Bản in
Giao lưu trực tuyến về chủ đề: Khoa học và công nghệ - Động lực, nền tảng phát triển đất nước
Khoa học- công nghệ (KHCN) là động lực, là nền tảng phát triển đất nước. Vậy chúng ta đã dành cho động lực ấy, nền tảng ấy nguồn lực về tài chính, nguồn lực về con người như thế nào ? Cơ chế nào để thu hút nguồn lực tài chính và con người cho phát triển KHCN… Những tranh luận về chế độ đãi ngộ cho cán bộ KHCN, về hàm lượng KHCN trong mỗi sản phẩm, về phát triển thị trường KHCN… thực sự sôi động, thẳng thắn và đầy tâm huyết.

Xin trân trọng kính mời đồng chí Hồ Anh Tài, Tổng biên tập Báo ĐBND phát biểu khai mạc.

TBT Hồ Anh Tài: Kính thưa đồng chí Lê Bộ Lĩnh- Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH

đồng chí Chu Ngọc Anh- Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

đồng chí Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Nghị quyết Trung ương 6 xác định khoa học công nghệ có một vị trí chiến lược trong phát triển đất nước và phát triển một cách bền vững.

Hôm nay Báo ĐBND tổ chức giao lưu trực tuyến trên Báo điện tử ĐBND với bạn đọc cũng là nhằm vào mục tiêu này là thêm một cơ hội để các cơ quan dân cử, các đại biểu dân cử hiểu thêm, hiểu sâu sắc và cùng tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ, từ đó mà biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



Chân thành cám ơn các anh: Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng;

Anh Lê Bộ Lĩnh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Anh Chu Ngọc Anh - Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ.

tham gia giao lưu trực tuyến hôm nay và chúc các anh thành công! 

ĐBND: Chân thành cám ơn đồng chí Tổng biên tập Báo ĐBND. Xin mời Tổng biên tập tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến.

 

ĐBND, ndbnd@nguoidaibieu.vn: Câu hỏi dành cho Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Thưa Thứ trưởng, với trách nhiệm là nhà quản lý nhà khoa học, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của khoa học và công nghệ trong thời gian qua? Xin Thứ trưởng nói rõ thêm vị trí, vai trò của KH&CN trong phát triển đất nước?



Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh giao lưu với độc giả

TT Chu Ngọc Anh: Xin chào độc giả của Báo ĐBND. Như các bạn độc giả đã biết, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI vừa qua đã thông qua Nghị quyết về Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn thế giới đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Nghị quyết Trung ương 6 thực sự là một luồng gió mới tạo niềm tin và sức sống mới cho hoạt động KH&CN nói riêng và hứa hẹn mở ra giai đoạn phát triển đất nước một cách toàn diện, bền vững.

Tôi nhắc đến Nghị quyết Trung ương 6 vì trong quá trình chuẩn bị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện về hoạt động KHCN. Một cách tổng quát, có thể nói “KHCN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và có bước phát triển đáng tự hào” . KHCN luôn đồng hành và có những đóng góp có ý nghĩa quan trọng vào công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc cũng như xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Riêng từ góc độ quản lý KHCN, có thể nói,....

Từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII (năm 1996), đặc biệt là trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác quản lý KHCN đã có những đổi mới sâu rộng và đã đạt các kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật về KHCN đã cơ bản hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành điều chỉnh thống nhất, đồng bộ, toàn diện các hoạt động KHCN tạo thuận lợi cho các chủ thể (nhà khoa học, doanh nhân, người quản lý) tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo. Công tác quản lý khoa học và công nghệ đã đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm để hòa nhập với sự đổi mới chung về KT-XH, chú trọng hơn tính hiệu quả, đặc biệt là đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để hướng KHCN phục vụ doanh nghiệp; thúc đẩy các tổ chức KHCN hoạt động theo cơ chế tự chủ, phát triển doanh nghiệp khoa học và thị trường công nghệ.....

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đầu tư cho KHCN được đảm bảo, tiềm lực KHCN được tăng cường; nhiều cơ chế chính sách mới phù hợp tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, sáng tạo. Chính vì vậy các lĩnh vực KHCN, gồm cả khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ đều có được nhiều đóng góp đáng trân trọng.

Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có đóng góp tích cực thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực KT-XH, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện tốc độ tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; trong một số lĩnh vực đã tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, như trồng lúa, nuôi trồng thuỷ sản, viễn thông, thiết kế và thi công nhà máy thuỷ điện... Có thể kể tới một số kết quả điển hình như lĩnh vực công nghiệp đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công suất lớn, giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam; lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản ứng dụng các kết quả nghiên cứu và tiến bộ KHCN đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp gia tăng giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này lên mức gần 20 tỷ USD/năm, đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, điều...; lĩnh vực y - dược đã thành công trong lĩnh vực ghép tạng, nghiên cứu và bước đầu ứng dụng tế bào gốc; lĩnh vực giao thông - xây dựng đã làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, chế tạo, giám sát, thi công, xây lắp các công trình giao thông, xây dựng có quy mô và trình độ công nghệ ngang tầm các nước trong khu vực như công nghệ thi công cầu treo, cầu dây văng nhịp lớn, công nghệ công nghệ đúc hẫng cân bằng thi công cầu bê tông dự ứng lực khẩu độ lớn, ...; lĩnh vực công nghệ cao đã có nhiều nhà khoa học trẻ thành công với việc làm chủ được công nghệ và tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế.

