|
|||
Khám Phá ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học trước chính sách mạng tính đột phá này của TP.HCM. TS Trần Du Lịch, Trưởng ban kinh tế, hội đồng lĩnh vực khoa học xã hội, Sở KH-CN TP.HCM cho biết: Sở KH-CN TP.HCM thực hiện được cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu, không cần hóa đơn lằng nhằng là tháo gỡ quan trọng, hấp dẫn để thu hút nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Tuy nhiên, đi kèm theo cơ chế đặt hàng thì việc xét duyệt, mục tiêu sản phẩm phải rõ ràng, giám định nghiêm túc, đề tài phải làm đúng tiến độ. Hội đồng nghiệm thu phải chặt chẽ, xưa nay các hội đồng đa số có dễ dãi do nhiệm vụ không rõ ràng để đánh giá. TS Trần Du Lịch Tất cả điều này nhằm đảm bảo sản phẩm nghiên cứu tương xứng với công sức, tài chính bỏ ra. Việc sử dụng hiệu quả sản phẩm khoa học để thêm động lực cho người nghiên cứu, nhà khoa học không phải chỉ biết lấy tiền. TP.HCM làm tốt điều này sẽ là điển hình để hoàn thiện Luật Khoa học công nghệ sẽ được quốc hội thông qua vào tháng 6/2013. TS Lê Văn Khoa, giảng viên khoa môi trường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhận định: Áp dụng được cơ chế đặt hàng nghiên cứu sẽ rất thuận lợi cho nhà khoa học. Khi lượng giá được đúng sản phẩm nghiên cứu, nhà khoa học sẽ không “lăn tăn” trong việc phải giải trình vừa mất thời gian lại bị tâm lý dối trá. Đây là điều ngại nhất, nhưng không có lại không xong. Việc chứng minh tài chính cho hợp lệ theo cơ chế hiện nay người nghiên cứu nào làm cũng được, nhưng nó không đáng. Mua văn phòng phẩm, hóa chất cũng phải giải trình, những việc này làm cho nhà khoa học giống người đi buôn chứ không phải nghiên cứu. TS Lê Văn Khoa Hiện nay, một chuyên đề lĩnh vực xã hội dao động trong khoảng 8-12 triệu đồng. Nếu làm đúng thì không đủ tiền để làm, nên phải xé nhỏ ra để kiếm tiền, đọc vào thấy tủn mủn, rất buồn cười, vô lý, nhưng đây là sự thật. Cơ chế làm cho người nghiên cứu không thể trung thực. Việc khoán một gói như vậy là cuộc cách mạng. Tuy nhiên đòi hỏi hội đồng khoa học phải phải làm việc nghiêm túc hơn. Theo ThS Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TP.HCM: Cơ chế này quá tiện, tạo được chủ động trong nghiên cứu của nhà khoa học. Nhà khoa học không cần phải ngồi “đẻ” ra chuyên đề mới có đủ tiền dự định cần cho việc nghiên cứu. Chủ động trong trong việc mua hóa chất, vật tư… mà không phải khai khống, khai không đúng sự thật. ThS Ngô Đức Hoàng Nhiều đề tài nghiên cứu của ICDREC đang thực hiện phải thuê chuyên gia, nhưng quy định hiện nay không cho phép thực hiện điều này. Do vậy để có tiền thuê chuyên gia buộc chủ nhiệm khi viết đề cương phải “đẻ” chuyên đề, hoặc khai khống, đẩy số tiền mua hóa chất, vật tư lên cao mới có tiền trả cho chuyên gia. Quy định người nghiên cứu chỉ cần nộp một hóa đơn cuối cùng không phải giải trình chi tiết đúng là một cuộc cách mạng trong quản lý nghiên cứu khoa học. Tôi tin quy định mới này sẽ kích thích nhiều người tham gia nghiên cứu, tạo ra được những sản phẩm KH-CN có chất lượng cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tránh được những đề tài vô bổ.
|