|
|||
Chế tạo thành công loại vải lọc dầu hiệu quả cao Công ty SQS thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) chế tạo thành công loại vải lọc dầu mang tên SQS-1 được sản xuất hoàn toàn bằng sợi tái chế của ngành công nghiệp dệt, có khả năng lọc dầu, váng dầu, các chất thải nhiễm dầu trong nước và có khả năng chịu được dòng chảy với lưu tốc tối đa 250 m3 /giờ trên 1 m2. Màng trị bỏng sinh học Vừa qua, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã đăng ký với Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất và thử nghiệm lâm sàng màng sinh học từ cellulose vi khuẩn trị tổn thương mất da”. Đề tài đã xây dựng thành công quy trình sản xuất màng trị bỏng acetul từ cellulose của vi khuẩn acetobacter xylinun, hoạt chất tái sinh mô từ dầu mù u và tinh dầu tràm trà úc, quy mô 1.500 màng/lô. Quy trình này sử dụng các hóa chất thông thường, thiết bị và phương pháp đơn giản cho phép thu được màng tinh chế đạt tiêu chuẩn về độ tinh khiết, không gây kích ứng da. (Theo Tạp chí Hoạt động khoa học 27/2). Ninh Thuận: Đảm bảo an toàn cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Từ ngày 26.2 đến 1.3, Ban quản lý Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận phối hợp với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức hội thảo “Hệ thống đảm bảo và kiểm soát chất lượng trong xây dựng nhà máy ĐHN”. Theo ông Jeannot Boogard - Trưởng nhóm chuyên gia của IAEA - cần phải xây dựng cho được một nền văn hóa an toàn trong các cơ sở hạt nhân, phải đưa vấn đề an toàn lên cao nhất trong việc quản lý một nhà máy ĐHN. Vì thế, cần phải đào tạo có bài bản những cán bộ, công nhân sẽ vận hành các nhà máy ĐHN của Việt Nam ngay từ bây giờ; phải đảm bảo an toàn ngay từ khâu thiết kế, xây dựng cho đến vận hành. Cuộc hội thảo lần này mục đích để đối chiếu hệ thống pháp lý của VN đảm bảo rằng nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối. (Theo Lao động 28/2). Nghệ An nghiên cứu thành công giống lúa thảo dược Ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hòa, Nghệ An vừa nghiên cứu thành công giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1. Đây là giống lúa quý hiếm ở Việt Nam cho sản phẩm gạo có đặc tính thảo dược. Gạo trồng từ giống lúa này giàu vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), Lipit, chất xơ, chất Omega chống ung thư, chống loãng xương; khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân. (Theo vietnamplus 28/2). Thiết bị chống ngủ gật cho lái xe "made in Vietnam" Nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Điện tử Viễn Thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội gồm Nguyễn Quang Trường, Hoàng Mạnh Cường, Vũ Mạnh Cường và Trần Anh Đức đã chế tạo thiết bị chống ngủ gật cho lái xe với chi phí thấp phù hợp điều kiện nước ta. Nguyễn Quang Trường, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, khi lắp đặt trên xe, thiết bị sẽ phát hiện điều kiện gây ngủ gật dựa vào các các yếu tố như thời điểm, quãng đường và thời gian lái xe liên tục. Sau đó, thiết bị sẽ xác định trạng thái, mức độ tỉnh táo của lái xe thông qua việc đo thời gian trả lời các câu hỏi trắc nghiệm do thiết bị đưa ra. Thời gian cần thiết để trả lời câu hỏi sẽ tỷ lệ nghịch với mức độ tỉnh táo của lái xe. Cuối cùng, thiết bị sẽ tạo ra tín hiệu cảnh báo chống ngủ gật, với các tín hiệu là ánh sáng chớp, âm thanh, dòng điện xung. (Theo kienthuc.net.vn 1/3). Nhóm sinh viên với đề tài "thiết bị chống ngủ gật cho lái xe ô tô" đến từ trường đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2015: Sản xuất, cung ứng 10 sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao trình độ quốc tế Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao (CNC) thuộc Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến 2015, một số công nghệ thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển để bảo đảm sản xuất, cung ứng được khoảng 10 sản phẩm, dịch vụ CNC đạt trình độ quốc tế. Bên cạnh đó, khoảng 15 cơ sở ươm tạo, hỗ trợ sản xuất sản phẩm CNC; 5 cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; 20 nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ tiên tiến trong khu vực sẽ được xây dựng và phát triển. Bốn lĩnh vực công nghệ được ưu tiên gồm công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ tự động hóa và công nghệ vật liệu mới. (Theo Hà nội mới 1/3). Hà Trang (Tổng hợp) |