ĐBND, ndbnd@nguoidaibieu.vn: Câu hỏi dành cho Phó chủ nhiệm Lê Bộ Lĩnh: Thưa Phó chủ nhiệm, từ Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá XI) đến dự án Luật KH và CN (sửa đổi) là một quá trình thể chế hóa chính sách thành pháp luật. Vậy đâu là nhưng nội dung cơ bản liên quan đến cơ chế hoạt động KHCN được đề nghị sửa đổi trong dự thảo Luật lần này?


Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh

PCN Lê Bộ Lĩnh: Nếu được hỏi về vai trò của khoa học công nghệ thì hầu như ai cũng trả lời khoa học công nghệ là động lực của sự phát triển, vì vậy phải được coi là quốc sách hàng đầu. Nhưng từ nhận thức chung như vậy đến thiết kế chính sách cụ thể vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Khoa học công nghệ không phải chỉ là một hoạt động văn hóa tinh thần, một hoạt động “thêm vào” các hoạt động khác mà phải nằm trong chính các hoạt động kinh tế xã hội và quản lý. Nếu chúng ta nhận thức như vậy thì sẽ thấy rằng tài chính và ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ là một phần của đầu tư phát triển. Tuy nhiên, khoản đầu tư này không phải bao giờ cũng bóc tách riêng ra để tính được hiệu quả trong một thời gian ngắn, do tác động của khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội có một độ trễ nhất định, hơn nữa, nhiều hoạt động khoa học công nghệ còn có độ mạo hiểm cao. Mặt khác cũng phải thấy rằng tư duy bao cấp còn ảnh hưởng khá nặng đến cơ chế tài chính và ngân sách cho hoạt động KH&CN. Nếu chúng ta xem mọi đề án, dự án phát triển nào cũng cần phải dựa trên các luận cứ khoa học và để đạt được các mục tiêu đề ra phải có một giải pháp công nghệ phù hợp thì sẽ có một cơ chế tài chính thỏa đáng cho khoa học công nghệ phát triển.
Hiện nay, khoa học công nghệ được coi là một hoạt động hành chính sự nghiệp, vì vậy cơ chế tài chính và ngân sách cho khoa học công nghệ chịu sự chi phối của cơ chế hành chính sự nghiệp nói chung. Ngân sách cho khoa học công nghệ được cấp theo niên độ tài chính và việc phân bổ mang tính bình quân, trải đều cho các cấp thụ hưởng ngân sách. Chính vì vậy, mặc dù tỷ trọng của chi ngân sách cho khoa học công nghệ luôn được bảo đảm theo quy định, nhưng lại không thể tập trung để giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ thiết yếu. Không ít trường hợp, kinh phí hoạt động khoa học được giành cho các hoạt động nghiệp vụ thuộc chức năng của các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Tư duy hành chính cũng ảnh hưởng đến hoạt động khoa học công nghệ ở cấp doanh nghiệp.Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của nghiên cứu phát triển trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan quản lý còn muốn can thiệp sâu vào hoạt động khoa học của doanh nghiệp. Chính điều này đã hạn chế việc huy động các nguồn lực tài chính của xã hội, trước hết của doanh nghiệp cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

 

ĐBND, ndbnd@nguoidaibieu.vn: Câu hỏi dành cho Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang: Những đóng góp của KHCN cho phát triển đất nước trong những năm qua sẽ được thể hiện trong dự án Luật KH và CN (sửa đổi) như thế nào? Và hiệu quả của việc đầu tư ở một số ngành cụ thể, đặc biệt cho nông nghiệp như thế nào?



Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang giao lưu với độc giả

CT Nguyễn Đăng Vang: Trong dự án Luật KH và CN (sửa đổi) tiếp tục đưa ra những điều luật, cơ sở pháp lý, coi KHCN là quốc sách hàng đầu, dựa vào KHCN, vào hoạt động sáng tạo phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với tốc độ nhanh hơn. Tôi xin nêu một số ví dụ những đóng góp của KHCN trong 10 năm gần đây thông qua việc coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao:
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp: đã áp dụng công nghệ cao trong công tác chọn giống chúng ta có giống cà phê 4-6 tấn/ha với chất lượng cao; với lúa gạo việc đưa ra gần 7 chục giống, trong đó có giống 6-8 tấn/ha. Đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu thứ nhất, thứ hai thế giới. Trên thế giới chưa từng có nuôi cá tra 500-600 tấn cá/ha, trung bình trong đại trà 6000 ha là 250 tấn/ha, doanh thu 6 tỷ đồng/ha. Trong chăn nuôi chúng ta lai tạo giống lợn có tỷ lệ nạc cao 58-62%, bò sữa trên 7 tấn sữa/chu kỳ, gà trên 280 trứng/năm đã trở nên đại trà trong sản xuất.
 
Với việc đi thẳng vào công nghệ cao trong ngành y dược: Thành tựu trong ghép tạng (tim, gan, thận), ứng dụng tế bào gốc để chữa bệnh là công nghệ chúng ta đã làm chủ.
 
