Bản in
Nghiên cứu trong nước không hề kém cỏi
Hãy thôi chỉ trích các nhà khoa học Việt Nam, họ thiếu thốn, khó khăn, nhưng họ vẫn nghiên cứu và không hề kém cỏi chút nào, một giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, nói.

Ông Nguyễn Phùng Quang, giảng viên tại Viện Điện, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong diễn đàn: "Vì sao các nhà khoa học Việt ít có bài đăng trên tạp chí quốc tế" cho rằng không nên dựa vào con số thống kê các bài đăng trên tạp chí quốc tế của Việt Nam với các nước để đánh giá các nhà khoa học Việt Nam yếu kém.

"Thật bất công khi suốt ngày phải nghe chê bai về sự yếu kém của các nhà khoa học Việt Nam khi xem các con số thống kê số lượng công trình khoa học đăng tải ở nước ngoài. Những người chê bai đã bao giờ nghĩ sâu xa tới cội rễ nguyên nhân của vấn đề? Thêm vào đó, những người bênh vực cũng thường chỉ thiên về "thanh minh hộ" bằng cách rất kém sức thuyết phục rằng "nghèo quá làm gì có tiền, họ chịu khó nghiên cứu là tốt lắm rồi".

Đúng là xét về mặt số lượng, các nước láng giềng quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan đều vượt trội so với Việt Nam về số lượng công trình đăng tải tại các diễn đàn khoa học uy tín (các tạp chí danh tiếng có chỉ số ISI - chỉ số phản ánh chất lượng công trình được đăng cao). Nhưng nếu chỉ trên các con số thống kê đó mà đánh giá các nhà khoa học Việt Nam kém, liệu có đúng không? Tôi cho rằng đó là cách nhìn phiến diện, không đúng bản chất vấn đề, thậm chí còn phản tác dụng vì đã vô tình che khuất mất nguyên nhân chủ chốt.

Một anh bạn thân, một giáo sư bên ngành toán (khoa học tự nhiên) có nói với tôi, bên ngành của anh ấy, các tạp chí có uy tín nhất lại luôn đăng miễn phí, nhưng kèm theo là một quy trình chọn lọc, phản biện, đối với bài đăng nghiêm ngặt. Vậy mà số lượng bài đăng về toán của ta đâu có ít, các nhà toán học Việt Nam đâu có bị chê kém?

Nếu bây giờ ta quay sang xem xét các ngành khoa học công nghệ, một tình cảnh hoàn toàn ngược lại với khoa học cơ bản như toán nói trên: Tạp chí càng có uy tín (chỉ số ISI cao) lệ phí đăng bài lại càng cao. Hãy lấy hai tạp chí của Hiệp hội nghề nghiệp IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers, tạm dịch là "Hiệp hội các chuyên gia Điện – Điện tử", một hội nghề nghiệp tại Mỹ nhưng có hội viên trên toàn cầu) làm ví dụ minh họa. Ta hãy xem ở trang cuối của 2 tạp chí dưới đây:

1. Tạp chí IEEE Transactions on Power Electronics: Theo Thomson Reuters, chỉ số ISI năm 2012 là 4,65, của 5 năm vừa qua là 4,664, một chỉ số đặc biệt cao. Ở cuối quyển tạp chí dễ dàng tìm thấy các thông tin lệ phí dành cho tác giả muốn đăng bài. Thông thường bài chỉ nên dài dưới 8 trang với lệ phí cơ bản do IEEE quy định là 110US$ mỗi trang. Kể từ trang thứ 9 trở đi sẽ là 162US$ mỗi trang.

2. Tạp chí IEEE Transactions on Robotics: Chỉ số ISI năm 2012 là 2,536, của 5 năm cuối là 3,143. Một bài đăng thông thường dưới 10 trang cũng với giá mỗi trang là 110US$, kể từ trang 11 trở đi giá là 175US$.

