|
|||
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân tiếp tục khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế Việt Nam. Thưa Bộ trưởng, KHCN được xác định là quốc sách hàng đầu, và trong giai đoạn hiện nay không thể tồn tại các cơ chế cũ về KHCN, vậy chính sách nào cho giai đoạn mới? Về chính sách KHCN trong giai đoạn mới, chúng ta phải thể hiện nó trong Luật KHCN sửa đổi lần này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội mà Đại hội lần thứ 11 của Đảng đã đặt ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đồng thời chúng tôi cũng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng xây dựng Đề án đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ về tổ chức cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN, và trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành. Trong Đề án này có đầy đủ nội dung về cơ chế chính sách, và những giải pháp về tổ chức thực hiện những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đổi mới cơ chế hoạt động KHCN, nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, để giúp cho nền KHCN Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của quốc gia và hội nhập được với nền kinh tế quốc tế. Được biết trong dự thảo Luật KHCN sửa đổi lần này, cũng như trong Đề án đổi mới quy định rất rõ trách nhiệm của DN đối với việc đầu tư cho KHCN. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của DN đối với đóng góp cho sự nghiệp khoa học? Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của DN đối với KHCN bởi vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy nguồn đầu tư cho KHCN lớn nhất chính là từ DN và hiệu quả nhất chính là từ DN. Song, phải nói rằng, khi DN đầu tư cho KHCN thì các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó sẽ quay trở lại hỗ trợ cho chính DN tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh và thỏa mãn được tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường quốc tế. Chính vì thế chúng tôi rất kỳ vọng vào đội ngũ DN Việt Nam, đặc biệt là DN KHCN được hình thành từ việc sản xuất kinh doanh sản phẩm là kết quả của những nhiệm vụ nghiên cứu, có thể là của Việt Nam, có thể là chúng ta tiếp thu, chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để áp dụng cho các sản phẩm của DN Việt Nam. Chúng ta đặt ra mục tiêu tới 2020 đầu tư cho KHCN phải đạt 2% GDP quốc gia, trong đó ¾ là đầu tư từ hệ thống DN, và ¼ là từ ngân sách nhà nước, và chỉ có như thế chúng ta mới có đủ nguồn tài chính cho KHCN có thể phát triển và phục vụ cho chính các DN của chúng ta. Chúng ta đã có 30 năm phát triển kinh tế bằng nhân công giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, vậy chúng ta thay đổi cơ chế này như thế nào bằng phát triển con đường khoa học, thưa Bộ trưởng? Chắc chắn nếu như chúng ta phát triển bằng con đường KHCN và dựa vào KHCN thì tốc độ tăng trưởng của chúng ta ở mức cao hơn và được duy trì tốt hơn. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc đã chứng tỏ điều này. Chúng ta cũng sẽ tạo ra được những sản phẩm của nền kinh tế có sức cạnh tranh tốt hơn và chúng ta có thể đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, là những sản phẩm chúng ta có thế mạnh như sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm về trí tuệ như công nghệ thông tin. Chúng ta sẽ có một số lĩnh vực sẽ đạt trình độ của khu vực và của quốc tế với những mục tiêu là về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì chắc chắn KHCN phải đóng vai trò động lực và then chốt trong quá trình phát triển của Việt Nam. Vấn đề đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính cho khoa học… đều là những vấn đề các nhà khoa học đã “kêu” rất nhiều và đặt ra cũng từ khá lâu. Bộ trưởng nói sao khi đến thời điểm này chúng ta mới đề cập sửa đổi trong Luật KHCN, tại sao không làm sớm hơn? Trước đây chúng tôi cũng đã định lồng ghép trong một số luật khác, ví dụ Luật Thuế, Luật Ngân sách… Nhưng vì Bộ KHCN không phải là cơ quan chủ trì các Luật này thành ra khi tiếp thu ý kiến thì họ tiếp thu hạn chế và khi Quốc hội thảo luận và thông qua thường là những ý tưởng của chúng tôi không đạt được 100%. Vì vậy, lần này chúng tôi đưa vào Luật KHCN, tuy đưa vào đây cũng gặp phải một số luồng ý kiến khác nhau nhưng nếu cứ chờ các luật khác để đưa những chính sách đổi mới này,chúng tôi cũng chưa biết đến khi nào và liệu những ý tưởng của chúng tôi có được tiếp thu một cách đầy đủ hay không. Mặc dù đưa vào Luật KHCN, có phần nào đó khiến luật này tản mạn, rất nhiều vấn đề… Thưa Bộ trưởng, tất cả các vấn đề này ở các quy định của các luật khác đã đặt ra và điều chỉnh, vậy bây giờ khi mình đặt ra ở Luật KHCN có sợ chồng chéo với lại các văn bản pháp luật khác? Các luật khác cũng có quy định hoặc là nó không đủ tầm, hoặc là nó cũng quy định ở mức độ sơ sài, cho nên khi thực hiện rất khó khăn, thậm chí không thực hiện được, tôi nói ví dụ Luật Thuế thu nhập DN quy định DN được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế nhưng trong thực tế các DN không trích, thế nên nếu chúng ta không quy định trong luật này thì chắc chắn không bao giờ chúng ta huy động được đóng góp của DN. Về nguyên tắc luật nào ra sau nó sẽ phủ quyết luật trước cho nên những điều khoản quy định trước đây trong luật không còn phù hợp thì những điều khoản quy định mới nó sẽ phủ quyết, chúng ta sẽ không ngại điều đó./ Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng! |