Ngày nay chúng ta thấy những tòa nhà 50 – 60 tầng; những cây cầu lớn; những nhà máy thủy điện rất lớn, tầm cỡ trong khu vực, những đường hầm xuyên núi, những cần cẩu 1200 tấn, khoan khai thác dầu lửa ở tầng đá móng, viễn thông ngang tầm thế giới...xuất khẩu của chúng ta tính theo đầu người ngang bằng Trung Quốc, làm sao người tiêu dùng Việt Nam tiêu thụ hàng Việt Nam, ngày nay chúng ta cảm thấy đương nhiên, bình thường, nhưng trước năm 2000 những ví dụ tôi nêu trên còn là mơ ước.
 
Chúng ta được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng Đổi mới công nghệ toàn cầu thứ 51/125 nước (2011), 76/141 nước (2012), xếp thứ 4 trong các nước ASEAN. Nếu lấy doanh thu xuất khẩu để đánh giá khả năng cạnh tranh hàng hóa của quốc gia trên thế giới, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới năm nay của Việt Nam ước 1.250 USD/người, tương đương bình quân/người Trung Quốc xuất khẩu trong năm 2011.

Tuy vẫn còn khá nhiều tồn tại cần khắc phục, cần phải vươn lên mạnh mẽ, nhưng có thể nói những thành tựu nêu trên là do chúng ta xác định KHCN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng để phát triển đất nước.

Trong dự thảo Luật KH và CN sửa đổi lần này có nhiều điều khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, công nghệ hiện đại, khuyến khích và bảo hộ sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.cạnh tranh của nền kinh tế.

ĐBND, ndbnd@nguoidaibieu.vn: Câu hỏi dành cho Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Xin được hỏi tiếp Ông về vị trí, vai trò của KHCN trong phát triển đất nước?

TT Chu Ngọc Anh: Thông qua thành tựu của KHCN, đọc giả đã rõ được vị trí vai trò của KHCN. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và khẳng định phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Chúng ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chỉ còn 8 năm để hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Đại hội Đảng XI đã đề ra. Nếu trình độ KHCN của Việt Nam tiếp tục lạc hậu, nếu việc ứng dụng sáng tạo thành tựu KHCN chưa trở thành yếu tố tăng trưởng và tăng năng suất quan trọng nhất thì mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 sẽ khó thực hiện được. Vì vậy, trong giai đoạn nước rút này, cần tập trung mọi nguồn lực để phát huy và phát triển KHCN thành động lực quan trọng nhất trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường.

Để hoàn thành sứ mệnh trọng đại đó, với trách nhiệm là cơ quan được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ chăm lo phát triển KHCN, chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện các định hướng đổi mới, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 6 đã đề ra. Đồng thời, thay mặt lãnh đạo Bộ KHCN, xin được bày tỏ sự mong muốn nhận được sự quan tâm và góp sức của lực lượng cán bộ KHCN, các nhà quản lý, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với sự nghiệp phát triển KHCN. Hy vọng hoạt động sáng tạo, ứng dụng, đổi mới công nghệ sẽ được triển khai thực hiện trong từng gia đình, nhà trường; từng tổ chức, doanh nghiệp để tạo thành sức mạnh tổng thể; đưa KHCN phục vụ phát triển đất nước và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người dân Việt Nam.


ĐBND, ndbnd@nguoidaibieu.vn: Thưa Ông, cơ chế chính sách cho hoạt động KHCN đã được hoàn thiện như thế nào. Vướng mắc nhất hiện nay là gì?

TT Chu Ngọc Anh: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác xây dựng cơ chế chính sách và hoàn thiện pháp luật luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Chính vì vậy, mà trong 8 đạo luật cơ bản chuyên ngành KHCN hiện hành thì Luật KH và CN có hiệu lực từ năm 2001; 7 đạo luật còn lại được tập trung hoàn thành trong giai đoạn 2005 đến 2011 (Luật Sở hữu trí tuệ (2005; sửa đổi 2009), Luật Chuyển giao công nghệ (2006); Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (2006); Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (2007); Luật Năng lượng nguyên tử (2008); Luật Công nghệ cao (2008); Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Luật Đo lường (2011)).

Thông qua hệ thống pháp luật về KHCN tương đối đầy đủ và đồng bộ, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển KHCN đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động KHCN theo định hướng thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế. Các chiến lược, kế hoạch phát triển KHCN, chương trình, đề án, dự án trọng điểm quốc gia về KHCN đã được xây dựng và triển khai, gắn kết mục tiêu phát triển KHCN với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nền kinh tế. Đổi mới trong quản lý KHCN bước đầu giải phóng sức sáng tạo của cộng đồng KHCN, tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật, thúc đẩy ứng dụng các kết quả KHCN trong các ngành, các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận chúng ta còn thiếu một số cơ chế, chính sách quan trọng như chính sách sách sử dụng cán bộ KHCN và trọng dụng người tài; chính sách nhập khẩu công nghệ; cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KHCN.... Bên cạnh đó, một số chính sách đã có nhưng chưa thực hiện được đến nơi đến chốn nên chưa phát huy được hiệu quả như: công tác xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho hoạt động KHCN, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động KHCN,... và để giải quyết được tổng thể các nội dung trên, Bộ KH và CN và Bộ Tài chính đang phối hợp cùng các bộ, ngành nghiên cứu thống nhất, đổi mới cơ chế tài chính cho phù hợp với đặc thù hoạt động KHCN.

 

ĐBND, ndbnd@nguoidaibieu.vn: Thưa Ông Nguyễn Đăng Vang, khách hàng của KHCN là ai?



