Bản in
Làm gì để KH&CN thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp của nền kinh tế
Một trong những vấn đề được đông đảo giới trí thức, các nhà khoa học quan tâm trong thông báo của Hội nghị TW 6 là: “Đảng và Nhà nước có trách nhiệm và chính sách đặc biệt phát triển, trọng dụng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN để KH&CN thực sự là động lực then chốt, là lực lượng sản xuất trực tiếp, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại theo hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21”.

Làm gì để KH&CN thực sự là động lực then chốt, là lực lượng sản xuất trực tiếp của nền kinh tế?

Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam với TS Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng ban KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - khách mời của Chương trình “Theo dòng thời sự” ngày 18/10.

PV: Thưa ông, cảm xúc của ông cũng như của các nhà khoa học nói chung như thế nào sau khi Ban chấp hành TW đã nhất trí thông qua Nghị quyết “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”?

- TS Hồ Ngọc Luật: Chúng tôi rất trông đợi và phấn khởi đón nhận. Chúng ta biết rằng NQ TW 2 đã tạo ra định hướng và cơ sở vô cùng quan trọng cho phát triển KH&CN nước nhà, từng bước phát huy vai trò động lực đối với phát triển kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Việc ra đời NQ lần này cho thấy TW đánh giá rất cao vai trò của KH&CN cũng như đặt kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ KH&CN trong giai đoạn tới, giai đoạn nước rút quan trọng của đất nước là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả năng lực cạnh tranh để phát triển đất nước nhanh bền vững bằng cách dựa và bằng KH&CN nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế tri thức. Việc đánh giá cao và kỳ vọng đó tạo cho chúng tôi một niềm hứng khởi nhưng cũng đặt một trách nhiệm to lớn đối với chúng tôi.

PV: Thưa TS. Hồ Ngọc Luật, tại Hội nghị TW 6 vừa qua, Ban chấp hành TW tiếp tục khẳng định, phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là lực lượng sản xuất trực tiếp đóng góp vào nền kinh tế. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

-TS. Hồ Ngọc Luật: Từ năm 1996 khi NQ TW 2 bắt đầu đi vào cuộc sống, cùng với GDĐT, vai trò của KH&CN đã được đánh giá, đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu. Và những khẳng định to lớn đó được thể hiện ở tầm vĩ mô là các cấp lãnh đạo chính quyền trong hoạt động chính trị hàng ngày của mình coi KH&CN phải là một nội dung then chốt. Đối với từng người dân thì KH&CN, ứng dụng KH&CN phải là một nhu cầu. Tôi lấy một ví dụ, chúng ta vẫn nói đến “cánh đồng chó ngáp” của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là một vùng phèn mặn, không trồng được cái gì. Hơn 10 năm trước đây, dân ở đây rất đói, nhưng nay chúng ta đến đấy, người dân ở đấy nhà này cách nhà kia hơn một cây số nhưng tối tối vẫn đi ghe thuyền ngồi với nhau trong câu lạc bộ để bàn xem ngày mai cho con tôm ăn thức ăn gì để hôm nào đó thả nó ra ruộng lúa để nó ôm cây lúa. Mô hình “con tôm ôm cây lúa” là một trong những mô hình thành công ở huyện Hồng Dân, đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao mức thu nhập của bà con. Và như vậy bà con không thể không bàn đến vấn đề khoa học và trong doanh nghiệp nếu từng doanh nghiệp mà đề cập đến vấn đề phải có sản phẩm của riêng doanh nghiệp mình bằng những công nghệ tiên tiến, khẳng định sản phẩm của mình đứng trên đất nước Việt Nam, thậm chí vươn ra thị trường quốc tế từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp to. Tôi nghĩ riêng ba điều đó mà quan tâm được mức như vậy thì đó là quốc sách. Mọi người đều đầu tư, mọi người đều quan tâm phát triển kinh tế xã hội thì vai trò quốc sách thể hiện ở chỗ đó. Còn vai trò động lực trực tiếp được thể hiện ngay ở người nông dân, người nông dân dùng tri thức của mình áp dụng kỹ thuật tiến bộ, nhà khoa học bằng sáng tạo của mình đóng góp những kỹ thuật những giống mới, những cây con mới, những quy trình tiến bộ vào cuộc sống,… Đấy là những động lực trực tiếp để tăng trưởng kinh tế.

