Không phải ngẫu nhiên mà cuộc thi thiết kế nhà chống động đất được ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) tổ chức bởi thời gian gần đây động đất liên tục xảy ra tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Cuộc thi nằm trong hoạt động thi thiết kế, sáng tạo những mô hình có ích trong xây dựng nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, khuyến khích sinh viên nghiên cứu, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống. Trải qua nhiều vòng thi, trường đã chọn được 4 đội đứng đầu tham gia kiểm tra tiếng Anh và 4 sinh viên xuất sắc nhất gồm Nguyễn Văn Tiền, Châu Quang Huy, Vũ Đăng Biên và Nguyễn Văn Bắc đã được cử tham dự cuộc thi thiết kế mô hình nhà chống động đất Ideers 2012.
Lần đầu tiên sau 12 năm tổ chức, Việt Nam có đại diện tham gia Ideers, bên cạnh nhiều đối thủ "nặng ký" giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines.
"Ở Việt Nam, khái niệm nhà chống động đất còn khá mới mẻ vì nhiều người nghĩ rằng nước ta ở khu vực có cấu tạo địa chất ổn định, không xảy ra động đất mạnh nên tụi mình tham gia cuộc thi trong tình trạng hạn chế về tài liệu, thiếu dụng cụ thiết kế và quan trọng nhất là thiếu điều kiện thực nghiệm. Tuy nhiên, nhóm đã cố gắng khắc phục khó khăn để xây dựng mô hình tối ưu nhất" - Nguyễn Văn Tiền, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Khó khăn là vậy, nhưng các sinh viên đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ nhà trường về kinh phí, giáo viên hướng dẫn, tài liệu. Đặc biệt, các thành viên còn được tham gia chuyến tập huấn gần 10 ngày ở Singapore để thử nghiệm trên những máy tạo động đất hiện đại. "Với mỗi ý tưởng, tụi mình đều tôn trọng và để các thành viên tự thiết kế mô hình cho riêng mình, sau đó sẽ thử chất lượng mô hình. Mô hình nào tốt nhất thì cả nhóm sẽ cùng nhau thảo luận để tối ưu hóa mô hình đó. Nhiều đêm cả nhóm thảo luận đến 2-3 giờ sáng" - Châu Quang Huy cho biết thêm.
Mô hình "Nhà chống động đất" của nhóm sinh viên ÐH Duy Tân được thiết kế dựa vào hình ảnh cây tre Việt Nam, tức là có thể dao động theo sức rung của động đất. "Nhà chống động đất" cao 7 tầng, chịu được động đất dưới cấp 6. Khung nhà chắc chắn bằng lõi sắt, tường sẽ dựng bằng hai lớp tôn và một lớp xốp ở giữa, vừa bảo đảm nhẹ và không gây nguy hiểm, vừa mát vào mùa hè. Còn vách bên trong nhà sẽ được dựng bằng giấy cứng. Với thiết kế này, khi có động đất xảy ra, nhà có thể giảm dao động hoặc uốn theo dao động của động đất. Ðộ nghiêng, dao động của nhà không vượt quá 10% theo đúng quy định cuộc thi. Mô hình thiết kế của nhóm có đặc tính mềm dẻo, có thể uốn theo dao động và trở lại trạng thái ban đầu khi hết động đất mà không bị gãy. Nếu có bị gãy thì quá trình này cũng diễn ra từ từ, không gây đổ bất ngờ nên người dân có thời gian sơ tán.
Với tính đàn hồi, dẻo dai, chịu lực tốt nên sản phẩm của nhóm đã được ban tổ chức đánh giá cao. Khi thử nghiệm trên bàn tạo động đất, sản phẩm của nhóm đã cho thấy khả năng chịu rung chấn rất tốt. Ngoài mô hình nhà chống động đất, nhóm còn tính đến phương án bố trí các vật dụng trong nhà để phòng chống rung chấn. Tuy nhiên, phương án này đang trong giai đoạn nghiên cứu và tiến hành thực nghiệm.
Nguyễn Văn Tiền cho biết thêm, mô hình này có thể áp dụng ở Việt Nam với chi phí thấp bởi tre là loại vật liệu rất dễ tìm. Còn nếu nhà kiên cố hơn có thể làm bằng khung thép và nhựa xây dựng polyme. Tường ngoài bằng một lớp tôn kẽm, một lớp xốp, lớp trong cùng là nhựa. Tường loại này nhẹ, nếu sập xuống thì cũng không gây nguy hiểm cho người sử dụng như tường gạch, bê tông.
Được biết, trong tháng 10-2012, nhóm nghiên cứu sẽ trực tiếp đến vùng thường xuyên xảy ra động đất ở khu vực quanh Thủy điện Sông Tranh 2 để khảo sát, lấy số liệu thực tế, từ đó đưa ra những điều chỉnh cụ thể. Để mô hình nghiên cứu áp dụng được vào đời sống thực cần phải hoàn thiện thêm nhưng các nguyên lý xây dựng có thể áp dụng ngay cho việc xây dựng nhà của người dân vùng động đất. |