Chủ tịch Nguyễn Đăng Vang trả lời câu hỏi của độc giả Báo ĐBND

CT Nguyễn Đăng Vang: Kinh nghiệm các nước OECD 67% kinh phí nghiên cứu là từ doanh nghiệp (Nhật Bản 77%, Hàn Quốc 75%). Doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu những gì sinh lời, thu hút khách hàng của họ.

Ví dụ: doanh nghiệp biết khách hàng của họ mong: ô tô tiêu hao ít xăng, độ nét của TV cao hơn... gà thì đẻ nhiều trứng, bò cho nhiều sữa... Doanh nghiệp cần nghiên cứu để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng của doanh nghiệp.

Nhà nước, các tổ chức Xã hội: Nhà nước là khách hàng của khoa học ở lĩnh vực mà tư nhân, doanh nghiệp không muốn làm, không lợi nhuận hoặc lợi nhận thấp không hấp dẫn họ. Ví dụ như nghiên cứu về bệnh hiểm nghèo, nghiên cứu giải pháp giảm nghèo ở vùng cao, nghiên cứu biến động lực lượng lao động ở các vùng, độ tuổi; nguyên nhân trẻ học đường bị bệnh về mắt hiện nay.

Vì vậy khách hàng của khoa học chủ yếu là doanh nghiệp. Doanh nghiệp là trung tâm mà KHCN cần hướng tới. Nhà nước cũng là khách hàng của khoa học, những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, môi trường, phúc lợi, công bằng xã hội.

tamng@gmail.com: Thưa Ông Lê Bộ Lĩnh, có ý kiến cho rằng, vướng mắc hiện nay về cơ chế và ngân sách cho KHCN cũng chính là vướng mắc về nhận thức. Điều này nên được hiểu như thế nào?

PCN Lê Bộ Lĩnh: Trước hết phải khẳng định là những quan điểm cơ bản về phát triển KH và CN trong Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua là sự tiếp tục chủ trương, chính sách lớn về phát triển khoa học công nghệ đã được xác định từ các Hội nghị Trung ương 2 Khóa 8 (1996) và Hội nghị Trung ương 6 Khóa 9 (2002). Trong khoảng thời gian 16 năm vừa qua, chúng ta đã thể chế hóa các chủ trương và chính sách về phát triển KHCN trong một hệ thống gồm 8 Luật về KHCN mà Quốc hội đã thông qua. Việc sửa đổi Luật KH và CN lần này cần tập trung chế định những vấn đề chung, cơ bản liên quan đến cơ chế hoạt động KHCN bảo đảm đáp ứng yêu cầu mới của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể cần tập trung vào một só nội dung sau:

Thứ nhất là chế định hệ thống các tổ chức KHCN, bao gồm các tổ chức KHCN công lập và các tổ chức KHCN ngoài công lập bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bình đẳng trong các hoạt động KHCN theo luật định. Cũng cần quy định trong Luật các tiêu chuẩn, tiêu chí để thành lập và kiểm định chất lượng hoạt động của các tổ chức KHCN. Thứ hai là chế định quyền và trách nhiệm của cá nhân hoạt động khoa học công nghệ, các cơ chế,chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân tài khoa học công nghệ bao gồm cả việc tạo môi trường học thuật dân chủ,lành mạnh để tạo động lực khuyến khích lao động sáng tạo của cán bộ KHCN. Thứ ba là bổ sung và quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm, thẩm quyền của các tổ chức và cá nhân trong việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động KH&N, bao gồm cả trách nhiệm thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và chính quyền địa phương trong việc xây dựng, phê duyệt và kiểm tra chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KHCN. Thứ tư là quy định rõ hơn cơ chế tài chính và phương thức đầu tư cho hoạt động KHCN theo hướng huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là từ khu vực doanh nghiệp cho nghiên cứu và ứng dụng kết quả KHCN; đổi mới cơ chế cấp tài chính và đầu tư ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN và gắn với các định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; chế định vai trò của các Quỹ tài chính trong việc tài trợ cho hoạt động KHCN. Thứ năm là bảo đảm sự tương thích của cơ chế hoạt động KHCN với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế về KHCN.

Võ Duy Hoài, 40, (TP Thái Nguyên): Là Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, Ông sẽ đóng góp gì cho dự án Luật KH và CN (sửa đổi) để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển KHCN hiện nay của nước ta?

CT Nguyễn Đăng Vang: Đây là một đạo luật lớn đang được dự thảo sửa đổi, bổ sung tới 80 điều, có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tham gia. Cho nên dự thảo Luật này cần được nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi được đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo để khi đạo luật được ban hành (dự kiến vào tháng 1.2014) sẽ bảo đảm tính khả thi, sát với thực tiễn cuộc sống liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Thực tiễn 29 năm làm công tác nghiên cứu chăn nuôi, 9 năm là ĐBQH, đồng thời là Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tôi thấy một mặt phải trực tiếp tham gia đóng góp vào dự thảo luật này, đồng thời tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp đang hoạt động trong ngành nông nghiệp để có ý kiến đóng góp cho Luật được sát với thực tiễn hơn.

