Bản in
Đổi mới sáng tạo - chìa khóa cho sự phát triển và tăng trưởng
Trong xu thế phát triển nền kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một nguồn lực quan trọng không thể thiếu, giúp duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hoạt động ĐMST vẫn còn yếu, khi chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa ba đối tượng chính: nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và Nhà nước.

Thúc đẩy thông qua liên kết 3 nhà

Để thúc đẩy ĐMST, mô hình liên kết 3 nhà (Nhà nước- nhà doanh nghiệp - nhà nghiên cứu) đã được nhiều nhóm nghiên cứu nước ngoài thực hiện. Tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu tài liệu hoặc một số báo cáo khoa học. Hiện nay nước ta có tới 97% là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong số 150 nghìn DN sản xuất. Trong đó đầu tư cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,1-0,3% doanh thu của DN. Trong khi đó, vai trò của 3 nhà này trong ĐMST vẫn tồn tại độc lập tương đối với nhau dẫn tới rất nhiều khó khăn trong việc tạo ra các sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường.

Tại Hội nghị tổng kết Tiểu dự án “Xây dựng năng lực giảng dạy về quản lý đổi mới”, tổ chức cuối tháng 12 năm 2012, Ths Phan Quốc Nguyên - Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội cho rằng, khi DN phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt thì các kỹ năng quản lý trong ĐMST là chìa khóa cho sự phát triển và tăng trưởng của DN. Một bộ phận không nhỏ các DN Việt Nam hiện nay đã có ý thức và những nỗ lực nhằm ĐMST. Theo một kết quả khảo sát của Chương trình ĐMST, hơn một nửa trong số 350 DN được khảo sát đã và đang có hoạt động ĐMST. Tuy nhiên khảo sát cũng cho thấy hầu hết các DN Việt Nam chưa nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các chuyên gia nghiên cứu thị trường và tư vấn các giải pháp đổi mới công nghệ.

Tính đến nay, cả nước có khoảng 1.260 tổ chức KHCN đăng ký hoạt động, tăng gần 2,5 lần so với năm 1995. Tuy nhiên, có thể nói, khả năng cung công nghệ của các tổ chức KHCN nước ta còn yếu. Nhu cầu công nghệ của toàn xã hội phần lớn phụ thuộc vào số lượng, năng lực và nhu cầu đổi mới công nghệ của các DN sản xuất. Theo số  liệu khảo sát, có 98% DN có nhu cầu về đổi mới công nghệ song năng lực đổi mới công nghệ của các DN nói chung, các DN vừa và nhỏ nói riêng vẫn còn rất hạn chế.

Ngoài ra, một trong những lý do khiến việc khai thác, ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu giữa DN và các nhà khoa học, các trường đại học còn hạn chế là do việc thực thi bảo vệå quyền SHTT tại Việt Nam còn yếu.

Tuy nhiên, đổi mới công nghệ chỉ là một phần của hoạt động ĐMST, nhiều DN có thể gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình một cách đáng kể chỉ nhờ vào những ĐMST rất nhỏ… Do vậy chúng ta cần khơi thông sự phối hợp liên kết trong ĐMST giữa DN, trường đại học, viện nghiên cứu và Nhà nước - Ths Nguyên nhấn mạnh.

Đưa môn học ĐMST vào trường đại học

Ở các nước phát triển, các trường đại học và các viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành các nghiên cứu để cung cấp những thông tin hữu ích về ĐMST cho DN, nhưng ở Việt Nam hoạt động này còn lẻ tẻ, manh mún. Theo TS Bùi Tiến Dũng - Trường Quản lý KH-CN, nhiều trường đại học đã có những nghiên cứu mang tính ứng dụng nhưng những nghiên cứu này lại không có địa chỉ sử dụng cụ thể. Chất lượng đào tạo tại các trường đại học vẫn còn hạn chế, thiếu tính gắn kết với thực tế, khiến nhân lực được đào tạo ra thiếu trình độ và khả năng tích cực tham gia vào những hoạt động đổi mới công nghệ ở các DN và các cơ quan, tổ chức trong xã hội.

Tại nhiều nước trên thế giới, các môn học về ĐMST đã được chú trọng đưa vào giảng dạy trong trường đại học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện chưa có trường đại học nào ở Việt Nam đưa môn học về ĐMST vào giảng dạy một cách chính quy mà mới chỉ có những khóa đào tạo trên lớp hoặc trực tuyến ngắn hạn (3 - 4 tháng) cho lãnh đạo các DN.

Theo Ths Nguyên, việc đưa các môn học về ĐMST vào giảng dạy tại các trường đại học là cần thiết nhưng không phải đưa cái gì vào giảng dạy cũng được mà cần phải tính đến các yếu tố như: nội dung môn học, thời gian bố trí có phù hợp hay không?… Ths Nguyên cũng đưa ra lộ trình đối với các trường đại học như: xác định rõ nhu cầu của các đối tượng tham gia (DN họ muốn cái gì, còn sinh viên thích cái gì…); chuẩn bị học liệu và chương trình bài giảng: tùy thuộc vào đối tượng tham gia để thiết kế môn ĐMST đan xen vào các môn khác như quản trị DN, quản trị công nghệ, SHTT, thiết kế sản phẩm mới, khởi sự DN…; thực hiện và triển khai đào tạo (để đưa môn học này thành môn bắt buộc thì rất khó khăn, cho nên trước mắt các trường nên giảng dạy lồng ghép nội dung ĐMST vào các môn khác dưới dạng chuyên đề hoặc các môn học tự chọn…); cuối cùng là đánh giá kiểm tra và hậu đào tạo.

Cũng tại hội nghị, PGS.TS Vũ Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường Quản lý KHCN cho biết, thực hiện tiểu dự án này, trên cơ sở các tài liệu giảng dạy về quản lý đổi mới, Trường Quản lý KHCN đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Những kiến thức cơ bản về đổi mới” với các nội dung chính: tổng quan về đổi mới, quản lý các dự án đổi mới, đổi mới trong DN, vai trò của trường đại học và viện nghiên cứu trong hoạt động đổi mới, chính sách đổi mới. Cuốn sách có thể là một tài liệåu tham khảo hữu ích cho việc chuẩn bị học liệu cho các chương trình đào tạo về ĐMST, dù là ngắn hạn như trước mắt hay chính quy trong tương lai như mong đợi của nhiều người.