Bản in
Năm 2012: Ngành KH-CN hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng
Trước thềm năm mới, nhìn lại một năm đã qua, một năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) nói riêng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, năm 2012 được coi là một năm tương đối thành công của ngành KH-CN nước nhà.

Hoàn thành 4 nhiệm vụ quan trọng

Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho biết, năm 2012 là năm Bộ KH-CN tập trung và nỗ lực hoàn thành 4 nhiệm vụ rất quan trọng.

Thứ nhất, Bộ KH&CN đã cùng với Ban tuyên giáo Trung ương xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) ban hành Nghị quyết về “phát triển KH-CN  phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đây là một Đề án với nhiều nội dung hết sức đổi mới, đã được Trung ương nhất trí thông qua làm căn cứ định hướng chỉ đạo cho việc thể chế hóa các chủ trương đổi mới của Đảng đối với hoạt động KH-CN.

Một trong những điểm mấu chốt của Nghị quyết Trung ương 6 đã đề cập đến là vấn đề phát triển đội ngũ trí thức, thu hút, trọng dụng các nhà khoa học thúc đẩy KH-CN phát triển mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 đã đề ra mục tiêu: "Hình thành đồng bộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy. Phát triển các tổ chức, tập thể khoa học và công nghệ mạnh, các nhà khoa học đầu ngành. Số cán bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu và phát triển đạt mức 11 người trên 1 vạn dân; tăng nhanh số lượng các công trình được công bố quốc tế và số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và ở nước ngoài". Để đạt được mục tiêu như vậy, giải pháp đầu tiên cần “xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH-CN; tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ KH-CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình”…

Thứ hai, Bộ KH-CN đã xây dựng Luật KH-CN (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 xem xét cho ý kiến để trong kỳ hợp thứ 5(tháng 5/2013) sẽ thông qua. Luật có rất nhiều nội dung đổi mới, trong đó tập trung vào 3 vấn đề chính : Đổi mới phương thức đầu tư; Đổi mới cơ chế tài chính và xây dựng các cơ chế chính sách sử dụng, trọng dụng đội ngũ cán bộ KH-CN.

Thứ ba, Bộ KH-CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020”, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại với những mục tiêu rất cụ thể như: Tỷ trọng đầu tư cho KH-CN đạt mức 2% GDP; chỉ tiêu về tốc độ đổi mới công nghệ ở mức 15-20%/năm; tốc độ tăng trưởng thị trường KH-CN phải đạt từ 15-17% mỗi năm. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt từ 35-40%. Như vậy có nghĩa KH-CN sẽ có đóng góp rất lớn cho kinh tế xã hội, đảm bảo phát triển bền vững.

Thứ tư là tập trung xây dựng “Đề án tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH-CN”. Đây có thể coi là Đề án tiếp tục của Quyết định 214/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý KH-CN. Đề án đổi mới lần này được xây dựng trên nền tảng của Nghị quyết Trung ương 6, của Chiến lược phát triển KH-CN và đã cụ thể hóa các giải pháp, những cơ chế và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, của các tổ chức KH-CN và đặc biệt là vai trò của Bộ KH-CN.

Giàn khoan dầu khí tự nâng 90M nước do người Việt Nam chế tạo, hạ thủy thành công. (Ảnh: Phương Hoàn)
Giàn khoan dầu khí tự nâng 90M nước do người Việt Nam chế tạo, hạ thủy thành công. (Ảnh: Phương Hoàn)

“Với khối lượng không nhỏ các công việc đã hoàn thành trên, có thể nói năm 2012 là một năm tương đối thành công của ngành KH-CN. Về thành quả của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, có thể đưa ra một số kết quả nổi bật : trong năm nay, chúng ta đã chế tạo, hạ thủy thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90M nước, khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, thi công. Năm 2012, Việt Nam đã bắt đầu dự án sản xuất chip, đã ghép tim thành công do các bác sỹ Việt Nam thực hiện. Và đây cũng là năm đầu tiên Bộ KH-CN triển khai tổ chức thực hiện 10 chương trình Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó riêng năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 chương trình Quốc gia quan trọng đó là Chương trình hỗ trợ cho các tổ chức KH-CN chuyển sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm và phát triển Doanh nghiệp KH-CN, Đề án  hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH-CN….”, Bộ trưởng cho biết

Có thể nói tất cả các mặt của hoạt động KH-CN trong thời gian, Bộ KH-CN đã cùng với toàn ngành tập trung trí tuệ và tiềm lực để thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phục vụ cho quá trình CNH, HĐH đất nước.

