Bản in
20 năm phát triển các tổ chức khoa học ngoài công lập: Khẳng định hiệu quả của chính sách đúng đắn
Nghị định số 35 ra đời đánh dấu một mốc son lịch sử trong việc phát triển các tổ chức KH&CN ngoài công lập, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động KH&CN của Đảng và Nhà nước. Đây được xem là bước ngoặt lớn đối với nền KH&CN của Việt Nam vì là lần đầu tiên các tổ chức, cá nhân có quyền tham gia thành lập các tổ chức KH&CN.

Nhìn lại 20 năm phát triển các tổ chức khoa học ngoài công lập có thể khẳng định tính hiệu quả của cơ chế chính sách của Nhà nước đó là tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động và phát triển. Từ đó, các tổ chức này sẽ có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Được thành lập năm 1992 với chỉ 6 thành viên, đến nay, sau 20 năm phát triển, Liên hiệp hội đã có gần 350 tổ chức KHCN. Liên hiệp hội đã thực hiện được mục tiêu tập hợp trí thức KHCN, tạo điều kiện để các nhà khoa học có cơ hội phát huy năng lực và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức KHCN cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một bộ phận người lao động trong xã hội, góp phần tạo sự bình đẳng giữa khu vực công lập và khu vực ngoài công lập.

Ngày càng khẳng định sự đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là nhiệm vụ chính của các tổ chức KHCN hoạt động trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, khác với các tổ chức của nhà nước, các tổ chức KHCN ngoài công lập do hạn chế về kinh phí và cơ sở vật chất nên thường hoạt động ở quy mô nhỏ. Mặc dù vậy, những năm qua, các tổ chức KHCN này đã rất tích cực trong việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhiều sản phẩm nghiên cứu đã phục vụ cộng đồng một cách thiết thực.

Ví dụ: Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo OMEGA trong nhiều năm qua đã nghiên cứu và cung cấp hệ thống thiết bị camera giám sát và lắp đặt hệ thống cân Malt, cân gạo, cân men, CO2 và cân ô tô 60 tấn cho các nhà máy bia.

Trung tâm phân tích AND và công nghệ di truyền đã thực hiện các nghiên cứu đầy đủ và toàn diện tần số của các gen đa hình của người Việt làm cơ sở cho việc xác định huyết thống. Không chỉ xác định huyết thống theo nhu cầu của xã hội mà Trung tâm còn tham gia việc giám định ADN miễn phí để tìm những người thất lạc trong chiến tranh cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ hóa sinh thực hiện việc cung cấp hoạt chất cho một số thuốc bảo vệ thực vật trị giá 10 tỷ đồng. Nhiều nghiên cứu của Trung tâm đã được chuyển giao, sản xuất và trở thành sản phẩm thuốc được bán rộng rãi trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, các tổ chức KHCN thích ứng rất nhanh với những vấn đề được xã hội quan tâm. Trong những năm gần đây, hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề nóng được toàn cầu quan tâm. Các tổ chức KHCN trực thuộc Liên hiệp hội VIệt Nam đã tham gia tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng và nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu sự rủi ro thiên tai, giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đời sống.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Công nghệ mới và Môi trường (ENVIC) đã thực hiện việc hoàn thiện và chế tạo lò đốt rác sinh hoạt với công suất 6 tấn/h có thu hồi nhiệt được doanh nghiệp tin cậy.

Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) đã cùng một số tổ chức NGO xây dựng mạng lưới ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động của Trung tâm chủ yếu tập trung vào lĩnh vực truyền thông, phổ biến kiến thức cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng.

Ngoài ra, các tổ chức KHCN của Liên hiệp hội còn tham gia vào các hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân và xóa đói giảm nghèo…

Tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho các tổ chức KHCN ngoài công lập phát triển

Theo GS. Đặng Vũ Minh - Chủ tịch VUSTA:  Bên cạnh những thuận lợi là nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, cơ chế thông thoáng hơn thì các tổ chức KHCN ngoài công lập cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động.

Khó khăn thứ nhất phải kể đến đó là Nhà nước chưa có văn bản thuế ban hành riêng cho các tổ chức xã hội (trong đó có các tổ chức KHCN) nên các tổ chức này gặp khó khăn trong việc áp dụng chính sách cho loại hình của tổ chức. Thủ tục hướng dẫn việc thành lập các tổ chức KHCN khá rõ ràng nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể việc giải thể các tổ chức KHCN.
 

Công nghệ xử lý thuốc trừ sâu quá hạn bằng phương pháp tuần hoàn trong nước của ECHEMTECH (ảnh: MC)

Theo TS Trần Việt Hùng - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội - một trong nhiều nguyên nhân khiến nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội bởi chúng ta vẫn đang quản lý KHCN theo kiểu hành chính hóa, chưa có cơ chế đặc thù thu hút sự sáng tạo của các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học có các công trình nghiên cứu mới. Chúng ta chưa có chính sách hữu hiệu tạo động lực thu hút, trọng dụng nhân tài. 

Khó khăn nữa là việc các tổ chức KHCN chưa có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, hoàn toàn chủ động trong việc tìm nguồn kinh phí. Do vậy, trong tình hình kinh tế hiện nay, việc huy động vốn, tìm kiếm hợp đồng, thu hồi công nợ, thanh toán kinh phí hết sức khó khăn.

Chưa có nguồn tài chính thường xuyên cho hoạt động nên hầu hết các tổ chức đều phải dựa vào nguồn tài trợ để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ nước ngoài đang giảm là thách thức cho các tổ chức KHCN ngoài công lập…

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm hình thành và phát triển các tổ chức khoa học ngoài công lập, các đại biểu đã kiến nghị: nên tạo cơ chế để các tổ chức này có thể tiếp cận và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước thông qua việc thực hiện dự án, đề tài. Đơn giản hóa thủ tục đăng ký dự án tài trợ từ nước ngoài để tăng sự cạnh tranh của các tổ chức Việt Nam, tạo điều kiện thu hút nguồn tài trợ không hoàn lại phục vụ lợi ích của nhân dân và đất nước.

Quỹ Công nghệ quốc gia dành cho hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam một phần kinh phí để các tổ chức KHCN có điều kiện ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó cũng nên miễn phí thu nhập doanh nghiệp để tái đầu tư phát triển sự nghiệp KH&CN. Sửa đổi luật KHCN theo hướng khuyến khích sự tham gia của các tổ chức ngoài công lập; tạo môi trường pháp lý để các tổ chức KHCN ngoài công lập được bình đẳng với tổ chức KHCN công lập.

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là một trong những tổ chức đi đầu trong việc chào đón Nghị định 35/HĐBT. Sau 20 năm hoạt động, đến nay, VUSTA đã tập hợp được một đội ngũ các nhà khoa học năng động với 549 tổ chức VNGO được đăng ký tại Bộ KH&CN, chưa kể các tổ chức KH&CN đăng ký ở các Sở KH&CN các địa phương trên cả nước.

Với sự ra đời của Nghị định 35 và sau này là Nghị định 81 (Nghị định 81/2002/NĐ-CP) thay thế Nghị định 35/HĐBT, nhiều nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu công lập, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học đã nghỉ hưu… đã mạnh dạn thành lập tổ chức KH&CN của riêng mình, khơi dậy và phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu và đã có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. 

 

 

Minh Châu