|
|||
Phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hiệp – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, xin ông cho biết những thành tựu mà KHCN ngành công thương đạt được trong thời gian qua?
Trong thời gian qua, theo đánh giá chung, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã góp phần đáng kể thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới trong một số lĩnh vực, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sức cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng của ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được đưa vào áp dụng trong thực tế nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại, chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu KH&CN nổi bật của ngành đã được ứng dụng thành công trong thời gian qua như: chế tạo được một số thiết bị phục vụ các công trình có quy mô lớn như xi măng lò quay công suất từ 1-2 triệu tấn xi măng/năm, thiết bị cơ khí thuỷ công, thiết bị cho các nhà máy điện, thiết bị khai thác mỏ, thiết bị sản xuất bê tông dự lạnh, năng suất 120m3/h dùng cho xây dựng đập bê tông khối lớn; nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác và chế tạo loại dàn chống tự hành phù hợp áp dụng đối với điều kiện địa chất các vỉa có độ dốc đến 35o tại vùng Quảng Ninh; công nghệ khai thác lò chợ hạ trần thu hồi than nóc sử dụng giá khung thủy lực di động tại các mỏ hầm lò, công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác lò chợ hạ trần than nóc, công nghệ thiết kế và chế tạo hệ thống giám sát khí mêtan phục vụ an toàn lao động trong khai thác than hầm lò; Thiết kế và chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng nửa nổi nửa chìm 90m nước; Nghiên cứu tạo các giống bông mới cho năng suất cao, chất lượng xơ tốt, có khả năng chịu sâu bệnh cao, xây dựng các qui trình công nghệ xử lý ướt nhằm giảm thiểu độc hại cho ngành dệt nhuộm; Ứng dụng enzyme sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, nâng cao chất lượng thịt, trứng, sữa... Gần 30 công trình nghiên cứu KHCN của các đơn vị trong Bộ đã được trao Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam và các giải thưởng KHCN cao quý khác.
Theo phản ánh của các DN, kinh phí hạn hẹp là rào cản chính khiến hoạt động KHCN chưa đạt được hiệu quả như ý, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Trong những năm qua, phân bổ kinh phí từ nguồn sự nghiệp KHCN hàng năm của Nhà nước cho hoạt động KHCN của Bộ Công Thương đã tăng khá nhanh, từ 146 tỉ đồng năm 2008 lên gần 282 tỉ đồng năm 2012. Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu cấp nhà nước, cấp Bộ từ nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, hàng năm các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là các tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam... cũng dành một khoản kinh phí khá lớn để giao cho các hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn trong sản xuất và phục vụ phát triển của đơn vị. Ngoài ra, các viện nghiên cứu trong Bộ Công Thương cũng rất chủ động, năng động tìm kiếm các hợp đồng nghiên cứu, tư vấn, dịch vụ KH&CN với các đơn vị, DN trong và ngành, đặc biệt trong điều kiện các viện đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế của Nghị định 115/2005/NĐ-CP.
KHCN mang lại hiệu quả cao cho ngành dầu khí.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng kinh phí nhà nước dành cho hoạt động KHCN chỉ là một phần, điều quan trọng là DN phải nhìn thấy được những lợi ích mà việc thay đổi KHCN mang lại để từ đó tự đầu tư đổi mới để mang lại lợi nhuận kinh doanh cho mình. Tuy nhiên nhìn chung các DN trong ngành công thương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Để nâng cao những hiệu quả của hoạt động KHCN, trao quyền tự chủ cho DN và các viện nghiên cứu, đồng thời thành lập các DN KHCN được cho là hướng đi đúng đắn. Tại Bộ Công Thương, hoạt động này đã được triển khai ra sao, thưa ông? Nhằm nâng cao tính hiệu quả của các nhiệm vụ được giao, hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN ngành công thương đang được đổi mới phù hợp với môi trường pháp luật ngày càng hoàn thiện, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp, triển khai cơ chế đấu thầu khách quan trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN, bước đầu áp dụng cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập, hình thành DN KH&CN, tổ chức nghiên cứu - phát triển của DN. Các đơn vị KH&CN thuộc ngành công thương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi mô hình theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ. Tính đến nay, 22 viện nghiên cứu chuyên ngành trên tổng số 24 viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã chuyển đổi mô hình, tổ chức theo hướng tinh gọn, tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn nghiên cứu với ứng dụng, tư vấn chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh (2 viện nghiên cứu về chiến lược và chính sách không thuộc diện phải chuyển đổi). Để phát huy tốt những hiệu quả đã đạt được, trong thời gian tới, hoạt động KHCN ngành công thương sẽ tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn nào, thưa ông? Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, với vai trò là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động KHCN trong ngành công thương. Ngày 22/6/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3561/QĐ-BCT về việc phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu ngành công thương giai đoạn 2011-2015. Để thực hiện thành công những mục tiêu cụ thể được đề ra, trong thời gian tới, hoạt động KH&CN của ngành công thương sẽ tập trung vào các nhiệm vụ hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý và thông tin KHCN; nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành công thương. Một số lĩnh vực ưu tiên phát triển thời gian tới là: Lĩnh vực chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại; Lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa; Lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu; Lĩnh vực công nghiệp năng lượng; Lĩnh vực công nghiệp nhẹ và công nghệ sinh học; Lĩnh vực công nghiệp môi trường. Tôi mong rằng với những định hướng và mục tiêu cụ thể nêu trên cùng những nỗ lực chuyển biến tích cực của các đơn vị trong ngành, hy vọng trong thời gian tới, các hoạt động KH&CN ngành công thương sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những tồn tại và nắm bắt được cơ hội quý giá trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để đưa KHCN ngành công thương thực sự là nền tảng và động lực phát triển của ngành và của đất nước./. Xin cảm ơn ông!
|