|
|||
PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS Phạm Thị Sến, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế (Trung tâm Tài nguyên thực vật).
Cuộc hành trình thu thập và bảo tồn những giống lúa cổ truyền của dân tộc bắt đầu từ khi nào, thưa TS? Từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã tiến hành thu thập các giống lúa trồng, hình thành tập đoàn quỹ gene lúa để từ đó bình tuyển các giống ưu tú mở rộng sản xuất nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo tại Việt Nam. Năm 1956, việc thu thập và bảo tồn giống cây trồng, trong đó có lúa được Học viện Nông Lâm thực hiện tại các tỉnh phía Bắc. Từ năm 1987, sau khi Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, ban hành Quy chế lâm thời về bảo tồn nguồn gene, bảo tồn quỹ gene cây trồng đã trở thành nhiệm vụ khoa học thường xuyên cấp nhà nước. Năm 1989, Tổ Quỹ gene cây trồng thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam được thành lập và cơ sở của Ngân hàng gene cây trồng Quốc gia dần được hình thành, ban đầu lưu giữ 1.300 giống lúa. Hiện nay, Ngân hàng gene thực vật quốc gia tại trung tâm Tài nguyên thực vật lưu giữ trên 18.000 mẫu giống cây trồng khác nhau, trong đó lúa có khoảng 7.000 mẫu giống. Việc bảo quản các giống lúa được thực hiện như thế nào? Có hai hình thức bảo quản là bảo quản trong kho lạnh ở các chế độ ngắn, trung hoặc dài hạn, và bảo quản ngoài đồng ruộng. Do điều kiện chưa cho phép, hiện nay Trung tâm mới thực hiện bảo quản hạt ở điều kiện ngắn hạn và trung hạn, trong điều kiện nhiệt độ 10 - 15oC và 0 - 5oC, độ ẩm không khí không quá 45-50%. Nghĩa là mới chỉ bảo quản được hạt trong thời gian dài nhất là 20 năm. Để bảo quản dài hạn, ngoài việc xử lý, làm khô, đóng gói hạt giống theo qui trình, qui cách thích hợp, phải luôn giữ nhiệt độ buồng bảo quản thấp, từ -10 đến -20oC, và độ ẩm không khí dưới 45-50%. Ở bất kỳ hình thức bảo quản nào, khi sức nảy mầm và sức khoẻ hạt giống giảm tới ngưỡng cho phép thì phải nhân mới lại trên đồng ruộng để thu lại hạt, xử lý và đưa lại vào kho bảo quản lạnh. Việc bảo tồn các giống lúa cổ truyền có ý nghĩa như thế nào, thưa TS? Việc bảo tồn giống lúa cổ truyền có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống dân sinh. Đây chính là nguồn gene, nguồn vật liệu không thể thiếu để phát triển sản xuất, lai tạo và phát triển các giống mới với các tính trạng cần thiết, vượt trội như năng suất cao, phẩm chất cải tiến, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện tự nhiên bất lợi. Nếu không có nguồn vật liệu này, không thể có giống mới. Ngày nay trên thế giới đã thừa nhận một điều: quốc gia nào làm chủ được nhiều nguồn gene thực vật thì quốc gia đó có tiềm năng to lớn trong việc cạnh tranh và phát triển công nghệ sinh học, nông nghiệp bền vững, chủ động trong vấn đề an toàn lương thực, bảo vệ môi trường... TS có ý kiến gì về sự kiện hạt lúa 3.000 năm vẫn nảy mầm? Nếu thực sự những hạt lúa đó có 3.000 niên đại thì sự kiện này có rất nhiều ý nghĩa, cho khoa học nói chung và nhất là cho bảo tồn nguồn gene cây trồng nói riêng. Có thể một ngân hàng gene cây trồng với những điều kiện bảo quản hạt giống tới hàng nhiều nghìn năm sẽ được xây dựng. |