Nguyễn Hòa (54 tuổi), Bà Rịa- Vũng Tàu: Liên quan đến nguồn lực con người, xin hỏi Ông Nguyễn Đăng Vang, cơ chế nào khuyến khích mọi người lao động sáng tạo trong KHCN? Vấn đề này liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

CT Nguyễn Đăng Vang: Để khuyến khích mọi người sáng tạo thì phải coi công tác sáng tạo, loại hình lao động đặc thù này cũng là hàng hóa, tức là phải đánh giá được chất lượng hàng hóa đó, giá của loại hàng hóa đó. Nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích họ lao động sáng tạo, kinh doanh sáng tạo. Ví dụ vấn đề thuế thu nhập, vấn đề cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề đó, vấn đề vay vốn... Liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì Nhà nước phải có chính sách để những sáng tạo không bị đánh cắp, không bị sao chép, tạo môi trường để có thể mua bán được quyền sở hữu trí tuệ đó. Chúng ta phải hiểu rằng, sở hữu trí tuệ là một loại hàng hóa được sáng tạo ra bị người khác lấy mất, mà Nhà nước không bảo vệ thì sẽ triệt tiêu động lực lao động sáng tạo.

 

Khánh Bình (47 tuổi), huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa: Thưa Ông Lê Bộ Lĩnh, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật KH và CN (sửa đổi) hiện còn thiếu nhiều quy định, chế tài liên quan đến quyền, nghĩa vụ cụ thể của các nhà khoa học? Ý kiến của Ông về vấn đề này như thế nào?


PCN Lê Bộ Lĩnh: Dự thảo Luật KH và CN (sửa đổi) lần này có 2 điều quy định về quyền và trách nhiệm của cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và 3 điều quy định về chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân lực khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, đúng như bạn nhận xét, các quy định này vẫn thiếu tính cụ thể, cần được tiếp tục bổ sung để chế định rõ hơn vai trò, vị trí của cán bộ KHCN trong hoạt động khoa học, công nghệ vì họ chính là những người sáng tạo và thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa hoc, công nghệ. Ví dụ, dự thảo Luật chưa có quy định về quyền lựa chọn nơi làm việc, các điều kiện bảo đảm cho các nhà khoa học ra nước ngoài làm việc và các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam làm việc; quyền lợi của các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực và địa bàn trọng yếu, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo... Ngoài ra, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các nhà khoa học trong việc sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất của nhà nước.

Trần Thu Trang (35 tuổi), Hà Nội: Thưa Ông Nguyễn Đăng Vang, việc đãi ngộ các nhà khoa học thực tài, có các công trình nghiên cứu khoa học đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển KT- XH được đề cập trong nhiều năm. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế giải quyết cụ thể ?

CT Nguyễn Đăng Vang: Đúng như ý kiến của bạn đấy. Có nhiều nhà khoa học giỏi làm được nhiều việc cho khoa học, cho sản xuất nhưng tại sao họ vẫn nghèo? Điều đó chứng tỏ họ chưa được đãi ngộ xứng đáng, cũng đồng nghĩa với không khuyến khích những người khác lao động sáng tạo, trong khi đó một xã hội sẽ phát triển nhanh nếu như mọi công dân đều ham muốn lao động sáng tạo. Về cơ chế, trước tiên là các sáng tạo của họ cần phải được định giá, được mua bán, được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong dự thảo Luật KH và CN (sửa đổi) lần này có các điều luật để quy định những nội dung liên quan đến cơ chế chính sách mà bạn nêu ra.

Trần Đức Minh (43 tuổi), TP Đà Nẵng: Thưa Ông Lê Bộ Lĩnh, trong dự án Luật KH và CN (sửa đổi) lần này có nội dung nào đòi hỏi các quy định liên quan đến các văn bản pháp luật khác sẽ phải sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật?


PCN Lê Bộ Lĩnh: Dự án Luật sửa đổi lần này đưa ra một số quy định liên quan đến cơ chế tài chính cho KHCN, trong đó có quy định về các quỹ khoa học, công nghệ sử dụng nguồn vốn ngân sách; cơ chế điều hòa ngân sách giữa địa phương và Trung ương căn cứ vào năng lực và hiệu quả thực hiện. Những quy định này liên quan trực tiếp đến Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức HĐND và UBND. Khi Luật KH và CN (sửa đổi) được QH thông qua thì có lẽ, cần xem xét, sửa đổi các quy định này để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phạm Quỳnh Thái (31 tuổi), Hà Nội: Thưa Thứ trưởng Chu Ngọc Anh, tôi làm tại doanh nghiệp và cũng rất quan tâm đến đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó khăn về vốn và vấn đề rủi ro trong nghiên cứu. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với Quỹ Phát triển KHCN, Quỹ đầu tư mạo hiểm để được hỗ trợ vốn?



Thứ trưởng Chu Ngọc Anh: Xuyên suốt Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) về phát triển KHCN và dự án Luật KHCN (sửa đổi) lần này, doanh nghiệp được xác định có vai trò trung tâm của đổi mới công nghệ và là nguồn cầu quan trọng nhất để đặt hàng cũng như phát triển thị trường công nghệ

