Bản in
Xây dựng V-KIST theo chuẩn mực quốc tế
Nếu kỳ vọng viện V-KIST sẽ là đầu tàu vực dậy nền khoa học nước nhà thì bên cạnh việc cải cách tiền lương, đãi ngộ và thu hút nhân tài, cần tổ chức bộ máy viện theo mô hình khoa học các nước đang phát triển, từ khâu tuyển dụng đến tổ chức bộ máy chuyên môn.

Có thể nói việc Bộ Khoa học và Công nghệ có dự án hợp tác với Hàn Quốc xây dựng một Viện Khoa học Công nghệ theo mô hình viện KIST (Korea Institute of Science and Technology) - mang tên V-KIST- là một tin vui đối với các nhà khoa học Việt Nam. Tuy nhiên nếu Chính phủ Việt Nam kỳ vọng vào viện V-KIST là một đầu tàu vực dậy nền khoa học nước nhà thì bên cạnh việc cải cách tiền lương, đãi ngộ và thu hút nhân tài, cần tổ chức bộ máy viện theo mô hình khoa học các nước đang phát triển, từ khâu tuyển dụng đến tổ chức bộ máy chuyên môn.

Trước hết và quan trọng nhất là phải xóa bỏ cách tổ chức kiểu phòng ban, biên chế như các cơ quan khoa học cũ, thay vào đó, cần tổ chức theo trách nhiệm cá nhân, tức là thành các nhóm nghiên cứu được lãnh đạo bởi các cá nhân là các nhà khoa học có uy tín. Việc tuyển dụng cần được công khai, minh bạch, thông qua đánh giá hồ sơ khoa học bởi hội đồng phản biện là các nhà khoa học (tốt nhất là quốc tế), qua đánh giá kế hoạch nghiên cứu và phỏng vấn trực tiếp. Năng lực của nhà khoa học được đánh giá thông qua các nền tảng giáo dục, kinh nghiệm đã trải qua, những thành tựu khoa học đã đạt được cũng như các khả năng kết nối hợp tác trong và ngoài nước. Một hội đồng tư vấn khoa học (Scientific Advisors Board) là các chuyên gia trên thế giới nên được thành lập để tư vấn các hướng nghiên cứu cũng như hoạch định các chính sách, đồng thời hỗ trợ tuyển chọn các trưởng nhóm nghiên cứu . Các trưởng nhóm nghiên cứu này chính là các lãnh đạo khoa học. Một khi được bổ nhiệm, họ sẽ có quyền lựa chọn các nhân sự nghiên cứu dưới quyền, và sẽ được cấp một kinh phí theo qui định để tổ chức nhóm nghiên cứu (mua máy móc thiết bị, trả tiền thuê khoán nhân công…).

Bên cạnh đó, việc tổ chức nhân sự theo kiểu “biên chế nhà nước” truyền thống cần được loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là các nhân sự nghiên cứu như các nước phát triển. Đối với một viện nghiên cứu, các ngạch bậc nhân sự chính nên bao gồm các nghiên cứu viên cao cấp (Senior Research Scientist, hoặc Principal Research Scientist) – lãnh đạo các nhóm nghiên cứu, nghiên cứu viên cơ hữu (Research Scientist) cho những nhà nghiên cứu đang ở độ chín về kinh nghiệm khoa học và có thể làm nghiên cứu độc lập, nghiên cứu viên hậu tiến sĩ (Postdoctoral Fellow)1 cho những nhà nghiên cứu mới có trình độ tiến sĩ trong giai đoạn thực tập tích lũy kinh nghiệm trước khi trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. Đối với những nhà nghiên cứu chưa có trình độ tiến sĩ, có thể tạo ra các bậc như trợ lý nghiên cứu (Research Associate, Research Assistant), hoặc nghiên cứu sinh (đối với những người học sau đại học)… Chỉ những nhà nghiên cứu đủ năng lực và trình độ (từ research scientist trở lên) mới được cấp biên chế vĩnh viễn (tenure), trong khi các bậc từ postdoc trở xuống đều phải trải qua giai đoạn thực tập viên với hợp đồng có thời hạn (có thể từ 3-5 năm).

