Bản in
Công nghệ sinh học biến rơm rạ ra... tiền
Công nghệ sinh học đã và đang được triển khai nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Tại Techmart Quốc tế Việt Nam 2012, đề tài nghiên cứu sử dụng chế phẩm Fito-Biomix-RR xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ của Công ty CP Công nghệ sinh học Hà Nội đã vinh dự được nhận Cúp vàng. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhanh tiến TS Lê Văn Tri – Chủ nhiệm đề tài – một trong những chủ nhân của nhiều cúp vàng nhất tại Techmart lần này.

Được biết Quy trình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ nhờ sử dụng chế phẩm Fito-Biomix RR của Công ty CP Công nghệ sinh học Hà Nội do ông làm chủ nhiệm vừa tham gia Chợ Công nghệ và thiết bị - Techmart 2012 và vinh dự được nhận cúp vàng. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của hội Techmart cũng như kết quả có được khi tham gia?

- TS Lê Văn Tri: Techmart 2012 có ý nghĩa xã hội rất lớn. Đó là cầu nối giao lưu, nơi gặp gỡ và tiến hành các hoạt động ký kết hợp đồng liên kết nghiên cứu sản xuất, kinh doanh đồng thời tạo ra một môi trường học hỏi trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, người sử dụng công nghệ và người nông dân. Tham gia Techmart 2012 lần này, chúng tôi đã đem đến hơn 20 công nghệ và sản phẩm thuộc 3 nhóm chính gồm: Nhóm xử lý ô nhiễm môi trường, nhóm phân bón phức hợp hữu cơ vi sinh FITOHOOCMON và nhóm Công nghệ sản xuất phụ gia bê xây dựng BIFI bằng công nghệ sinh học. Các sản phẩm công nghệ của chúng tôi đều được đánh giá cao về hiệu suất và tính ứng dụng trong thực tiễn. Chúng tôi đã dành được 3 cúp vàng của Techmart 2012 trao cho 3 sản phẩm đặc trưng: phân bón FITOHOOCMON, phụ gia BIFI và Fito-Biomix-RR - chế phẩm dùng để xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón sinh học cho cây trồng.

Cúp vàng tại Techmart 2012 là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất  nông nghiệp của Công ty trong thời gian qua. Ngoài công nghệ xử lý rơm rạ  trên, Công ty còn triển khai những dự án nào khác, thưa ông?

- Chúng tôi có rất nhiều các sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đã được công nhận và dành được nhiều Cúp vàng tại các Hội chợ Techmart trước đây. Tại Techmart 2012 chúng tôi tham gia một số sản phẩm công nghệ, nhưng chỉ xin xét thưởng cho “Công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Fito-Biomix-RR xử lý rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng nhằm phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam”.

Bên cạnh đó, hiện Công ty đã và đang triển khai nhiều dự án liên quan đến công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp như: Công nghệ sản xuất phân bón lá sinh học cho các loại cây trồng; Công nghệ sản xuất phân bón sinh học - phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fito; Công nghệ xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ; Công nghệ xử lý rác hữu cơ và nước rỉ rác; Công nghệ xử lý đáy và nước ao nuôi trồng thủy sản; Công nghệ phòng và chống một số bệnh trong nuôi trồng thủy sản; Công nghệ xử lý nguồn rác thải các trang tại chăn nuôi tập chung,…

Hầu hết các công nghệ chúng tôi triển khai đều có thể mở rộng quy mô ở nhiều địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ từ các địa phương trên toàn quốc vì thực chất nó đem lại hiệu quả cao cho người sử dụng.

TS Lê Văn Tri đang giới thiệu về sản phẩm mạ khay

Hiện nay, tình trạng đốt rơm rạ sau hoạch đang gây ra những hệ quả lớn về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái đồng ruộng, trật tự giao thông,.. Theo ông, các dự án trên nếu được triển khai sẽ đem lại lợi ích gì cho người nông dân?

- Sau khi thu hoạch, bình quân 1ha thu được 6 tấn rơm rạ trong đó bao gồm 51,5 kg N -  25,4 kg P2O5 -  137,4 kg K2O. Đa số bà con nông dân vẫn tiến hành đốt sau thu hoạch. Việc làm này không những làm mất đi các vi tố hữu cơ có ích mà còn gây tổn hại đến môi trường. Theo tính toán, lượng CO2 phát thải vào môi trường do đốt rơm rạ tại Đồng bằng Sông Hồng là 1,2 đến 4,7 triệu tấn/năm, lượng khí nhà kính phát thải vào môi trường do việc đốt rơm rạ này gây thiệt hại về môi trường tương đương với 19,05 – 200,3 tr USD/năm. Bên cạnh đó, việc lấy đi rơm rạ khỏi đồng ruộng đã làm giảm cacbon hữu cơ một cách đáng kể. Nếu hàm lượng cacbon ban đầu là 3,56%, sau 10 năm canh tác 2 vụ lúa/năm, hàm lượng cacbon chỉ còn 3,03%, sau 50 năm là 1,59% và sau 100 năm là 0,71%, như vậy độ phì nhiêu cũng như hàm lượng dinh dưỡng trong đất sẽ giảm đi rất nhiều.