TT Chu Ngọc Anh: Đây là câu hỏi rất thực tế từ góc độ doanh nghiệp và cũng là sự băn khoăn trăn trở để giải quyết từ góc độ nhà quản lý khoa học công nghệ như chúng tôi. Hiện nay xuyên suốt trong tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) về phát triển KHCN và dự án Luật KH và CN (sửa đổi) lần này thì doanh nghiệp được xác định có vai trò trung tâm của đổi mới công nghệ và là nguồn cầu quan trọng nhất để đặt hàng và phát triển thị trường công nghệ. Gần đây chuẩn bị theo hướng này, Bộ KH và CN đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành và tổ chức triển khai 11 chương trình quốc gia nhằm huy động các nguồn lực từ cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài nước, hỗ trợ các khâu trong quá trình doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Có những chương trình đã được đưa vào hoạt động, có những chương trình đang và sẽ được tổ chức triển khai trong năm nay và sang năm theo hướng này. Cùng với đó, chúng ta cũng đang từng bước hình thành hệ thống các quỹ cho KHCN. Đó là quỹ phát triển KHCN quốc gia đang hoạt động hiệu quả và được cộng đồng khoa học, doanh nghiệp đánh giá cao trong thời gian gần đây. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ gần hơn với sự quan tâm của bạn đang được chuẩn bị để đưa vào hoạt động. Trong thời gian sắp tới, theo quy định của Luật Công nghệ cao sẽ tiếp tục hình thành Quỹ Đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các họat động nghiên cứu có nhiều rủi ro ngay từ bước ý tưởng công nghệ và kế hoạch khởi nghiệp. Hệ thống các quỹ này chắc chắn sẽ đáp ứng được mong đợi của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, sáng tạo công nghệ.

Chi tiết về thông tin, thủ tục và các phương thức tiếp cận với các nguồn hỗ trợ xin bạn liên hệ trực tiếp với Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ của Bộ KH và CN để chúng tôi có thể cung cấp và hỗ trợ thông tin trực tiếp.

Lê Quang Bình (62 tuổi), Nghệ An: Tôi là cán bộ nghỉ hưu, được biết chúng ta đề cập nhiều đến đổi mới cơ chế tài chính cho KHCN. Tuy nhiên, để đổi mới cần sự đồng thuận giữa các bộ, ngành liên quan. Theo Ông, phải làm gì để tạo được sự đồng thuận?

CT Nguyễn Đăng Vang: Xin chào bác Lê Quang Bình và cám ơn Bác mặc dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn quan tâm đến lĩnh vực KHCN. Câu hỏi của Bác xin được trả lời như sau: để tạo sự đồng thuận giữa các bộ, ngành liên quan thì kinh phí dành cho KHCN cần được hiểu là kinh phí sự nghiệp. Cách chi tiêu này hiện nay như là kinh phí hành chính cho nên cần phải được đổi mới về quy định chi tiêu của KHCN. Cách chi tiêu này phải gần sát với biến động của thị trường vì nguyên liệu cho nghiên cứu khoa học được mua bán theo biến động giá của thị trường, trong khi quy định kinh phí hành chính là ổn định trong nhiều năm. Ví dụ như hiện nay giá của năm 2010 là rất mới gần đây, nhưng vẫn không phù hợp với thực tiễn giá cả của thị trường năm 2012. Cho nên đầu tiên phải thay đổi quy định chi tiêu cho khoa học theo hướng không phải như cách chi tiêu hành chính hiện nay. Thứ hai là, nên giao cho Bộ KH và CN, là cơ quan quản lý khoa học của cả nước, được quyền cân đối, đề xuất, kế hoạch chi tiêu phù hợp với các nhiệm vụ khoa học và quy định hiện hành.

Trần Cao Vân (58 tuổi), Nghệ An: Thời gian tới, việc chuyển giao công nghệ sẽ có những thay đổi và thuận lợi như thế nào khi nhiều chính sách mới có liên quan được ban hành, đặc biệt là trong dự án Luật KH và CN (sửa đổi), thưa Phó chủ nhiệm?

PCN Lê Bộ Lĩnh: Những vấn đề này đã được quy định cụ thể trong Luật Chuyển giao công nghệ. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH Khóa XIII cũng dự kiến sửa đổi Luật này. Dự án Luật KH và CN (sửa đổi) lần này chỉ đưa ra những quy định chung khuyến khích việc chuyển giao ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

 

Văn Quang (48 tuổi), TP Hà Nội: Hiện Nhà nước đầu tư cho Bộ KH và CN hàng năm với tổng kinh phí bằng 2% GDP cả nước. Thế nhưng vẫn chưa sử dụng hết kinh phí, có tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả... Vây vướng mắc ở đâu thưa Ông?


