Bản in
Điểm tin KH&CN nổi bật tuần từ 27/10 đến 2/11/2012
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Bộ Giáo dục, KH&CN Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực KH&CN; hơn 500 nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự hội nghị quốc tế về khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano; tổng kết thanh tra diện rộng chuyên đề về khí dầu mỏ hóa lỏng, xăng dầu; nghiên cứu ứng dụng xe buýt chạy bằng điện;… là những thông tin KH&CN nổi bật trong tuần từ 27/10 đến 2/11/2012.

Việt Nam - Hàn Quốc ký kết hợp tác về KH&CN

Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, KH&CN Hàn Quốc Lee Ju-Ho vừa ký MOU giữa hai bộ về hợp tác trong lĩnh vực KH&CN tại Seoul.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Quân và ông Kil - Choo Moon, Chủ tịch Viện KIST đã ký MOU giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Viện KIST. Trước đó, cùng ngày, lễ ký MOU giữa Trung tâm Hội nhập KH&CN Quốc tế thuộc Bộ KH&CN Việt Nam với Viện máy và Vật liệu Hàn Quốc (KIMM) đã diễn ra trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Quân.

Trong 20 năm qua, hai nước đã triển khai các thế mạnh rất hiệu quả và hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt từ năm 1995, sau khi hai nước ký kết Hiệp định về hợp tác KH&CN cấp chính phủ, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này đã có những bước phát triển tốt. Hai bên đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học và đang nghiên cứu nhiều dự án công cộng (Theo Vietnam+, ngày 29/10).

Khởi công ba dự án thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM

UBND TP.HCM đã khởi công ba dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM với quy mô diện tích 23ha, dự kiến đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu USD. Các dự án thành phần được thi công dịp này gồm: xây dựng khu nghiên cứu; khu nhà lưới - nhà kính nuôi cấy tế bào thực vật; xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trung tâm Công nghệ sinh học TP được thành lập từ năm 2005, với nhiệm vụ trở thành cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, có tầm vóc cả nước. Đến nay, trung tâm đã triển khai được 40 đề tài nghiên cứu về công nghệ sinh học phục vụ cây trồng, thủy sản và y dược. Một số kết quả nghiên cứu đã được sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa và phục vụ bà con nông dân. (Theo Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải phóng, ngày 28/10).

Hơn 500 nhà khoa học thảo luận về vật liệu của tương lai

Hơn 500 nhà khoa học, trong đó có trên 200 nhà khoa học quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu tiên tiến và nano, hơn 300 nhà khoa học trong nước đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học đã tham gia Hội nghị Quốc tế về "Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano – IWAMSN” lần thứ 6 từ ngày 30/10 đến 2/11/2012, tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Hơn 420 báo cáo tham luận thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu và công nghệ nano của các nhà khoa học đến từ Nhật, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Anh, Cuba, Đan Mạch, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam…, đã được trình bày, giới thiệu. Nội dung các báo cáo tập trung giới thiệu về các công trình nghiên cứu mới thuộc các lĩnh vực nói trên. Tại Hội nghị, đã diễn ra một số thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa các tập thể khoa học Việt Nam và nước ngoài về khoa học vật liệu và công nghệ nano (Theo TTXVN, VietQ, ngày 31/10).



Lò phản ứng hạt nhân: Các lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân Voronezh tại Nga. Ảnh: Russia Now.

Nga sẽ xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân tại Việt Nam

Theo Đài tiếng nói nước Nga, kỹ sư trưởng dự án Alexander Kulakov - đại diện của OAO GSPI cho biết, Nga sẽ xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân tại hai địa điểm ở Việt Nam là Đà Lạt và Hà Nội.

Trên địa bàn Đà Lạt sẽ xây dựng lò phản ứng nghiên cứu công suất 15MW với toàn bộ phụ kiện; cơ sở tại Hà Nội bao gồm một trung tâm máy tính, tổ hợp phòng thí nghiệm, các hệ thống và thiết bị đảm bảo cho hoạt động an toàn. Thiết kế đã tính tới điều kiện khí hậu và địa chất phức tạp của hai mặt bằng được lựa chọn, bởi hầu hết lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực có hoạt động địa chấn thường xuyên (Theo Vietnam+, ngày 29/10).

