|
|||
Đó là những kết quả nổi bật của ngành KH&CN trong năm qua mặc dù bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước và hoạt động KH&CN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều thành tựu về nghiên cứu chính sách và nghiên cứu ứng dụng Năm 2012, hệ thống chính sách, pháp luật về KH&CN được tiếp tục hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, xem đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của KH&CN. Nhiều văn bản mang tính bản lề quan trọng được tập trung xây dựng, hoàn thiện, tạo tiền đề pháp lý, kỹ thuật hết sức quan trọng và đồng bộ để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển dài hạn của KH&CN giai đoạn tiếp theo. Các văn bản lớn, có tác động mạnh đến sự phát triển KH&CN đã ban hành như Đề án Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020,… Dự án Luật KH&CN (sửa đổi) được Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo đã thể chế hóa khá đầy đủ, toàn diện các đường lối đổi mới của Đảng về phát triển KH&CN và sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2013. Cùng với đó là các chương trình, đề án quốc gia về KH&CN, trong đó có các chương trình lớn, dài hạn, đa mục tiêu như đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, bên cạnh các thành tựu về nghiên cứu chính sách, các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tiếp tục cung cấp luận cứ cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, đóng góp quan trọng về lý luận, thực tiễn phục vụ soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020,… Với khoa học cơ bản, đã có 1.761 công trình nghiên cứu có công bố và trích dẫn quốc tế, tăng 13% so với năm 2011, trong đó khoảng 25% là kết quả của các nhiệm vụ do Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia tài trợ. Cùng với đó, số lượng đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích) tăng lên 4.257, tăng 7%, văn bằng bảo hộ độc quyền được cấp là 1.112, tăng 6% so với năm 2011. Đối với các giống cây trồng mới, có 104 giống mới được đăng ký bảo hộ và 38 văn bằng bảo hộ độc quyền được cấp. Trong nông nghiệp, công nghệ sinh học ngày càng phát huy hiệu quả và có nhiều ứng dụng mới, đặc biệt, đã ứng dụng thành công việc sử dụng chỉ thị phân tử (marker) trong công tác chọn tạo giống cây trồng. Công nghệ gen tạo các giống ngô, giống bông kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ đang từng bước được các nhà khoa học Việt Nam làm chủ. Các công nghệ tế bào, vi sinh, enzyme-protein đã ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả trong nông nghiệp. Đáng chú ý, lần đầu tiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sản xuất thành công văc-xin phòng bệnh Vibriosis cho cá giò, văc-xin cúm A-H5N1 cho gia cầm, góp phần tiết kiệm hàng chục triệu đô la nhập khẩu hàng năm. Hứa hẹn nhiều đột phá Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, bước sang năm 2013, Bộ sẽ tập trung quán triệt và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN, tạo chuyển biến về chất trong đóng góp của KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Công nghệ khí canh trồng cà chua cho năng suất cao. Ảnh: Nguyễn Hạnh Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khởi động các cơ chế, chính sách cần ưu tiên đổi mới và tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động KH&CN. Hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Luật KH&CN sửa đổi, phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tổng kết, đánh giá công tác chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và triển khai Chương trình Phát triển doanh nghiệp KH&CN và hỗ trợ các tổ chức KH&CN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm… Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu và phát huy, tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia. Cụ thể, chú trọng ứng dụng KH&CN để khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hình thành các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng. Khởi động xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015 Quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN phù hợp với các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN trong từng giai đoạn. Tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST). Nguyễn Hạnh
|