PV: Ông vừa nêu những ví dụ rất sinh động về câu chuyện KH&CN phải được ứng dụng trong cuộc sống và phải đem lại lợi ích cho người nông dân ra sao. Thưa ông, để KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì phải hình thành được những doanh nghiệp mạnh, tiên phong trong việc đổi mới công nghệ. Chúng ta đã có FPT, Viettel là những doanh nghiệp tiên phong trong vấn đề này, nhưng số đó chưa nhiều? Xin hỏi quan điểm của ông?

- TS. Hồ Ngọc Luật: Tôi cũng rất buồn, hiện nay đã bước vào thế kỷ 21 được 12 năm rồi mà số doanh nghiệp lớn của Việt Nam chưa nhiều. Điều này cũng phải thấy rằng, nếu muốn phát triển thành một doanh nghiệp mạnh thì bản thân doanh nghiệp đó hay tập đoàn kinh tế đó trước hết phải chuyên và mạnh. Chuyên ở đây là chuyên vào thế mạnh của mình, vào năng lực nội sinh của mình sẵn có chứ không phải trải dàn đều, cái gì cũng yếu. Khi đã chuyên sẽ có nhu cầu để đổi mới công nghệ và như FPT hay Viettel mới có sản phẩm của chính mình và sản phẩm đó ta gọi là sản phẩm Việt Nam, có tên trên cả thương trường quốc tế. Điều đấy tạo nội lực và cả vị thế của doanh nghiệp. Nhu cầu đó thôi thúc doanh nghiệp như Viettel đã bỏ ra gần 10% lợi nhuận trước thuế tương đương gần 2.000 tỷ đồng đầu tư cho KH&CN để có những sản phẩm thay vì chúng ta phải nhập từ nước ngoài vào, có những sản phẩm đang ngày càng thay thế sản phẩm nước ngoài, thậm chí xuất khẩu ra cả nước ngoài nữa. Tôi kỳ vọng rằng nếu trong thể chế kinh tế chúng ta tạo điều kiện để các doanh nghiệp có môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để mọi thành phần kinh tế, mọi người dân đều muốn đổi mới kinh tế, nâng cao năng lực của mình một cách lành mạnh. Bên cạnh đó Nhà nước thống nhất để rà soát đổi mới các thể chế kinh tế, ngân hàng, tài chính, tín dụng và thể chế thị trường… Như vậy sẽ nhất loạt hỗ trợ tạo chính sách cho KH&CN phát triển. Tôi nghĩ phải tạo môi trường mà kinh tế ở trong phát triển, doanh nghiệp có điều kiện ganh đua nhau phát triển  thì doanh nghiệp lớn ngày càng nhiều.


- PV: Thưa ôngchúng ta cần tạo cơ chế để cho các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực KH&CN. Mặc dù thời gian qua đã có những đóng góp đáng kể trong nhiều ngành lĩnh vực, như nông nghiệp, y tế, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận ngành KH&CN cần sớm khắc phục một số hạn chế trong thời gian tới, đó là trình độ công nghệ của Việt Nam còn chưa cao, đóng góp của yếu tố công nghệ, tri thức vào từng sản phẩm còn hạn chế… Ông nghĩ sao về điều này?

- TS. Hồ Ngọc Luật: Phải nói lại một điều rằng, đóng góp của KH&CN nước ta đối với nông nghiệp, y tế hay giao thông vận tải là rất lớn. Nếu năm 1986 cao su Việt Nam là 48.000 tấn thì nay đã gần 1 triệu tấn, cà phê 35.000 tấn thì nay đã trên 1,2 triệu tấn, cá tra 50 triệu USD xuất khẩu thì nay đã trên 5 tỷ gấp 100 lần. Điều đó KH&CN đóng góp rất lớn, từ giống từ quy trình kỹ thuật… Ngay cả lúa gạo của chúng ta năm 1986 là 280 kg/ người nay là 470kg/người gấp 1,7 lần. Dân số của chúng ta lúc đó là 60 triệu nay gần 90 triệu, lo ăn cho 30 triệu người mà lương thực đầu người bình quân vẫn gấp 1,7 lần. Nếu không có sự tiến bộ, nếu không có sự cống hiến của người nông dân của nhà khoa học, nhà quản lý làm sao có được những điều đó. Đấy là những đóng góp rất lớn. Tuy nhiên chúng ta phải thấy rằng, những đóng góp đó chủ yếu trong những lĩnh vực mà kinh tế phát huy rất khó, lợi nhuận thấp. Nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp rất ít, hay trong y tế chúng ta tự lo là chủ yếu kể cả trong giao thông vận tải. Ở đây vấn đề là KH&CN là động lực thì phải gắn với bộ máy kinh tế đó, chứ động lực phải nằm riêng ra ngoài phải kéo thêm một cái xích mà cái xích ấy không tới cỗ máy thì không tải được cả cỗ máy. Cho nên KH&CN phải gắn với nhu cầu phát triển của từng doanh nghiệp, của từng nhóm kinh tế. Tôi nghĩ điều ấy còn thiếu và nếu không thay đổi được điều đó thì chắc chắc KH&CN cũng không phát triển được vai trò thực sự của mình.