Quan trọng nhất là đổi mới tư duy…

Những thành tựu mà ngành KH-CN đạt được trong thời gian qua tiếp tục khẳng định KH-CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, là động lực, then chốt phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng chia sẻ, “Chúng tôi xác định việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật từ Nghị quyết cho đến Luật KH-CN và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mới chỉ là bước đi ban đầu trong toàn bộ tiến trình đổi mới  hoạt động KH-CN, cái quan trọng nhất phải đổi mới được tư duy, không chỉ là tư duy của giới quản lý mà còn là tư duy của chính giới khoa học và của toàn xã hội”.

Bởi vì theo Bộ trưởng thì “chừng nào chúng ta vẫn còn ỉ lại vào sự bao cấp của nhà nước, chưa dám thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH-CN, chừng nào hoạt động KH-CN chưa bám sát yêu cầu của sản xuất, đời sống thì chừng đó các văn bản quan trọng này cũng chỉ là những văn bản thuần tuý”.

Cũng theo Bộ trưởng, để đổi mới được tư duy thì các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức KH-CN đều phải “xắn tay áo” cùng nhau làm việc. Các Bộ ngành phải ban hành ngay các văn bản rất cụ thể, chi tiết và mang tính thực tiễn để có thể thể chế hóa tất cả những quy định của Luật KH&CN. Đặc biệt, các tổ chức KH-CN phải dám bước vào nền kinh tế thị trường, dám nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nghiên cứu những vấn đề xứng tầm, đáp ứng được như cầu phát triển KT-XH của đất nước.

Ngược lại, toàn xã hội cần phải quan  tâm, chăm lo, đầu tư cho KH-CN, hỗ trợ cho các nhà KH-CN trong việc đưa các kết quả nghiên cứu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lập ra những tổ chức KH-CN của Doanh nghiệp, của tổ chức, cá nhân. Hỗ trợ cho việc ưu đãi hoặc trọng dụng cán bộ KH-CN để họ có cuộc sống tốt hơn, sống được bằng nghề và yên tâm làm khoa học, Bộ trưởng tin tưởng

Năm 2013 sắp tới, trước hết tôi cảm ơn các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nhiều năm qua đã ủng hộ cho những chủ trương đổi mới của Bộ KH-CN. Tôi rất mong trong thời gian tới, tất cả chúng ta sẽ siết chặt đội ngũ, tăng cường đoàn kết cùng nhau thực hiện những chủ trương đổi mới của Đảng, Chính phủ và của Bộ KH-CN, tạo ra được môi trường làm việc tốt nhất để thu hút những người Việt Nam ở nước ngoài, những nhà khoa học giỏi nhất của đất nước đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu nằm trong tốp các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ KH-CN.

Đối với  các nhà khoa học Việt kiều, tôi biết rất nhiều người có nguyện vọng trở về để trực tiếp đóng góp cho đất nước. Tôi rất trân trọng tấm lòng cũng như nguyện vọng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, và chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng những cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất đáp ứng yêu cầu của họ. Trước mắt chúng tôi sẽ xây dựng một số Viện nghiên cứu, một số Trường đại học theo mô hình tiên tiến của thế giới, tiếp cận với trình độ quốc tế để các nhà khoa học làm việc với điều kiện không thua kém nhiều với điều kiện làm việc của họ ở nước ngoài. Như vậy họ có thể đóng góp được trí tuệ, năng lực cho phát triển đất nước.

  • Bộ trưởng Nguyễn Quân

 

Mai Hà (Báo Đất Việt)