Bản in
Xong mặt bằng khu công nghệ Hòa Lạc năm 2014
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho biết, vấn đề nan giải ở khu công nghệ cao Hòa Lạc là giải phóng mặt bằng sẽ được giải quyết trong năm nay và hoàn thành năm 2014.

Sau 15 năm, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn khá hoang sơ, nhiều diện tích vẫn chưa lấp đầy, vì sao vậy?

Tại khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có khá nhiều công trình xây dựng. Vì diện tích rộng nên nhiều người chưa hình dung hết và nghĩ rằng khu công nghệ chưa có nhiều bước tiến, nhưng nếu tới tham quan khu vực nghiên cứu triển khai đào tạo sẽ thấy nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn.

Do khủng hoảng kinh tế thế giới và tình hình suy giảm kinh tế trong nước ảnh hưởng tới sự phát triển và thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trong đó lý do quan trọng nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài từ năm này qua năm khác.

Thêm nữa, vốn đầu tư nhiều năm qua cho khu công nghệ Hòa Lạc còn khá nhỏ giọt và ít, với tổng vốn đầu tư chưa đầy 2.600 tỷ kể cả giải phóng mặt bằng trong suốt thời gian qua là vô cùng nhỏ, nó chỉ tương tương một vài cây số đường cao tốc.

Giải phóng mặt bằng được cho là một trong nguyên nhân chính gây khó khăn cho phát triển công nghệ cao Hòa Lạc. Vậy đến bao giờ vấn đề này mới được giải quyết thưa ông?

Tin vui là hiện nay Chính phủ đã có cơ chế đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng, đó là Ban quản lý công nghệ cao Hòa Lạc có thể đền bù tiền cho người đứng tên sở hữu đất ở thời điểm hiện tại (trước đây Ban quản lý phải tìm người đầu tiên của miếng đất đó rất khó khăn vì miếng đất đã bán đi bán lại qua rất nhiều người). Dự kiến khoảng năm 2014 việc giải phóng mặt bằng sẽ hoàn tất.

Ông nhận định thế nào về khả năng còn yếu trong việc thu hút các nhà đầu tư của khu công nghệ cao Hòa Lạc?

Hoàn toàn không phải như vậy. Vì hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa kêu gọi nhiều đầu tư.

Bên cạnh đó, một thực tế đang diễn ra là không phải bao giờ ý tưởng đầu tư của chúng tôi trùng với các nhà đầu tư. Khi chúng tôi muốn họ đầu tư lĩnh vực này thì họ lại chọn lĩnh vực khác. Song, điều chúng ta mong muốn là khu công nghệ cao là nơi tập trung các viện nghiên cứu, trung tâm thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, quốc tế, nơi có các trường đại học đẳng cấp quốc tế, có công viên phần mềm, công nghiệp đáp ứng yêu cầu. Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải như thành phố chứ không phải khu công nghiệp.

Mặt khác, trong tổng diện tích, chúng ta phải trừ diện tích xây dựng hạ tầng 170 - 180 ha, và trừ diện tích mặt nước 140 ha, như vậy lấy 1.586 ha trừ 500 ha, chúng ta còn lại khoảng 1.000 ha. Hiện chúng tôi cấp chứng nhận đầu tư khoảng gần 400 ha, tôi nghĩ đây là kết quả đáng ghi nhận.

Mô hình công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Hhtp.gov.

Ban quản lý sẽ ưu tiên nhà đầu tư trong lĩnh vực nào vào khu công nghệ cao Hòa Lạc?

Ban quản lý sẽ tập trung thu hút kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, nano, tự động hóa, các sản phẩm theo nhu cầu xã hội và yêu cầu nhà đầu tư. Như vậy, đào tạo hay nghiên cứu triển khai, tổ chức sản xuất tại khu công nghệ cao Hòa Lạc đều theo lĩnh vực đó.

Kế hoạch năm nay của Ban quản lý như thế nào, thưa ông? Ban quản lý có đưa ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong thời gian tới?

Năm 2013, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, công trường xây dựng và giải phóng mặt bằng, trong điều kiện như vậy, việc kêu gọi đầu tư không thỏa đáng lắm, nhưng tôi tin chắc sẽ có khoảng 300 triệu đến 400 triệu USD sẽ được cấp chứng nhận đầu tư tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ban quản lý đang dự thảo cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư như đề xuất áp dụng đơn giá thuê đất thấp nhất bằng 0,25% giá đất do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành, nhà đầu tư được hưởng chế độ như ưu đãi hiện hành áp dụng cho địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, các chính sách khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, linh kiện hay nguyên liệu đưa vào khu công nghệ cao đều ưu đãi hơn các khu công nghiệp khác. Tháng 5 tới chúng tôi sẽ trình lên Chính phủ.

Chúng tôi hy vọng từ 2017 trở đi khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ hoàn toàn thay đổi thành thành phố khoa học đầu tiên của cả nước, với nhiều chục nghìn người làm việc. Thành phố đó bao gồm tất cả khu tiện ích xã hội, nhà ở, chung cư, bệnh viên, trường học, nhà hàng, trung tâm, khu thể thao, nhiều chục viện nghiên cứu hoạt động với hàng nghìn nghiên cứu viên, các khu công nghệ phần mềm với hàng vạn người làm việc.

Năm 2012, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cấp giấy chứng nhận đầu tư là hơn 20 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, hai dự án rất lớn là Trung tâm Vũ trụ với 630 triệu USD và Trường Đại học Khoa học công nghệ 210 triệu USD.

Tính đến nay, Ban quản lý khu công nghệ cao cấp chứng nhận đầu tư cho 72 dự án, trong đó 6 dự án gặp khó khăn không triển khai được và bị rút giấy phép đầu tư. Tổng mức vốn đầu tư của 66 dự án còn lại là hơn 47 tỷ đồng trên diện tích hơn 270 ha.

Trong tổng số 66 dự án đã cấp chứng nhận đầu tư, có 32 dự án đã, đang triển khai xây dựng đi vào hoạt động với một số người thường xuyên học tập và làm việc tại khu khoảng 6.000 người.