khi nhận thức của lãnh đạo tỉnh thực sự vào cuộc thì tầm quan trọng của KH-CN địa phương mới được đảm bảo. Giám đốc Sở KH-CN Quảng Ninh Tạ Duy Thịnh cho biết, ở một tỉnh mà lãnh đạo không quan tâm thì KHCN không có đất để phát triển. Điều may mắn là nhờ xác định được tầm quan trọng của KHCN, mà hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã dành khoảng trên 300 tỷ hàng năm cho KHCN. Đồng tình với ý kiến người cùng cấp, Giám đốc Sở KH-CN Lạng Sơn Lương Văn Ninh cho biết nguyên nhân chính vẫn là nhận thức của các nhà quản lý. Giao quyền đồng thời phải giao lợi ích, trách nhiệm đi cùng. Nếu như giao quyền mà không giao cho họ “tài sản” kể cả vô hình và hữu hình thì họ “ra trận” bằng gì khi mà tài chính giữ vai trò đầu tiên và quyết định.

Một điểm bất cập nữa cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận đó là cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động KHCN, đặc biệt việc trích 10% cho quỹ phát triển KHCN. Đại diện Sở KH-CN tỉnh Thái Bình cho biết, cách quy định như hiện nay khiến các doanh nghiệp rất ngại ngần khi phải trích quỹ. Bởi vì họ phải giành ra 75% kinh phí của họ và 25% kinh phí Nhà nước hỗ trợ thông qua việc ưu đãi thuế, nhưng bị kiểm soát 100% như là NSNN, nên rất nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập quỹ.

Chia sẻ về những khó khăn của các địa phương, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết cơ chế quản lý hoạt động KH-CN đang là “nút thắt” khó gỡ nhất. Mặc dù cơ chế này đã trải qua nhiều giai đoạn nhưng đến nay vẫn chưa có được sự đổi mới cơ bản, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý kinh tế, vẫn còn nặng về hành chính và chưa phù hợp với những đặc thù của hoạt động sáng tạo KHCN. Bộ trưởng đã yêu cầu các đơn vị của Bộ KH-CN sớm nghiên cứu đề xuất từ các Sở KH-CN và các đơn vị quản lý liên quan để sớm đưa ra câu trả lời; nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn các địa phương tự đánh giá năng lực phát triển KHCN về tổng thể trên địa bàn cũng như từng doanh nghiệp cụ thể, thẩm định giá trị các công nghệ nhằm từng bước hình thành thị trường công nghệ của từng vùng; tìm hiểu nhu cầu cụ thể của từng địa phương gắn với thực hiện các chương trình KHCN của quốc gia.