Tờ trình dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) nêu rõ: Luật Khoa học và Công nghệ cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về Khoa học và Công nghệ; bảo đảm tính phù hợp cả về nội dung cũng như hình thức văn bản và được câp nhật để đáp ứng quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế.
Luật Khoa học và Công nghệ phải tạo được nền tảng pháp lý nhằm giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của Khoa học và Công nghệ trong thời gian qua, để triển khai thực hiện ba nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động Khoa học và Công nghệ là: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động Khoa học và Công nghệ; tăng cường đầu tư của toàn xã hội cho Khoa học và Công nghệ, trước hết là đầu tư vào hạ tầng khoa học và công nghệ; xây dựng chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ.
Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) gồm 80 điều, được chia thành tám chương (bỏ 17/59 điều, sửa đổi 42/59 điều của Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành, đồng thời bổ sung 38 điều mới).
Thảo luận về việc quy định mức đầu tư tối thiểu từ ngân sách nhà nước, một số ý kiến tán thành dành 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm cho Khoa học và Công nghệ. Chính phủ cho rằng trong điều kiện hiện nay mức đầu tư tối thiểu 2% là hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước.
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là ngoài việc huy động tối đa nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước (chủ yếu là từ doanh nghiệp) cho phát triển Khoa học và Công nghệ, cần phải đổi mới việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong những giai đoạn tới, khi điều kiện cho phép thì việc tăng chi ngân sách Nhà nước cao hơn mức 2% là cần thiết để thúc đẩy hơn nữa tốc độ và chất lượng hoạt động Khoa học và Công nghệ.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học và Công nghệ là cơ quan thẩm tra dự án Luật cũng nhất trí với quy định tại khoản 1 Điều 53 về bảo đảm tỷ lệ ngân sách Nhà nước chi cho Khoa học và Công nghệ tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách nNà nước hàng năm. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cần quy định tỷ lệ nguồn đầu tư ngoài ngân sách cần đạt trên 50% tổng mức đầu tư xã hội cho hoạt động Khoa học và Công nghệ.
Dự thảo Luật cũng cần quy định cụ thể hơn để buộc doanh nghiệp (tùy loại hình và quy mô doanh nghiệp) dành ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động Khoa học và Công nghệ hoặc hình thành quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp; đồng thời quy định phù hợp hơn và tạo sự chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn kinh phí này; tránh đầu tư dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư cho các tổ chức Khoa học và Công nghệ trọng điểm như phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét dự án Luật có nhiều quy định mang nặng tính “nghị quyết;” mới chỉ đề cao vai trò nhà nước, chưa nêu bật được vai trò của xã hội trong vấn đề Khoa học và Công nghệ. Theo đại biểu, dự án Luật phải có những quy định phát huy vai trò của xã hội trong phát triển Khoa học và Công nghệ vì mục tiêu trực tiếp của Luật là giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất lao động của lực lượng sản xuất.
Trên cơ sở đồng tình coi sản phẩm khoa học, công nghệ là sản phẩm trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải có những quy định mang tính đột phá, chẳng hạn quy định Nhà nước sẽ mua những sản phẩm khoa học mang lại lợi ích lớn, làm biến đổi kinh tế, xã hội…
Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc áp dụng chế độ khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ ; vấn đề nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước được cấp, sử dụng kinh phí thông qua các quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hoặc theo cơ chế tài chính áp dụng đối với quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ…/.
|