Bản in
"KH&CN phải được đặt vào vị trí ưu tiên trong lĩnh vực truyền thông"
Chia sẻ với cơ quan thông tấn báo chí tại Lễ trao giải báo chí về KH&CN mới đây tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã dẫn lời Nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói khi gặp mặt lãnh đạo bộ KH&CN: “KH&CN chưa phải là quốc sách hàng đầu bởi sự đầu tư còn quá khiêm tốn, chưa có mạng lưới cơ sở và chưa được xã hội quan tâm như là Giáo dục, Y tế…”.

Vì thế  Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng tôi xác định giai đoạn sắp tới KH&CN phải được đặt vào vị trí ưu tiên trong lĩnh vực truyền thông để làm sao mọi người dân đều xác định được KH&CN không chỉ là quốc sách mà còn là cứu cánh của nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay.

Đặc biệt, thông qua các tác phẩm báo chí, những người làm truyền thông sẽ giúp công chúng hiểu hơn về tâm huyết của các nhà khoa học và nhân rộng những ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống, giúp nâng cao nhận của công chúng về vai trò của khoa học công nghệ trong thời kỳ hội nhập và phát triển".

Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN


Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, năm 2013 - năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, năm đầu tiên triển khai Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 và Nghị quyết TW6 khóa XI về “Phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Năm 2013, Dự thảo Luật KH&CN sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua và nhiều tư tưởng đổi mới về quản lý hoạt động KH&CN sẽ được triển khai.

Trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, nhiều Nghị quyết Trung ương tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và là quốc sách hàng đầu của khoa học và công nghệ. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định phát triển nhân lực chất lượng cao và KH&CN là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế đất nước. Trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh việc nỗ lực xây dựng được hệ thống các đạo luật quan trọng, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động KH&CN, chúng ta đang thúc đẩy xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Tôi tin tưởng rằng, tới đây, Nhà nước sẽ có các biện pháp mạnh hơn nữa khuyến khích phát triển KH&CN, trước hết tập trung trí tuệ, nguồn lực để tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và tổ chức KH&CN; nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất và trình độ cán bộ KH&CN của đất nước; phát huy cao nhất tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học, làm cho  KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

“Điều đó có thực hiện được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ KH&CN có quyết tâm vươn tới chiếm lĩnh các đỉnh cao của khoa học và công nghệ mà còn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan thông tấn, báo chí”, Thứ trưởng chia sẻ.

 Đẩy mạnh truyền thông về KH&CN


Nhằm vinh danh và ghi nhận những nhà báo viết về KH&CN, vừa qua, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức Giải thưởng báo chí về KH&CN, ngoài việc quy tụ phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí, tìm ra những tác giả xuất sắc, những bài báo tiêu biểu trong việc tuyên truyền hiệu quả nhất để trao giải thưởng còn tạo động lực nhằm khuyến khích các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về khoa học và công nghệ để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của khoa học và công nghệ trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Lực lượng phóng viên viết về KHCN chính là cầu nối để đưa các chủ trương chính sách lớn của đảng và nhà nước về KHCN, các thành tựu KHCN vào cuộc sống. Đồng thời chính các nhà báo viết về KHCN là kênh tiếp nhận và phản ánh những vấn đề còn bất cập trong hoạt động KHCN từ cơ sở để kiến nghị các cơ quan nhà nước kịp thời ban hành các chính sách cho phù hợp.

Chủ đề các tác phẩm phản ánh tập trung vào các lĩnh vực: Cơ chế chính sách KH&CN; Tôn vinh các nhà khoa học; Thành tựu và ứng dụng KH&CN vào cuộc sống và một số lĩnh vực KH&CN khác. Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, nhìn chung các tác phẩm đã phản ánh khá tốt về mọi mặt hoạt động KH&CN của các nhà khoa học, các địa phương, doanh nghiệp cũng như của người dân; đi vào các nội dung cấp bách, phổ biến và thực tiễn của đời sống kinh tế- xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, đây là phần thưởng cao quý mà đội ngũ làm khoa học và công nghệ dành tặng cho các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí và dành thời gian, tâm huyết và trí tuệ của mình để cùng chung tay phát triển nền KH&CN nước nhà.

Bộ trưởng mong muốn những nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học sát cánh cùng nhau tạo ra những sản phẩm báo chí có giá trị. “Người Việt Nam chúng ta không chỉ biết đến những nghệ sỹ tài danh mà còn phải biết đến GS. Ngô Bảo Châu, biết đến GS.Vũ Văn Hà, biết đến những nhà khoa học rất bình thường nhưng có những sản phẩm khoa hoc rất tuyệt vời khác như là Ks. Nguyễn Tăng Cường, Nguyễn Tử Quảng và rất nhiều nhà khoa học khác…và như vậy, tôi đánh giá cao vai trò của truyền thông đặc biệt là truyền thông khoa học công nghệ. Tôi mong muốn xã hội sẽ biết đến KH&CN như những lĩnh vực “hot” nhất trong nền kinh tế thị trường”.

Trong năm 2013, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phát huy, học hỏi kinh nghiệm nhằm ngày càng hoàn thiện hơn về tổ chức Giải thưởng. Ngoài ra, cùng với việc quảng bá, thông tin rộng hơn nữa về Giải thưởng đến các cơ quan thông tấn báo chí để có được các tác phẩm dự thi chất lượng, Ban tổ chức sẽ thành lập nhóm cố vấn về nghiệp vụ báo chí, các nhà khoa học, quản lý có uy tín để tư vấn, thẩm định các tác phẩm báo chí xuất sắc trước khi chọn xét giải. Đặc biệt, thời gian tới, Ban tổ chức sẽ đẩy mạnh việc xã hội hóa Giải thưởng để các ngành, các cấp, các nhà tổ chức cùng quan tâm tổ chức Giải thưởng có hiệu quả và ngày càng có chất lượng.

Năm 2012 là năm đầu tiên Giải thưởng được tổ chức. Sau một năm phát động (từ 01/01/2012), Ban tổ chức đã nhận được tổng số 591 tác phẩm, nhóm tác phẩm của các tác giả và nhóm tác giả thuộc các báo, đài trung ương và địa phương trên cả nước thuộc 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Chủ đề các tác phẩm phản ánh tập trung vào các lĩnh vực: Cơ chế chính sách KH&CN; Tôn vinh các nhà khoa học; Thành tựu và ứng dụng KHCN vào cuộc sống; Một số lĩnh vực KH&CN khác.

Giải thưởng do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) và Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) phối hợp thực hiện.

21 tác phẩm và nhóm tác phẩm được trao giải thưởng gồm: Thể loại truyền hình (01 Giải Nhất; 02 Giải Nhì; 02 Giải Ba; 02 Giải Khuyến khích); Thể loại Phát thanh (02 Giải Nhì; 02 Giải Ba); Thể loại Báo in (01 Giải Nhất; 01 Giải Nhì; 03 Giải Ba; 04 Giải Khuyến khích) và Thể loại Báo điện tử (01 Giải Khuyến khích).

Bài, ảnh: Hoàng Anh