|
|||
Nhìn ra thế giới Trung Quốc là nước rất chú trọng đến công tác giáo dục lòng say mê khoa học thông qua công tác truyền thông. Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) Trung Quốc là cơ quan học thuật cao nhất của Trung Quốc. Viện không chỉ tập trung nghiên cứu KHCN mà còn chú trọng thông tin khoa học đến công chúng. Công tác truyền thông khoa học của Viện do một tiểu ban phụ trách; hiện cán bộ làm công tác truyền thông có hơn 2.000 người… Bên cạnh đó, vào tháng 5 hằng năm, Trung Quốc dành ra một ngày làm Ngày Khoa học với các hoạt động như: xem lại lịch sử phát triển khoa học; thảo luận những vấn đề phát triển khoa học, đạo đức khoa học... Ở Nhật Bản, từ năm 1960, vào tháng 4 hàng năm, đất nước “mặt trời mọc” thường tổ chức Tuần KHCN và đến năm 1992 có thêm các festival KHCN cho giới trẻ - Youngsters’ Festival. Đặc biệt vào năm 2006, Science Agora - sự kiện truyền thông khoa học lớn nhất ở Nhật Bản đã được tổ chức vào tháng 11, kéo dài ba ngày. Từ đó, thành thông lệ hàng năm, sự kiện này được tổ chức, với số lượt người tham dự tăng từ 1,7 triệu lượt trong năm đầu tiên lên hơn 7 triệu lượt vào năm 2011. Ngoài ra, một số hình thức truyền thông khác như: quán cafe khoa học; bảo tàng khoa học... cũng đang rất thành công tại Nhật Bản. Còn ở Vương quốc Anh, đã thành thông lệ, hàng năm vào mùa xuân, Liên hiệp Khoa học Anh tiến hành tổ chức Tuần lễ Khoa học quốc gia nhằm giúp người dân yêu thích, dấn thân vào KHCN, thúc đẩy sự tranh luận và nâng cao hiểu biết. Sự kiện này có nguồn gốc từ những năm 1985, Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Anh khai sinh phong trào “Hiểu biết công chúng về khoa học”. Trong những ngày diễn ra Tuần lễ Khoa học, người tham dự sẽ được các nhà khoa học trả lời những câu hỏi đời thường như: tại sao máy bay có thể bay? tại sao nitơ lỏng dùng để bảo quản thực phẩm? vì sao chụp PET-CT có thể nhận diện được tế bào ung thư?... Không chỉ hỏi và nghe giải thích, người tham dự còn có thể tự làm thí nghiệm... Cần có Ngày hội khoa học Việt Nam Một công trình nghiên cứu khoa học, một ý tưởng sáng tạo, một công nghệ mới sẽ không có giá trị nếu như ít người biết đến và không được áp dụng, ứng dụng trong thực tiễn. Truyền thông sẽ giúp chuyển tải các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, cập nhật thông tin KHCN mới, nâng cao kiến thức về KHCN cho người dân. Việc tổ chức Ngày hội Khoa học, Tuần lễ Khoa học mà nhiều nước đã và đang thực hiện là một cách thức truyền thông hữu hiệu, đưa khoa học đến gần hơn với công chúng; là cơ hội để chia sẻ kiến thức và tăng cường sự giao lưu giữa các nhà khoa học và dân chúng, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, làm cho việc tìm hiểu thông tin khoa học dễ dàng hơn, kích thích sự quan tâm của giới trẻ tới sự nghiệp khoa học... Rất cần có Ngày hội Khoa học Việt Nam - đó là mong muốn của những người làm khoa học và đông đảo người dân. Câu hỏi đặt ra là nên tổ chức như thế nào? Kinh nghiệm tổ chức Ngày hội Khoa học, Tuần lễ Khoa học… ở một số nước trên thế giới cung cấp cho chúng ta những ý tưởng có thể được khai thác hiệu quả và điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Đã không ít ý kiến bàn thảo về vấn đề này và cho rằng, việc tổ chức nên bắt đầu ở quy mô nhỏ, ở một số lĩnh vực cụ thể, từ đó tạo sức lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác và tạo cơ sở để tổ chức ở quy mô lớn hơn. Bước đầu có thể tổ chức ở cấp địa phương, hoặc ngành, viện nghiên cứu, trường đại học. Thực tế, chúng ta đã có những thành công trong việc tổ chức Tuần lễ khoa học ở quy mô nhỏ. Đơn cử là Hưởng ứng Tuần lễ Vũ trụ thế giới (World space week) từ 04 - 10.10.2011 do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phát động, Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư (HAAC) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Ngày hội Thiên văn vũ trụ với nhiều hoạt động giúp giới trẻ yêu thích tìm tòi khoa học. Ở quy mô lớn, ngoài công việc tổ chức chung do Bộ KH-CN đảm trách, những hoạt động cụ thể chính sẽ được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Tất cả các đối tượng tiềm năng đều nên được khuyến khích tham gia: không những các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, mà còn cả các bệnh viện, trường trung học, tiểu học...
|