Tổng kết thanh tra diện rộng chuyên đề khí dầu mỏ hóa lỏng, xăng dầu

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Thanh tra chuyên đề về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và xăng dầu năm 2012. Theo báo cáo, tổng số cơ sở được thanh tra trong toàn đợt là 5.278 cơ sở, trong đó có 918 cơ sở kinh doanh LPG, 4.360 cơ sở kinh doanh xăng dầu và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 678 cơ sở (12,8% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt hơn 5,3 tỷ đồng.

Ngoài xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra đã xử phạt bổ sung với hình thức như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định phương tiện do, tịch thu cột đo nhiên liệu, đình chỉ hoạt động kinh doanh,… của hàng trăm đối tượng (Theo Đất Việt, Vietnam+, ngày 31/10).

Nghiên cứu ứng dụng xe buýt chạy bằng điện

Theo báo Hà Nội mới, ngày 27/10, TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu và ứng dụng loại hình xe buýt chạy bằng điện (trolleybus) với mục tiêu đến năm 2014 hình thành ít nhất một tuyến. Nội dung này thuộc đề tài "Nghiên cứu khả năng ứng dụng xe buýt chạy bằng điện tại TP Hồ Chí Minh" do Trung tâm Môi trường và phát triển Giao thông vận tải thực hiện và đã báo cáo với Sở Giao thông vận tải TP giai đoạn 1.

Trolleybus là phương tiện thích hợp cho đô thị văn minh hiện đại, giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, có khả năng giải tỏa nhanh chóng ùn tắc giờ cao điểm. Trolleybus có sức chở lớn (khoảng 120 chỗ), động cơ điện nên khả năng tăng, giảm tốc nhanh hơn so với động cơ đốt trong, thân thiện với môi trường, gần như không có tiếng ồn và có tuổi thọ lâu bền.

Lắp đặt 120 thiết bị kết nối vệ tinh cho ngư dân

Đài Thông tin duyên hải Phú Yên đang phối hợp với ngành chức năng của tỉnh Phú Yên lắp đặt 120 thiết bị Movimar kết nối vệ tinh trên 120 phương tiện khai thác thủy sản trên biển của ngư dân ở TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Đông Hòa và Tuy An. Số thiết bị này do dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh hỗ trợ, từ nguồn vốn ODA của Cộng hòa Pháp.

Thiết bị Movimar giúp ngư dân định vị được vị trí tàu đang hoạt động trên biển, đo độ cao của sóng và cập nhật thông tin thời tiết nhằm hạn chế rủi ro cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Theo kế hoạch, việc lắp đặt số thiết bị này sẽ hoàn thành trong tháng 11 tới (Theo Pháp luật TP.HCM).


Hình ảnh mô phỏng siêu tên lửa SLS (Ảnh: Boeing)

NASA tạo tên lửa nặng trăm tấn thu thập mẫu vật từ các hành tinh

NASA dự tính sẽ chế tạo một loại tên lửa hạng nặng dựa trên nền tảng hệ thống phóng vũ trụ (SLS), có thể bay vượt xa các hành tinh gần Trái Đất như Mặt trăng hoặc sao Hỏa để đến và đem các mẫu vật từ các hành tinh xa xôi như mặt trăng của Sao Diêm Vương về Trái Đất.

Tên lửa trên có thể nặng từ 70 tấn đến 130 tấn, có nhiệm vụ phóng thiết bị bay không người lái lên mặt trăng Charon của Sao Diêm Vương, hoặc lấy các mẫu vật từ mặt trăng Europa của Mộc tinh, mặt trăng Titan của sao Thổ.
Dự kiến chuyến bay đầu tiên của tên lửa SLS sẽ được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất vào năm 2017 với phiên bản 70 tấn. Bắt đầu từ năm 2022, dự kiến phóng tên lửa SLS phiên bản 130 tấn. Đường kính của tên lửa này rộng khoảng 8,4 mét, mang theo một mũi hình nón có đường kính 10 mét và hệ thống SLS với trọng lượng tải 1.100m3 (Theo Đất Việt, 31/10/2012).

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)