PV: Để phát triển được động lực đó, có cần phải đầu tư kinh phí mạnh hơn không? Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- TS. Hồ Ngọc Luật: Đầu tư kinh phí thì đương nhiên là cần nhưng đầu tư như thế nào. Lần này TW cũng quyết định chi 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN. Điều đó thể hiện vai trò dẫn đầu của Nhà nước, vai trò chịu trách nhiệm đối với các dịch vụ công, với phát triển KH&CN. Nhưng đầu tư cơ bản nhất vẫn là các thành phần kinh tế, là các doanh nghiệp. Nếu chúng ta tạo một thể chế cạnh tranh lành mạnh như tôi nói ở trên, tạo môi trường đổi mới mà các doanh nghiệp có sản phẩm của riêng mình, có trí tuệ của riêng mình thì sự đầu tư cho KH&CN đổi mới công nghệ người ta bỏ ra càng nhiều. Và việc trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH&CN, lập quỹ KH&CN người ta sẽ sẵn sàng. Và trong NQ lần này TW cũng giao cho Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước có ít nhất một tỷ lệ của doanh thu chịu thuế phát triển KH&CN và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư để phát triển KH&CN, đẩy mạnh xã hội hóa cho KH&CN mà như các nước phát triển đi trước đã từng trải qua. Chủ yếu là xã hội đầu tư cho KH&CN, Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt.

Trong đó đổi mới cơ chế tài chính là một trong những vấn đề then chốt (Ảnh: HH)

PV: Thưa ông, KH&CN trở thành lực lượng sản xuất cũng có nghĩa là phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho KH&CN. Có một so sánh cho thấy số tiền đầu tư hàng năm hiện nay của VIệt Nam cho KH&CN chỉ bằng khoảng 1% so với Hàn Quốc, và đó là lý do trình độ phát triển KH&CN của chúng ta chưa tương xứng? Ông có chia sẻ quan điểm này, và theo ông cần làm gì để thu hút nhiều hơn nguồn đầu tư xã hội cho nghiên cứu khoa học?

-TS.Hồ Ngọc Luật: Nói như thế cũng được nhưng chưa trúng. Chúng ta phải nhìn nhận như thế này, Hàn Quốc năm 1973 thu nhập bình quân đầu người lúc ấy là 403 USD/ người. Việt Nam năm 2004 thu nhập bình quân đầu người là 450 USD/người và tại thời điểm 1973 của Hàn Quốc và 2004 của Việt Nam hai nước đều bỏ ra 0.3% GDP chi cho phát triển KH&CN. Vấn đề cơ bản ở chỗ, Hàn Quốc năm 1960 Nhà nước bỏ 97%, xã hội bỏ 3% cho đầu tư KH&CN. Năm 1970 bỏ 70%, tư nhân bỏ 30%. Năm 1980 nhà nước bỏ 64%, xã hội bỏ 36%. Năm 1990 nhà nước bỏ 20% dân bỏ 80%. Càng ngày tỷ lệ Nhà nước bỏ ra càng bé đi nhưng dân có nhu cầu, xã hội thấy nhu cầu, doanh nghiệp thấy nhu cầu nên họ bỏ ra càng nhiều. Nếu so sánh với những năm 1970 của Hàn Quốc, Việt Nam vẫn là mức 70%-30%, giống Hàn Quốc lúc bấy giờ. Nền kinh tế càng phát triển thì các doanh nghiệp càng bỏ ra nhiều. Tôi nghĩ rằng hiện nay 2% đó là cơ bản nhưng mình phải có những chính sách để động viên và khuyến khích toàn xã hội, khuyến khích các nền kinh tế để bỏ ra đồng tiền đích thực của người ta để cải thiện nền công nghệ của riêng người ta tốt hơn lên, phát triển mạnh hơn lên và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn. Điều ấy chắc chắn KH&CN sẽ trở thành quốc sách hàng đầu.

