|
||||||
Đây là kết luận được nhiều nhà khoa học quan tâm, đồng tình và nhất trí; được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Báo cáo một số kết quả nghiên cứu, xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ đối với các phương tiện ô tô, xe máy” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức chiều 12/11/2012, tại Hà Nội. Theo Bộ KH&CN, trong năm 2011 đến 25/10/2012, cơ quan quản lý đã phân tích ít nhất 1.791 mẫu xăng lưu thông trên thị trường. Trong đó, năm 2011 phân tích 704 mẫu và từ đầu năm đến 25/10/2012 đã có 1.087 mẫu xăng được phân tích. Kết quả cho thấy, xăng chính ngạch có chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, không phải là thủ phạm gây cháy phương tiện. Trên thực tế, cơ quan chức năng đã lấy các mẫu xăng có nguồn gốc chính ngạch để kiểm tra. Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trực tiếp thực hiện, sau khi phân tích, kết quả cho thấy, các mẫu xăng đều đạt yêu cầu chất lượng. Xăng cũng không phải là thủ phạm làm trương nở, lão hóa, phá hủy các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu dẫn đến làm rò rỉ nhiên liệu.
Điều đặc biệt hơn, kể cả các mẫu xăng do cơ quan chức năng thu thập hoặc số xăng còn lại trong phương tiện bị cháy hay ở cây xăng mà người có phương tiện bị cháy đã mua xăng, kết quả phân tích cũng cho thấy xăng đạt chất lượng. Liên quan đến việc pha chế diesel, từ tháng 2/2012 đến 25/10/2012, cơ quan quản lý đã phân tích 241 mẫu diesel lưu thông trên thị trường. Kết quả cho thấy, diesel nhập khẩu có chất lượng đảm bảo, đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, khi lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện có khoảng 14% số mẫu không đạt chất lượng. Toàn bộ số mẫu không đạt chất lượng này đã bị gian thương pha chế. Cách thức gian lận diesel thường là pha chế diesel loại 0,05S nhưng có hàm lượng lưu huỳnh nhỏ hơn 500 ppm với diesel 0,25S có hàm lượng lưu huỳnh đến 2500 ppm hoặc với phân đoạn diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao. Với cách thức pha chế vì mục đích gian lận thương mại như trên, cho dù nhiên liệu có hàm lượng S đạt tiêu chuẩn hay không thì bản chất của các hợp chất chứa lưu huỳnh trong diesel gian lận cũng khác với bản chất của các hợp chất chứa lưu huỳnh trong diesel 0,05S chính ngạch. Trong trường hợp đó, nếu người sử dụng phương tiện dùng gió phụ gia cải thiện khả năng cháy cho diesel có chứa hợp chất của sắt pha vào nhiên liệu, khả năng tạo ra hợp chất FeS sẽ tăng lên, nguy cơ cháy xe cũng theo đó tăng lên.
Đối với việc sử dụng các phụ gia được cho là sẽ tiết kiệm nhiên liệu, người tiêu dùng pha trực tiếp vào bình chứa nhiên liệu của động cơ. Có loại chỉ sử dụng cho xăng và đôi khi được gọi là phụ gia tăng RON. Có loại vừa có thể sử dụng cho xăng, vừa sử dụng cho cả diesel và gọi chung là phụ gia tiết kiệm nhiên liệu. Các mẫu phụ gia được cho là tiết kiệm nhiên liệu cho người sử dụng được thu thập có các thành phần thông dụng là ferrocene - một hợp chất cơ kim của sắt hoặc MMT – một hợp chất cơ kim của Mn. Tuy nhiên, các kết quả thử nhiệm được tiến hành trên động cơ cho thấy, biến thiên về các thông số công suất, tiêu hao nhiên liệu và thành phần phát thải CO, CO2, HC, NOx và độ khói không có sự thay đổi đáng kể giữa các mẫu có sử dụng phụ gia và mẫu không sử dụng phụ gia. Sự thay đổi về công suất và suất tiêu hao nhiên liệu lớn nhất khoảng 3%, hoàn toàn không như thông tin trên bao bì ghi là tiết kiệm được 10% nhiên liệu. Thậm chí, nếu người sử dụng dùng phụ gia nhiên liệu không rõ nguồn gốc, pha chế với mục đích thương mại, khả năng tạo ra hợp chất sẽ tăng lên, nguy cơ gây cháy xe vì thế cũng tăng theo. Bộ KH&CN cũng cho rằng, hầu hết các phụ gia tiết kiệm nhiên liệu đều không có hiệu quả thực tế như quảng cáo. Việc sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu có chứa hợp chất của sắt hoặc mangan một cách tùy tiện có thể làm tăng hợp chất Fe,Mn trong nhiên liệu sẽ làm tăng nguy cơ cháy xe. Bộ KH&CN khuyến cáo người dùng phương tiện chỉ mua nhiên liệu từ các trạm nhiên liệu chính hãng, có uy tín về chất lượng. Không tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường, tránh các thiệt hại không đáng có.
|