Bản in
Hạt thóc Thành Dền sẽ được giám định miễn phí
Theo TS Lâm Thị Mỹ Dung, trưởng nhóm khảo cổ Thành Dền, hạt thóc nảy mầm sẽ được giáo sư Nakamura Shinichi nhận giám định AMS miễn phí.

Giáo sư Nakamura Shinichi, làm việc tại ĐH Kanazawa, là nhà khảo cổ học chuyên nghiên cứu các giống lúa cổ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi nhận được đề nghị từ phía Việt Nam, giáo sư Shinichi hứa sẽ giám định (theo phương pháp AMS) miễn phí 2 mẫu vật, nhằm xác định niên đại hạt thóc Thành Dền. 

Tuy nhiên, phía Việt Nam muốn giám định thêm mẫu vật thì sẽ phải bỏ ra chi phí khoảng 700 USD/mẫu. Việc giám định sẽ diễn ra ở Nhật Bản, kết quả sẽ được công bố sau 1-2 tháng. 

Trao đổi với Đất Việt, TS Lâm Thị Mỹ Dung, trưởng nhóm khảo cổ tại Thành Dền cho biết, các mẫu vật sẽ sớm được chọn lọc để gửi sang Nhật Bản, theo đường đảm bảo. "Đây là một cơ hội tốt để sớm có kết quả về niên đại của hạt thóc. Nếu phải giám định thêm mẫu vật thì mức chi phí kể trên là vừa phải, có thể được rút ra từ nguồn tài chính dự trù cho công tác phân tích của cuộc khai quật", TS Lâm Thị Mỹ Dung nói.

Đến hết ngày 3/6, tất cả các cây lúa Thành Dền (nảy mầm từ 10 hạt thóc - PV) đã được tách hạt và được nuôi trồng tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Tất cả các vỏ trấu tách ra đều được chụp qua kính hiển vi và lưu trữ cẩn thận.

Dưới đây là một số hình ảnh quá trình tách hạt hạt thóc Thành Dền tại Viện Di truyền Nông Nghiệp Việt Nam:

Đất Việt

 

Vỏ trấu của hạt thóc được tách ra khỏi rễ của cây lúa.

Vỏ trấu được lưu lại trong các ống nghiệm nhỏ. Các mẫu vật này sẽ được giám định bằng phương pháp AMS nhằm xác định tuổi thọ thực sự, từ đó có kết luận chính thức về lai lịch của hạt thóc.

Các cây lúa sau khi tách hạt được trồng trong các xô nhựa. Hình thái phát triển, thời gian sinh trưởng cũng là một căn cứ xác định lai lịch của hạt thóc Thành Dền.

Vỏ trấu sau khi tách đều được chụp hình cẩn thận bằng kính hiển vi Leica MZ FILL với độ nét cao. Trung bình, mỗi hạt thóc Thành Dền dài từ 6-7mm.