PV: Như ông vừa phân tích rõ ràng chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư hơn cho KH&CN trên nhiều phương diện. Thưa ông, để phát triển KH&CN để đưa KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đóng góp cho nền kinh tế thì nguồn chất xám phải được coi trọng và đãi ngộ một cách xứng đáng. Trong Hội nghị TW vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt trọng dụng và đãi ngộ đối với cán bộ khoa học đầu ngành, cán bộ được giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia, cán bộ trẻ tài năng. Để làm được điều đó, đâu là những giải pháp mà Bộ KH&CN đưa ra, thưa ông?

- TS. Hồ Ngọc Luật: Có thể nói đây là vấn đề quan trọng bậc nhất. Thực tế hiện nay chúng ta có trên 60.000 người làm nghiên cứu KH&CN, ngành KH&CN chưa có phụ cấp, các ngành khác đều có phụ cấp, đấy là thiệt thòi cho người làm khoa học. Nhưng nếu phụ cấp cho 6 vạn người làm nghiên cứu chuyên nghiệp và hàng triệu người có khả năng làm KH&CN thì điều ấy khó giải quyết. Cho nên Bộ KH&CN đã đề nghị tập trung vào ba đối tượng, thứ nhất là cán bộ đầu ngành, cán bộ kỳ cựu có những đóng góp được Nhà nước ghi nhận. Thứ hai đối với những cán bộ được giao chủ trì những dự án khoa học lớn quốc gia, những dự án mà không thể không có và trao toàn quyền cho nhà khoa học đó cả về kinh phí, cả quyền quyết định thuê chuyên gia tổ chức sản xuất, nghiên cứu để chúng ta có những cơ chế có những sáng tạo để hứa hẹn những kết quả lớn cho nền khoa học của đất nước. Thứ ba là đối với cán bộ trẻ tài năng có những thành tích đặc biệt chúng ta phải động viên, khuyến khích để làm gương cho cán bộ trẻ, thu hút thế hệ trẻ hướng vào lĩnh vực KH&CN, hướng vào sáng tạo trí tuệ của dân tộc. Đấy là điều mà Bộ KH&CN đang đau đáu để cụ thể hóa những chính sách đó, tạo động lực mới khi NQ TW ban hành đi vào cuộc sống.

PV: Thưa ông, theo như ông vừa phân tích thì cơ chế tài chính cho KH&CN chưa hợp ký từ lâu đã được nhìn nhận là một trong những hạn chế khiến KH&CN chưa thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đóng góp cho nền kinh tế. Sau hội nghị này, vấn đề đổi mới cơ chế tài chính cho khoa học sẽ được Bộ nhìn nhận ra sao, thưa ông?

- TS. Hồ Ngọc Luật: Đây cũng là vấn đề quan trọng thứ hai sau con người. Về cơ chế tài chính, Chính phủ cũng hoàn toàn nhất trí đề nghị với TW lần này cho áp dụng cơ chế linh hoạt trong cấp phát quản lý tài chính để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Hiện nay chúng ta đang thực hiện cấp phát tài chính cho những nhiệm vụ KH&CN thông qua kho bạc bằng cơ chế của tài khoản, tức là hết năm theo kế hoạch phải có báo cáo quyết toán. Nhưng chúng tôi đã áp dụng quỹ nhà nước cho quỹ phát triển  KH&CN quốc gia, các nhà khoa học nhận kinh phí từ đó thanh toán theo hợp đồng, tức là khi nào hết hợp đồng, một năm rưỡi, hai năm hay ba năm thì quyết toán khi kết thúc hợp đồng. Như thế sẽ linh hoạt và phù hợp với hoạt động sáng tạo hơn. Hay bổ sung các nội dung chi, điều chỉnh các định mức chi, việc chưa điều chỉnh định mức chi chưa phù hợp với thị trường cũng ảnh hưởng đến nghiên cứu. Và áp dụng cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng, nghiệm thu trên cơ sở kết quả đầu ra và nếu cần nhà nước sẽ mua lại kết quả. Do đó quyết định của TW lần này là giao cho các nhà lãnh đạo đứng đầu, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm đặt hàng những vấn đề KH&CN phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh. Và chỉ đạo để lựa chọn những nhà khoa học, những tập thể khoa học theo đúng luật có đủ năng lực giải quyết bài toán đó và đón nhận bài toán đó đưa vào áp dụng trong thực tế cuộc sống. Đó là những vấn đề chốt đặt ra liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính mà ngành khoa học và ngành tài chính muốn giải quyết trong quá trình thực hiện NQ TW này.

PV: Xin cảm ơn TS. Hồ Ngọc Luật!

Phương Hoàn- Trần Hồng (ghi)