Dễ dàng thấy rằng để có thể đăng được một bài dài thông thường trên trang hai tạp chí danh tiếng này, ngoài việc phải vượt qua các hàng rào chọn lọc của phản biện, mỗi bài còn đòi hỏi chủ nhân của chúng phải sẵn sàng trong túi cỡ 1.000 US$ (khoảng hơn 20 triệu VNĐ). Nhà khoa học nào của Việt Nam có thể bỏ ra khoản tiền lớn như vậy trong bối cảnh đồng lương của họ còn vô cùng eo hẹp?

Những người từng du học và làm việc tại trời Tây đều biết, tự thân các nhà khoa học danh tiếng phương Tây, với thu nhập hơn các nhà khoa học Việt Nam nhiều, cũng hiếm có mấy ai bỏ tiền túi ra để đăng bài. Họ đều đăng từ kinh phí của đề tài/dự án nghiên cứu khoa học mà họ thực hiện. Vậy thử hỏi có bao nhiêu nhà khoa học Việt Nam may mắn hưởng nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Nhà nước? Đã có ai thử thống kê xem tỷ lệ này là bao nhiêu? Thực tế là, nhà nước đầu tư qua các kênh đề tài/dự án các cấp cơ sở, bộ ngành khá nhiều, những vẫn là muối bỏ biển so với nhu cầu, so với số lượng các nhà khoa học cả nước.

Vậy tại sao các nhà khoa học xứ Thái, xứ Hàn và Trung Quốc lại có nhiều bài đăng đến như vậy? Hai tạp chí IEEE nói trên là hai ví dụ về diễn đàn thu hút nhiều tác giả đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Chẳng nhẽ các tác giả đó có thu nhập cao đến thế? Chẳng nhẽ họ hào sảng, “hy sinh” thu nhập cá nhân vì khoa học hơn các nhà khoa học Việt Nam? Chắc chắn không phải vậy, vậy vấn đề là ở đâu?

Đến đây tôi lại nhớ lại câu chuyện một anh bạn kể cho nghe từ lâu. Xưa kia trong bảng xếp hạng về số lượng bài đăng, Hàn Quốc cũng lẹt đẹt lắm, thứ hạng xếp ngoài 30. Vậy mà chỉ sau khi Chỉnh phủ Hàn thay đổi chính sách tài trợ, đó là các nhà khoa học Hàn Quốc chỉ cần nộp các minh chứng (bài đã đăng, hóa đơn nộp lệ phí) lập tức được Nhà nước thanh toán mà không bị xét nét bất kỳ thủ tục phiền toái nào. Vậy là, chỉ sau một thời gian khá ngắn, Hàn Quốc vươn lên đứng trong top 10 về các công bố khoa học.

Hiện tượng các nhà khoa học Việt ít có bài đăng ở nước ngoài, hay cụ thể hơn, ít bài đăng ở các diễn đàn có chỉ số ISI cao, trước hết có nguyên nhân là thiếu một chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước. Việt Nam cần một chính sách khuyến khích giống Hàn Quốc. Ngẫm lại tự bản thân cùng với học trò cũng có nhiều công trình đủ chất lượng để đăng trên các diễn đàn khoa học công nghệ chất lượng cao như của Hiệp hội nghề nghiệp IEEE. Nhưng luôn vì rào cản kinh phí mà thầy trò đành “ngậm ngùi” đăng trên các diễn đàn trong nước.

Quay trở lại với câu chuyện về con số thống kê, tôi nghĩ, thống kê là vô cùng cần thiết, nhưng sử dụng các con số thống kê như thế nào lại là câu chuyện đáng để suy nghĩ. Hãy thôi chỉ trích các nhà khoa học Việt đi, họ thiếu thốn, thậm chí có người rất khó khăn, nhưng họ vẫn nghiên cứu đấy chứ và không hề kém. Hãy tập trung trí tuệ góp ý cho nhà nước để có một chính sách hợp lý khích lệ các nhà khoa học công bố công trình, tôi tin rằng tương lai nền khoa học Việt Nam sẽ sáng hơn".