Bản in
Làm sạch hồ Trúc Bạch bằng công nghệ mới
Bộ Khoa học - Công nghệ đang xem xét phê duyệt Dự án xử lý nước hồ Trúc Bạch (Hà Nội) bằng công nghệ hoạt hóa nước và tích tụ sinh học.

Theo tiến sỹ Nguyễn Phú Tuân, Công ty cổ phần công nghệ xanh – đơn vị đang “sở hữu” công nghệ cho biết, Công ty đã làm báo cáo bước đầu để trình hội đồng khoa học Bộ Khoa học - Công nghệ. Ưu thế của công nghệ là làm thay đổi mật độ phân tử trong nước, (từ 60 phân tử chỉ còn 4-5 phân tử), tăng cường độ dẫn điện, tăng cường tính oxy hóa, biến nước cứng thành nước mềm, khử mùi, tăng cường tính hoạt động của vi sinh vật.

Hồ Trúc Bạch hiện đang trong tình trạng ô nhiễm rất nặng do nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra hồ. Kết quả phân tích chất lượng nước hồ Trúc Bạch cho thấy: Hàm lượng oxy hòa tan nhỏ hơn quy chuẩn từ 4,9-10,5 lần; hàm lượng nhu cầu oxy hóa (BOD5) vượt 1,1-3 lần; hàm lượng COD vượt 2,6-4,1 lần; hàm lượng Amoni vượt 2,1-16,3 lần; hàm lượng Photpho vượt 1-3 lần và hàm lượng Coliform vượt từ 30,7 đến 613 lần quy chuẩn cho phép.
 

Do mức ô nhiễm nặng nên cá trên hồ Trúc Bạch liên tục bị chết, bốc mùi hôi thối. Dù hiện nay, hồ Trúc Bạch vẫn có một trạm xử lý nước do Công ty môi trường đô thị quản lý, tuy nhiên, trạm này chỉ xử lý được một phần nhỏ nước thải phía Nam hồ. Lượng nước còn lại thuộc phía Đông, Tây và Bắc hồ đều không được xử lý mà xả thải trực tiếp vào hồ.

Do hồ Trúc Bạch rộng tới 22 ha, lại có dân sống xung quanh thải nước thải trực tiếp vào hồ, vì vậy việc duy trì hệ sinh thái trong hồ lâu dài là không đơn giản. “Quan điểm của Công ty là nâng cao các quy trình xử lý tự nhiên là chính để nâng cao dần hệ sinh thái trong hồ”, ông Tuân nói.

Ngay sau khi hội đồng khoa học của Bộ Khoa học - Công nghệ duyệt xong quy trình kỹ thuật, lên đầu bài cụ thể, Công ty sẽ có dự toán chi tiết cho việc xử lý nước tại hồ Trúc Bạch. Hiện, Công ty cổ phần xanh là đơn vị có công nghệ xử lý nước hồ được hội đồng khoa học Hà Nội lựa chọn được phép triển khai trên diện rộng.

DV