|
|||
Đề tài thực tiễn Lâu nay, bài toán nước thải dệt nhuộm và tro bay chưa có lời giải thỏa đáng đang là một trong những trăn trở của nhiều nhà sản xuất, quản lý, khoa học nước nhà. Xuất phát từ ý tưởng của các giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đề tài ứng dụng biến tính tro bay làm chất xúc tác để xử lý nước thải ngành dệt nhuộm đã được đưa vào nghiên cứu từ tháng 1 năm 2012 với sự tham gia của 20 nhà khoa học trẻ đến từ trường ĐH Khoa học Tự nhiên cùng một số trường đại học, viện nghiên cứu ở khu vực Hà Nội. Dựa trên những đặc tính của tro bay và các nguồn thải dệt nhuộm, các nhà khoa học đã nghiên cứu và biến tính thành công tro bay làm xúc tác cho quá trình Fenton dị thể, có khả năng giải quyết trên 90% mầu và hơn 70% COD trong các nguồn thải dệt nhuộm. Nghiên cứu cũng cho thấy, khả năng có thể dễ dàng thu hồi và tái sử dụng xúc tác đã góp phần khắc phục nhiều nhược điểm của kỹ thuật Fenton đồng thể thường được áp dụng trong xử lý môi trường ô nhiễm như giá thành cao, gây ô nhiễm thứ cấp (bùn hình thành sau quá trình xử lý), không thu hồi được lượng xúc tác đã sử dụng… Ngoài những đặc điểm trên, các nhà khoa học cũng khẳng định việc biến tính tro bay bằng các kỹ thuật đơn giản có thể cải thiện đáng kể các đặc tính hấp phụ của tro bay. Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất được cả quy trình biến tính tro bay lẫn quy trình xử lý mầu các nguồn thải dệt nhuộm sử dụng loại tro bay đã biến tính. Nếu được thực hiện thành công, ý tưởng trên không những góp phần giảm chi phí của quá trình xử lý nước thải dệt nhuộm mà còn mở ra một hướng đi tiềm năng cho vấn đề tro bay, giống như một mũi tên bắn trúng hai đích. Đóng góp của các nhà khoa học trẻ Trong thời gian 11 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai, các nhà khoa học trẻ đã tập trung nghiên cứu, xử lý mầu của các nguồn thải chứa các loại phẩm nhuộm được sử dụng phổ biến ở các làng nghề dệt nhuộm ở quanh thủ đô Hà Nội, tập trung ở khu vực Dương Nội, quận Hà Đông. Bài toán độc đáo này đã được các chuyên gia đầu ngành về môi trường đánh giá cao và được Bộ Khoa học và Công nghệ cho triển khai dưới hình thức đề tài khoa học công nghệ tiềm năng cấp Nhà nước năm 2011. Thạc sĩ Đào Sỹ Đức (Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học Tự Nhiên, chủ nhiệm đề tài) chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi định hướng nghiên cứu, triển khai các công đoạn tiếp theo ở các làng nghề dệt nhuộm. Tuy nhiên, theo tư vấn của một số chuyên gia có uy tín về công nghệ môi trường, chúng tôi đang liên hệ để trước mắt có thể triển khai và tiếp tục nghiên cứu tại một nhà máy sản xuất các mặt hàng dệt may, nếu làm được điều này thì bài toán khó khăn về sự ổn định của các nguồn thải trong nghiên cứu mới được giải quyết”. Với những kết quả đã thu được, các nhà khoa học trẻ đang từng bước nghiên cứu, ứng dụng các kết quả của đề tài vào thực tế. Dự kiến trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ liên hệ ứng dụng ở một số nhà máy sản xuất các mặt hàng dệt may, nhiệt điện ở khu vực miền bắc. |