Việc ứng dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR xử lý rơm rạ thành phân ủ hữu cơ bón cho cây trồng ngoài việc tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch nhằm bổ sung phân hữu cơ tại chỗ, tiết kiệm chi phí và tạo thói quen cho người dân không đốt rơm rạ mà còn là biện pháp bảo vệ môi trường, tăng độ phì cho đất, cân bằng sinh thái đồng ruộng và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Nếu sử dụng sản phẩm phụ nông nghiệp, hàng năm sẽ có hàng nghìn tấn phân bón hữu cơ thay thế nguồn phân bón khác. Đây sẽ là nguồn sản xuất sạch trong nông nghiệp, nông thôn. Có thể nhìn thấy rõ ràng hiệu quả kinh tế mang lại khi khai thác theo phương pháp này, người dân sẽ tiết kiệm được các khoản chi phí thay vì mua phân bón hóa học. Theo tính toán, 1 tấn phân hữu cơ từ rơm rạ có 10kg đạm, 9,5 kg lân và 21 kg kali, nếu xử lý 50% lượng rơm rạ sau thu hoạch của các tỉnh, thành phố trong cả nước được xử lý bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR thì lợi nhuận thu được gần 5 nghìn tỷ đồng/năm. Ở Việt Nam lượng rơm rạ cần xử lý là gần 45 triệu tấn, nếu xử lý hết khối lượng rơm rạ trên sẽ thu được gần 20 triệu tấn phân hữu cơ, với con số này, hàng năm bà con nông dân  không phải bỏ tiền mua: 200 ngàn tấn đạm, 190 ngàn tấn lân và 460 ngàn tấn kali. Quy ra tiết kiệm được gần 11 ngàn tỷ đồng.

Với mục đích đưa công nghệ sinh học vào phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp mang tính bền vững, ông có thể cho biết thời gian tới Công ty sẽ có những dự án mang tính đột phá gì trong lĩnh vực này?

Ngoài các chương trình, dự án đã được nghiên cứu triển khai thành công, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, Công ty đã xây dựng các kế hoạch cụ thể hướng tới mục tiêu đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong nghiên cứu vào sản xuất. Cụ thể là các công nghệ sinh học đã được ưu tiên lựa chọn như: Công nghệ sử dụng các chế phẩm sinh học tăng năng suất cây trồng, phòng chống sâu bệnh, nâng cao chất lượng nông sản; Công nghệ sinh học xử lý rác hữu cơ trong làng xã thành phân bón hữu cơ vi sinh; Công nghệ sinh học xử lý phân thải các trang trại chăn nuôi tập trung thành phân bón hữu cơ vi sinh; Công nghệ sử dụng chế phẩm Fito-Biomix RR xử lý nguồn rơm rạ và phế thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ; Công nghệ sinh học sản xuất giá thể mạ công nghiệp từ mùn rơm rạ để sản xuất mạ khay phục vụ cho cấy bằng máy,...

Để thực hiện các dự án trên, chúng tôi sẽ lấy cấp xã làm mô hình sử dụng các công nghệ, sau khi thành công sẽ nhân rộng ra toàn huyện, tiến tới toàn tỉnh. Dự định sau 5 năm dự án mới hoàn thành giai đoạn 1: Giai đoạn triển khai ứng dụng. Năm năm tiếp theo là giai đoạn 2: Giai đoạn ổn định và phát triển. Và giai đoạn cuối cùng là phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.

Theo tôi, nếu áp dụng các công nghệ này một cách khoa học và đồng bộ, người nông dân sẽ tiết kiệm được nhân lực lao động trong sản xuất, giảm chi phí sử dụng phân hóa học từ 30 – 40%, tăng năng suất cây trồng lên từ 15 – 20% điều này tỉ lệ thuận với lợi nhuận trong sản xuất, đặc biệt chúng ta có thể giữ gìn được độ phì nhiêu cho đất, qua đó, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững cho các thế hệ mai sau.

- Xin cảm ơn ông!

Ngũ Hiệp – Diệu Huyền (thực hiện)