|
|||
- Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng có thể cho biết những khó khăn chính trong việc ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất của vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn hiện nay? Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Trước hết phải khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học công nghệ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ trong thời kỳ CNH-HĐH được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển KT-XH, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng thành công CNXH; khẳng định CNH-HĐH đất nước phải bằng và dựa vào khoa học công nghệ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trước hết do cơ chế, năng lực, phương tiện nghiên cứu phục vụ khoa học công nghệ còn hạn chế, đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn hẹp. Nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học công nghệ còn hạn chế, khoa học công nghệ chưa thực sự được coi là quốc sách hàng đầu, kể cả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo; chưa coi khoa học công nghệ là giải pháp thúc đẩy hoạt động của ngành, địa phương và doanh nghiệp, do vậy chưa có sự quan tâm thỏa đáng đối với hoạt động này. Tôi xin dẫn chứng, chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ nhìn chung thấp, thiếu cán bộ, chuyên gia giỏi; chất lượng, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ ở nước ta còn thiếu cả về số lượng. Hiện vùng đồng bằng sông Hồng chưa có một viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ được công nhận đạt đẳng cấp quốc tế hoặc khu vực. Đầu tư tài chính chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước với kinh phí qua ít nhưng nhiều nơi đầu tư còn dàn trải, chưa giải quyết những vấn đề công nghệ trọng điểm… - Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả chuyển giao tiến bộ khoa học cho các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua? Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thông qua một số chương trình có mục tiêu quốc gia. Điển hình là Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi. Chương trình này triển khai trong 5 năm qua đến nay đã có hơn 60 dự án được triển khai ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, huy động hàng nghìn lượt cán bộ khoa học từ các tổ chức khoa học công nghệ về phục vụ tại địa bàn nông thôn; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho hàng chục nghìn kỹ thuật viên cơ sở và nông dân… Đặc biệt phải kể đến các dự án như dự án Xây dựng mô hình sản xuất giống nuôi trồng và chế biến nấm hàng hóa trên quy mô diện rộng tại tỉnh Nam Định đã tiếp nhận 19 quy trình chuyển giao công nghệ, thực hiện 10 mô hình sản xuất nấm triển khai tại 4 huyện, sản lượng đạt 3.450 tấn, sản lượng nấm tươi sau khi nhân rộng mô hình đạt 3.000 tấn. Hay dự án Xây dựng mô hình xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất gạo an toàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm mô trường. Với việc ứng dụng chế biến sinh học trong xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ trong thời gian từ 30- 40 ngày, qua phân tích chất lượng của phân bón hữu cơ sản xuất ra bằng 2 loại chế phẩm cho thấy các hàm lượng đều tăng như: nitơ, lân, kali… đã làm tăng độ màu mỡ của đất. Đặc biệt bước đầu đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường do khói bụi từ việc đốt rơm, rạ của bà con. Đây cũng là lời giải cho vựa lúa lớn ở nước ta là vùng đồng bằng sông Hồng. Thông qua việc phân cấp quản lý tới các địa phương, các chương trình đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để từng địa phương tham gia, đề xuất nội dung và trực tiếp triển khai các dự án. - Yếu tố quan trọng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ là việc liên kết giữa “ba nhà”. Trong thời gian tới, Bộ có những kế hoạch gì để thúc đẩy việc liên kết này, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Trong việc thúc đẩy liên kết “ba nhà” gồm Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học thì yếu tố quan trọng nhất là Nhà nước phải giữ vai trò xây dựng môi trường pháp lý để khuyến khích liên kết giữa các tổ chức khoa học công nghệ, với doanh nghiệp và người sản xuất. Hiện nay, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, cơ quan liên quan đang xây dựng văn bản, đề xuất nhiều cơ chế; Tăng cường xây dựng và ban hành các luật và các văn bản QPPL nhằm hoàn thiện tốt hơn môi trường pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT-XH, trong đó chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản dưới luật để triển khai các luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Chất lượng hàng hóa, Luật Công nghệ cao… - Còn vấn đề xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ cần những giải pháp gì, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Để nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, phát triển, tạo ra công nghệ mới trong giai đoạn tới cần có các chương trình quốc gia về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nghiên cứu, triển khai từ các viện, các trường đại học đến các đơn vị nghiên cứu triển khai tại các địa phương, các doanh nghiệp. Ngoài ra, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập và xây dựng các tổ chức khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Cần đổi mới cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước cho khoa học công nghệ, nâng cao tính giải trình trách nhiệm và hiệu quả đầu tư để vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. - Xin cám ơn Thứ trưởng! |