TT Chu Ngọc Anh: Trước tiên, Đảng và Nhà nước suốt thời gian qua liên tục dành sự quan tâm cho KHCN với tư cách quốc sách hàng đầu và động lực cho sự phát triển, vì vậy trong nhiều năm gần đây Nhà nước đã liên tục duy trì mức đầu tư ngân sách hàng năm ở mức 2% chi ngân sách (0,5 - 0,6 GDP) chứ không phải 2% GDP như bạn nói cho KHCN. Mức chi ngân sách này thể hiện sự ưu tiên rất lớn của Đảng, Nhà nước cho lĩnh vực KHCN, bởi nhiều quốc gia khác trên thế giới thì ưu tiên chi từ ngân sách không đạt mức như ở chúng ta. Tuy nhiên, về con số tuyệt đối thì mức tổng đâu tư ngân sách của xã hội trên đầu người của chúng ta chỉ mới đạt xấp xỉ 10 USD thì lại thấp so với mức đầu tư xã hội các nước xung quanh trong khu vực. Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN thời gian gần đây thì bức tranh đầu tư cho KHCN đã có những chuyển động tích cực. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chiếm phần lớn. Cụ thể, năm 2011 là 65%, trong khi đó đầu tư từ xã hội mới chỉ ở mức 35%. Vấn đề hiện nay là nhà nước tiếp tục duy trì mức đầu tư ngân sách để quan tâm đúng mức cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, các chương trình công nghệ quốc gia có tính chất trọng điểm để tạo ra các sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong những lĩnh vực kinh tế trọng điểm hỗ trợ và tạo lan tỏa cho quá trình nhập khẩu chuyển giao và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Song hành với đó chúng ta cũng cần tăng cường huy động đầu tư hiệu quả từ xã hội thông qua hai kênh. Một là chủ động tìm kiếm đối tác quốc tế để giải quyết những vấn đề quan trọng của nền kinh tế, thông qua đó huy động được công nghệ tiên tiến tăng cường hạ tầng, tiềm lực năng lực nghiên cứu trong nước cũng như nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Hai là, huy động đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp với tư cách là trung tâm của hoạt động đổi mới, là nguồn cầu quan trọng nhất của việc phát triển thị trường công nghệ. Theo hướng này việc tăng cường hiệu quả và xử lý các vướng mắc trong thời gian vừa qua như bạn đọc đã nêu được xử lý theo hướng: Thứ nhất, đầu tư trúng người trúng việc, kể từ khâu đặt hàng xác định nhiệm vụ nghiên cứu cho đến ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế - việc này đặt ra trách nhiệm và những vai trò cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương và bản thân doanh nghiệp. Thứ hai, phải đầu tư kịp thời và hiệu quả tạo được động lực và phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong KHCN. Việc này đặt ra những giải pháp thay đổi cụ thể kể từ việc phân bổ, điều tiết ngân sách, công tác xây dựng kế hoạch KHCN, bổ sung và điều chỉnh các nội dung chi cho KHCN, cập nhật và định mức chi cho KHCN, tăng cường việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, kết hợp với việc Nhà nước đứng ra mua trọn gói sản phẩm kết quả nghiên cứu. Thứ ba, tập trung đầu tư trọng điểm tới ngưỡng để đem lại hiệu quả - việc này đặt ra các giải pháp cả về chính sách đầu tư tài chính khi tính tới sản phẩm khoa học ở quy mô công nghiệp là mục tiêu cuối cùng. Nội dung này cũng yêu cầu việc gắn huy động cả về đầu tư và sự tham gia của doanh nghiệp cùng các nguồn lực khác. Việc quy định và thể chế hóa các giải pháp cụ thể đã được thể hiện trong dự án Luật KH và CN (sửa đổi) kỳ này. Chắc chắn rằng những vướng mắc mà bạn đọc nêu trên sẽ sớm được từng bước giải quyết một cách triệt để trong thời gian sắp tới trên cơ sở của Nghị quyết Trung ương 6 và Luật KH và CN đang được QH xem xét, sửa đổi.

Nguyễn Văn Bình (54 tuổi), Hà Tĩnh: Thưa Thứ trưởng Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng nói nhiều về vai trò của Nhà nước trong đổi mới về KHCN. Vậy doanh nghiệp có vai trò như như thế nào trong tiến trình này? Tai sao các doanh nghiệp chưa quan tâm đến đổi mới công nghệ và đầu tư cho đổi mới công nghệ?

TT Chu Ngọc Anh: Như tôi đã thông tin trong một số trả lời bạn đọc trong những câu hỏi trước, lần sửa đổi Luật KH và CN này, doanh nghiệp có vai trò trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất trực tiếp đặt hàng và ứng dụng để phát triển thị trường công nghệ. Nhận định này đã xuyên suốt những văn bản quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước và kỳ này được thể chế hóa thành những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong khuôn khổ dự án Luật KH và CN (sửa đổi). Với tinh thần này chắc chắn thời gian sắp tới, doanh nghiệp sẽ phát huy được vai trò của mình, đặc biệt trong khâu ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của mình. Tất nhiên như bạn nói, muốn làm được như vậy thì với vai trò trung tâm, doanh nghiệp phải dành nhiều hơn sự quan tâm đến đổi mới công nghệ, đến đầu tư cho đổi mới công nghệ, coi đây thực sự là yếu tố sống còn đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh và sự phát triển đi lên của doanh nghiệp. Lý do cho việc doanh nghiệp thời gian vừa qua chưa quan tâm nhiều đến hoạt động này thì có nhiều nhưng cơ bản cũng xuất phát từ chỗ chúng ta chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo hướng này, thì Đảng và Nhà nước cũng đã đánh giá thực tế và nhận định là chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, trình độ và quy mô của nền kinh tế còn thấp và do đó biểu hiện cụ thể là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp đối với hoạt động đổi mới công nghệ chưa đủ mạnh, chưa coi là sống còn. Một số chính sách gần đây cũng nhằm huy động nguồn lực để tăng cường họat động đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ví dụ gần đây nhất là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 cho phép doanh nghiệp dùng 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến và đổi mới công nghệ. Trong thực tế triển khai cũng đã cho thấy có nhiều bất cập, rào cản làm cho chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp. Tương tự như vậy, những bất cập đối với hoạt động đổi mới doanh nghiệp đã được nhận dạng, đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả. Có những nhiệm vụ giải pháp được thể chế hóa trong dự án Luật KH và CN trình QH kỳ này. Cũng có những chương trình, nguồn lực cụ thể đang được triển khai để hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, ví dụ như việc đưa vào hoạt động và triển khai chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia... chính là đáp ứng quan tâm mong đợi của quý vị bạn đọc và các doanh nghiệp.