Ở Việt Nam từ trước đến nay, chức vụ nghiên cứu viên hậu tiến sĩ (postdoctoral fellow) chưa bao giờ tồn tại trong hệ thống thang bậc khoa học, nhưng trên thực tế, đây lại là lực lượng nhân công có đóng góp lớn cho các nhóm nghiên cứu trên thế giới9 và ít nhóm nghiên cứu nào trên thế giới có thể vận hành tốt mà thiếu các postdoc. Các nghiên cứu viên hậu tiến sĩ cũng là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho việc đào tạo các nghiên cứu sinh, cũng như sinh viên đại học. Những nhà khoa học khi mới đạt trình độ tiến sĩ rất cần một thời gian thực tập trên vị trí này để tích lũy kinh nghiệm làm nghiên cứu độc lập, quản lý và tổ chức công việc trước khi trở thành những nhà nghiên cứu độc lập. Giai đoạn này không thể thiếu trước khi bổ nhiệm một vị trí cơ hữu trong các cơ quan khoa học. Thực chất nó cũng là một sự tự đào tạo nhân sự cao cấp (không manh tính bằng cấp) trước khi trở thành các lãnh đạo khoa học. Một viện mới chào đón nhân tài bằng nhiều chính sách đãi ngộ, nhưng cũng cần lựa chọn một cách cẩn thận những người có đủ năng lực và kinh nghiệm làm lãnh đạo, đồng thời đào tạo những người trẻ còn có tài nhưng chưa đủ kinh nghiệm cho các vị trí trong tương lai.

Thông thường, lương của các postdoc thường được trả từ các đề tài nghiên cứu hoặc các quỹ học bổng (fellowship). Viện V-KIST mới thành lập với nguồn kinh phí dồi dào nên mạnh dạn lập quỹ học bổng cho các nghiên cứu sinh (Doctoral Fellowship) và các nghiên cứu viên hậu tiến sĩ (Postdoctoral Fellowship) với kinh phí cấp cho các cá nhân bao gồm lương (đủ sống để yên tâm làm việc) và chi phí nghiên cứu cho phòng thí nghiệm. Các cá nhân được cấp các fellowship này dựa trên hồ sơ khoa học, kế hoạch nghiên cứu và phỏng vấn trực tiếp bởi hội đồng khoa học sau khi có sự đánh giá phản biện hồ sơ bởi các chuyên gia trong ngành. Một nhóm nghiên cứu trong viện sẽ tuyển các vị trí postdoc dựa trên nhu cầu nhân lực nghiên cứu của nhóm, chứ không theo sự phân phát biên chế như truyền thống.

Song song với việc chuẩn mực hóa các thang bậc nhân sự khoa học, viện mới thành lập cần tách biệt hoàn toàn hệ thống quản lý hành chính và hệ thống nhân sự nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học cần được trả thù lao xứng đáng để tập trung làm một công việc duy nhất là nghiên cứu khoa học (tất nhiên trong việc nghiên cứu khoa học bao gồm cả quản lý đề tài, thu hút các nguồn đầu tư…) và giảm thiểu việc bị ảnh hưởng bới các chức vụ hành chính. Có một thực tế đáng lo ngại là ở Việt Nam, các chức vụ hành chính có “thực quyền” hơn những người làm chuyên môn nên nhiều nhà khoa học, giáo sư, giảng viên đại học thường “phấn đấu” một thời gian để có thể ngồi vào các chức vụ trưởng, phó phòng hành chính. Do đó, cần xây dựng hệ thống hành chính là các phòng trợ giúp cho công việc chuyên môn chứ không thể là một hệ thống quyền lực chi phối chuyên môn.

Nếu chúng ta thật sự muốn xây dựng một viện khoa học mới nhằm vực dậy nền khoa học, thì không thể vội vàng, mà nên từng bước vững chắc theo chuẩn mực quốc tế với những đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát. Những thành công bước đầu sẽ là tiền đề để đổi mới toàn diện nền khoa học Việt Nam, không những ở trong các viện nghiên cứu, mà còn trong các trường đại học trên cả nước.

---

1 Tham khảo thêm về postdoc trên Wikipedia.org, ở các nước phát triển, thời gian làm postdoc có thể kéo dài tới 5 năm, nhằm hoàn thiện các kỹ năng nghiên cứu đã được hình thành trong thời gian học tiến sĩ, rèn luyện các kinh nghiêm nghiên cứu và quản lý. Ở Anh, khoảng 25% những người có bằng tiến sĩ tiếp tục làm postdoc, còn ở Mỹ có hẳn một hiệp hội postdoc quốc gia.

2 Xem một ví dụ điển hình về nhóm nghiên cứu Màng mỏng từ (Thin film magnetism) thuộc Cavendish Laboratory, Đại học Cambridge, Anh quốc: http://www.tfm.phy.cam.ac.uk/directory#staff. Đây là một trong những nhóm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới về vật liệu từ và spintronics, lãnh đạo bởi Crispin Barnes và Russell Cowburn, trong nhóm bao gồm các faculty cơ hữu, và lực lượng “nhân công khoa học” chính là các postdoc và nghiên cứu sinh.