Bản in
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 9-14/9
Phát động cuộc thi khám phá khoa học cho học sinh; Khoảng 2.000 đơn vị đủ điều kiện công nhận doanh nghiệp khoa học; Rùa Hồ Gươm nằm trong 100 loài nguy cấp nhất...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Phát triển KH&CN dựa trên thế mạnh sẵn có

Làm thế nào để khoa học-công nghệ thực sự trở thành động lực nền tảng phát triển đất nước? Đó là băn khoăn, trăn trở lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) tới đây bàn về phát triển khoa học-công nghệ. Chính vì vậy, trong chuyến thăm chính thức Xin-ga-po, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, trao đổi với các nhà quản lý, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực khoa học-công nghệ của nước bạn về vấn đề này.

Tại  Xin-ga-po, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng thông báo cho các nhà khoa học phía bạn biết: Trong các cuộc trao đổi giữa Tổng bí thư và các nhà lãnh đạo Xin-ga-po, hai bên đều nhất trí rằng khoa học và công nghệ là một trong những lĩnh vực hợp tác rất có tiềm năng giữa hai nước. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ và ham học hỏi, nhưng còn khó khăn về cơ sở vật chất; trong khi Xin-ga-po có nhiều kinh nghiệm và đã đạt được bước phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ.Tổng bí thư hy vọng rằng, thời gian tới, hợp tác giữa hai nước, đặc biệt giữa Trung tâm A*Star với các trung tâm nghiên cứu khoa học-công nghệ của Việt Nam trên lĩnh vực này sẽ có nhiều bước tiến mới. (Báo Quân đội nhân dân )

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Giam. Ảnh: TTXVN

Khoảng 2.000 đơn vị đủ điều kiện công nhận doanh nghiệp khoa học

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, số lượng doanh nghiệp khoa học, công nghệ (KHCN) đang có chiều hướng tăng nhanh. Đến nay, có khoảng 2.000 đơn vị đủ điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp KHCN, trong đó hơn 300 doanh nghiệp được hình thành từ các viện nghiên cứu, trường ĐH.

Tính đến hết năm 2011, đã có hơn 220 doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân đã thành lập viện hoặc trung tâm nghiên cứu chuyên ngành. Sự ra đời của các tổ chức này đã giúp doanh nghiệp tự chủ nghiên cứu và đổi mới công nghệ, kịp thời ứng phó với biến động của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường bằng các sản phẩm mới. Đã xuất hiện không ít doanh nghiệp KHCN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, có tốc độ tăng trưởng về giá trị tài sản, doanh số lên tới vài trăm, vài nghìn lần chỉ sau 3-5 năm hình thành. (Theo Hà Nội Mới)

Thiết bị rải bê tông “made in Việt Nam”

Thiết bị do Công ty Việt Thịnh Phát phối hợp với trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM nghiên cứu chế tạo. Ưu điểm của thiết bị này là gọn nhẹ, chi phí rẻ, khấu hao nhanh. Nhờ đó, có thể thi công dễ dàng ở mọi khổ đường từ 3m đến 20m, chỉ cần 1 người vận hành, chất lượng đường bê tông xi măng được đảm bảo, sai số kích thước nhỏ hơn 2mm, thiết bị rải bê tông mặt ngang “made in Việt Nam” sẽ được nghiên cứu chế tạo trong thời gian tới.

Thiết bị rải bê tông mái nghiêng

Đây là thiết bị được cải tiến trên cơ sở thực tiễn từ thiết bị rải bê tông mái nghiêng ra đời vào năm 2009. Khi đi vào thực tiễn, thiết bị rải bê tông mặt ngang sẽ được ứng dụng đại trà trong thi công đường bê tông xi măng, sân bay, bãi đỗ, bến cảng với giá chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng, bằng một nửa so với thiết bị nhập từ Mỹ. (Theo Báo Đất Việt)

Phát động cuộc thi khám phá khoa học cho học sinh

Nhằm khuyến khích các em khám phá thế giới khoa học tự nhiên, đồng thời giúp các em phát triển kĩ năng sáng tạo, kĩ năng làm việc theo nhóm. Cuộc thi khoa học thường niên “Cùng Petronas khám phá thế giới” dành cho các em học sinh trung học cơ sở đã được Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và báo Thiếu niên Tiền phong chính thức phát động trên toàn quốc.

“Cùng Petronas khám phá thế giới” đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho học sinh trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9, thông qua việc trả lời các câu hỏi liên quan đến 5 môn học: Toán học, Vật lý, Sinh học, Hóa học và Địa lý. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được tham gia vào các hoạt động ngoài trời để trau dồi và bổ sung kiến thức về thế giới xung quanh mình. Năm nay, “Cùng Petronas khám phá thế giới” sẽ diễn ra từ tháng 9/2012 tới tháng 1/2013.(Theo Vietnam+)
 
Máy bán báo tự động

Sau ba tháng “cắm trại” trong phòng thí nghiệm của trường, nhóm sinh viên Trịnh Đức Cường, Dương Văn Linh và Lê Quốc Việt (khoa cơ khí - chế tạo máy ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã nghiên cứu thiết kế thành công máy bán báo tự động đa năng.

Máy bán báo tự động đa năng

Máy bán báo gồm ba bộ phận chính là thùng máy, bộ phận điều khiển, thiết bị kiểm tra tiền (thật hay giả) và nhận, trả lại tiền lẻ. Việt cho biết: “Phần cơ khí phải đảm bảo máy hoạt động chính xác, ít gây tiếng ồn, giảm thiểu sai số khi vận hành. Phần điều khiển phải đảm bảo máy hoạt động ổn định. Đặc biệt phần kiểm tra tiền là khó nhất vì phải tính toán số tiền dư, tiền giả rất phức tạp”.

Không chỉ bán báo, máy có thể bán các sản phẩm khác như nước giải khát, bánh kẹo, tạp chí với độ dày mỏng khác nhau... Theo TS Nguyễn Trường Thịnh, máy bán báo đã được một công ty truyền thông đặt mua, nhưng nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải thiện để phần khung máy đẹp và gọn hơn. (Theo Sài gòn giải phóng)

Rùa Hồ Gươm nằm trong 100 loài nguy cấp nhất

Các nhà khoa học tại Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Hiệp hội Động vật học London (ZSL) vừa công bố danh sách 100 loài động, thực vật và nấm bị đe dọa nhất trên thế giới, trong đó có "cụ rùa" Hồ Gươm.Trong số này, có loài sao la Pseudoryx nghetinhensis, gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi, rùa Hồ Gươm Rafetus swinhoei, cá vồ cờ Pangasius sanitwongsei (họ cá Tra) và voọc mũi hếch Rhinopithecus avunculus của Việt Nam.Đây là lần đầu tiên, hơn 8.000 nhà khoa học từ Ủy ban bảo tồn các loài của IUCN và ZSL phối hợp nghiên cứu và đưa ra danh sách 100 loài nguy cấp nêu trên.

Theo báo cáo, 100 loài nguy cấp trên được lựa chọn từ 48 quốc gia khác nhau.  ( Theo VietNamNet)

Mai Mai (Tổng hợp)