Pham Bang Thanh (40 tuổi), Trại chuối, Hải Phòng, (Gaihoahong73@gmail.com): Xin hỏi Ông Chu Ngọc Anh, trong bối cảnh tình hình kinh tế đang rất khó khăn, Quốc hội đang họp bàn về việc hạn chế chi tiêu công. Chủ trương này có ảnh hưởng gì đến đổi mới và phát triển KHCN? Nếu có thì làm thế nào để vượt qua trở ngại đó để KHCN trở thành động lực, nền tảng phát triển đất nước? Xin cám ơn Ông.

TT Chu Ngọc Anh: Đúng là hiện nay bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt doanh nghiệp với tư cách là cấu phần nền kinh tế cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận vốn và huy động các nguồn lực để có thể duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đảng và Chính phủ đang chỉ đạo các giải pháp để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho việc giữ mức tăng trưởng hợp lý. Trong đó, các giải pháp về tái cơ cấu nền kinh tế: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở cho tăng cường đầu tư chiều sâu, chuyển đổi mô hình kinh tế một cách hiệu quả. Đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục có các giải pháp hữu hiệu nhằm đạt mục tiêu cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Những giải pháp kinh tế vĩ mô này đặt nhiệm vụ cụ thể cho KHCN để có thể trực tiếp đóng góp cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ chỗ dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, vào vốn sang nền kinh tế hoạt động hiệu quả dựa vào những yếu tố khác là nhân lực trình độ cao và ứng dụng KHCN. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đưa KHCN vượt qua trở ngại thực sự trở thành động lực nền tảng phát triển đất nước chính đã được thể hiện rõ nét trong tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) gần đây và thể chế hóa trong dự án Luật KH và CN (sửa đổi) kỳ này.

 

(Tạ Thu Trang (30 tuổi), Đà Lạt: Xin Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, vai trò của các Hội nghề nghiệp trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về KHCN?


CT Nguyễn Đăng Vang: Theo tôi, lực lượng chuyên gia KHCN hiện nay tại các Hội nghề nghiệp, hiệp hội rất lớn, nhiều hơn rất nhiều các chuyên gia đang công tác tại các cơ quan nhà nước. Tại các nước phát triển nhiều công việc của Nhà nước liên quan đến chuyên môn đều giao cho các hội và hiệp hội. Ở ta hiện nay việc này hầu hết là Nhà nước đứng ra làm nên nhiều việc bị chậm trễ. Tôi hy vọng, kinh nghiệm này của các nước sẽ được chúng ta nghiên cứu, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Đinh Thành Nam, Từ Liêm, Hà Nội: Tôi là cán bộ khoa học đã nghỉ hưu. Tôi từng là Chủ nhiệm nhiều đề tài, dự án KH và CN. Tuy nhiên, tôi thấy vấn đề tài chính cho các đề tài, dự án còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề giao kinh phí và phải thanh quyết toán khi chưa kết thúc nhiệm vụ. Vậy theo Ông cần có giải pháp gì để các nhà khoa học được thuận lợi hơn về vấn đề tài chính cho đề tài của mình?

CT Nguyễn Đăng Vang: Xin chào Nam. Vâng, đúng là tình hình hiện nay như Bác nói. Nếu không quyết tâm thay đổi thì tình hình hiện nay sẽ vẫn như thời Bác còn công tác. Kinh nghiệm của nhiều nước nhất là các nước Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì kinh phí giao cho nhà khoa học để họ chủ động trong thời gian nghiên cứu thí nghiệm và Nhà nước, doanh nghiệp sẽ nhận lại sản phẩm cuối cùng theo đơn đăt hàng. Hiện nay ở Việt Nam gọi cách này là khoán tài chính gắn liền với giao nộp sản phẩm cuối cùng. Chúng tôi thấy chúng ta nên xây dựng cơ chế mới theo hướng này thì những bất cập mà Bác hy vọng sẽ được khắc phục.

Hoàng Thụy Vân (42 tuổi), TP Đà Nẵng: Theo Ông, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quan tâm phát triển KHCN, coi KHCN là động lực, là nền tảng phát triển đất nước như thế nào?

CT Nguyễn Đăng Vang: Đây là câu hỏi cũng đã được nhiều người hỏi tôi trong các dịp khác. Như vậy cũng đủ hiểu là nhiều người băn khoăn là lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm thỏa đáng cho phát triển KHCN và coi KHCN là động lực, là nền tảng phát triển đất nước. Nhiều năm qua, kinh phí dành cho khoa học phân bổ về các địa phương chi sai mục ngân sách dành cho khoa học, do đó bị xuất toán và vì vậy kinh phí dành cho khoa học không được giải ngân, không chi tiêu hết trong khi nhu cầu về kinh phí cho đổi mới KHCN, cho công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ có nhu cầu rất cao và rất bức xúc.

ĐBND: Bạn đọc thân mến, câu hỏi gửi cho 3 khách mời tham gia giao lưu trực tuyến của Báo Điện tử ĐBND còn nhiều. Nhưng, do thời gian dành cho giao lưu trực tuyến đã hết. Trân trọng cám ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi giao lưu cùng ba khách mời với chủ đề: Khoa học công nghệ - động lực nền tảng phát triển đất nước. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp sau.

Chu Ngọc Anh: Thay mặt các khách mời, chân thành cám ơn bạn đọc của Báo ĐBND.