Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 26/1-1/2
Ra mắt Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; Nghiệm thu đề tài sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ; Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức trên địa bàn TP;…là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.

Phú yên: Nghiệm thu đề tài sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ

Chiều 27/1, Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh Phú Yên cho biết, đơn vị vừa nghiệm thu đề tài cấp tỉnh tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ tại Phú

Đề tài đã chủ động thực hiện tại Trạm thực nghiệm giống thủy sản nước ngọt Hòa Định Đông (Phú Hòa) và được triển khai trong 24 tháng (từ tháng 1/2011 - 12/2012) với tổng kinh phí hơn 820 triệu đồng. Đề tài  tập trung vào quy trình sinh sản, ương nuôi cá giống và nuôi vỗ cá bố mẹ; tổ chức sản xuất thực nghiệm và cải thiện một số bước thực hiện để phù hợp với điều kiện sản xuất tại Phú Yên; xây dựng quy trình phòng trị bệnh cho cá lăng đuôi đỏ… Tổng số đã có hơn 47.000 con cá giống được sản xuất.(Theo Kinh tế nông thôn 27/1).

Ra mắt Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người

Ngày 27-1, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.

Viện có nhiệm vụ nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn đối với những vấn đề liên quan đến khả năng đặc biệt của con người, các giải pháp biện chứng nhằm phát triển tiềm năng đó. Về ứng dụng, nhiệm vụ của Viện là triển khai các kết quả nghiên cứu, nhằm đưa các khả năng đặc biệt của con người vào phục vụ đời sống - xã hội; tư vấn, bồi dưỡng, phổ biến tri thức, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện nhiệm vụ phát huy tiềm năng con người. GS.TSKH Phạm Minh Hạc được bổ nhiệm làm Viện trưởng, kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Viện. (Theo Hà nội mới 27/1).

Chứng nhận nhãn hiệu cho lúa giống Hương Điền

Sau hơn 3 năm được thành lập và đi vào sản xuất, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Hương Điền, nằm trên địa bàn ấp Rùm Sóc, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh, vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đây là tổ hợp tác sản xuất lúa giống đầu tiên trong tỉnh Trà Vinh được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Lúa Việt Nam chuẩn bị vào vụ thu hoạch - Ảnh minh họa

Theo anh Đặng Văn Đoàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Hương Điền, hiện nay tổ hợp tác đã phát triển lên hợp tác xã, nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh, đưa thương hiệu lúa giống Hương Điền vươn xa hơn. Không chỉ sản xuất lúa giống, hợp tác xã còn hướng tới sản xuất “sản phẩm gạo hữu cơ sinh học.”

Sau vụ lúa Đông Xuân, hợp tác xã sẽ chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ sinh học cho tất cả nông dân có nhu cầu nhằm tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “sản phẩm gạo hữu cơ sinh học Châu Điền,” giúp xã viên và nông dân trong huyện tăng thu nhập. ( Theo vietnamplus 29/1).

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức trên địa bàn TP

UBND TP vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức trên địa bàn TP gồm 17 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình ở từng lĩnh vực nhằm thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức trên địa bàn TP; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thành ủy, UBND TP chính sách thu hút, tập hợp trí thức hoạt động các lĩnh vực trên địa bàn TP…(Theo Khoa học phổ thông 29/1).

Hải Phòng: Nghiên cứu, phát triển sản phẩm sơn công nghiệp mới

Sở KH&CN Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị đánh giá các đề tài khoa học “Nghiên cứu quy trình sản xuất và thi công sơn sàn chịu lực cho nền nhà xưởng công nghiệp” và “Thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị và xây dựng phương pháp kiểm tra độ mài mòn của sản phẩm sơn chống hà, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ASTM” do KS Nguyễn Văn Viện - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng làm chủ nhiệm.

Đây là loại sơn đặc chủng, được thi công trên nền bê tông, có tác dụng trang trí và bảo vệ mặt sàn, chống thấm nước, tăng cường khả năng chịu lực và tác động của nhiệt độ. Sơn sàn chịu lực này có ưu điểm nổi bật hơn về khả năng chịu áp lực, va đập, mài mòn. Đây là sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng và môi trường, góp phần nâng cao lợi nhuận và thay thế dần sơn nhập ngoại. (Theo Tạp chí hoạt đông khoa học 31/1).

Dược chất chống ung thư “made in Dalat”

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã và đang cung cấp định kỳ 2 tuần một lần các dược chất phóng xạ khác nhau cho 23 khoa y học hạt nhân trong cả nước, phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho khoảng 300.000 lượt bệnh nhân mỗi năm.

Điều chế chất dẫn phóng xạ dùng cho điều trị và chẩn đoán bệnh

Các dược chất “made in Vietnam” hay "made in Dalat" này là những chất phóng xạ có thời gian bán rã ngắn và trung bình.

Ngoài nhiệm vụ mở rộng các nghiên cứu vật lý và kỹ thuật nơtron, ứng dụng đồng vị phóng xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế kỹ thuật khác, lò phản ứng mới này sẽ tạo kiện sản xuất nhiều hơn chất đồng vị, dược chất phóng xạ nhằm đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh ngày càng tăng của nước ta. (Theo vietnamnet 31/5).

Nghiên cứu nấm để bảo vệ những loài thông quý

Trước nguy cơ tuyệt chủng của một số loài thông quý ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu thuộc Phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, đã tiến hành "Nghiên cứu khu hệ nấm nội ký sinh trong các cây thông".

Đây là một phần của nhiệm vụ bảo vệ môi trường: "Bảo tồn và sử dụng bền vững một số loài thông quý hiếm có giá trị kinh tế cao đang bị đe dọa tuyệt chủng và khu hệ nấm nội ký sinh có ích trong các loài nghiên cứu", do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì. Mục tiêu của việc nghiên cứu là cung cấp cơ sở khoa học cho chính quyền địa phương và ngành lâm nghiệp về giá trị bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quý hiếm, cũng như cho ngành y học ứng dụng kết quả nghiên cứu để giảm thiểu và điều trị bệnh ung thư. (Theo Hà nội mới 1/2).

 

Hà Trang (Tổng hợp)