Bản in
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách để phát triển KH&CN
Đây là một trong 7 nội dung quan trọng Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) cần tập trung thực hiện thời gian tới trong buổi làm việc của Tổng Bí thư với Bộ KH&CN, ngày 10/9, tại Hà Nội.

Cùng dự buổi làm việc với với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (UVBCH TW), Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quân, UVBCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Hoàng Văn Phong, nguyên UVBCH TW Đảng, Phái viên Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia cùng lãnh đạo các cơ quan Ban Đảng Trung ương, các bộ, ban, ngành.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã báo cáo tình hình hoạt động KH&CN thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (Khóa XI) và Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ. Theo đó, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN” để đánh giá kết quả hoạt động KH&CN theo những nội dung chủ yếu của Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý KH&CN” năm 2004; tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình công tác của Chính phủ nhiệm kỳ XIII trong lĩnh vực KH&CN.

Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai xây dựng đề án trình “Phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị T.Ư 6, Khóa XI. Đề án nhằm quán triệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và hội nhập quốc tế giai đoạn 2011 – 2020.

Hoạt động của ngành KH&CN nói chung và của Bộ KH&CN nói riêng trong những năm qua tập trung vào thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN. Các định hướng, nội dung, nhiệm vụ KH&CN đã bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Kết quả hoạt động KH&CN đã đáp ứng tốt và kịp thời hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là phục vụ trực tiếp quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Từ năm 2000, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành nền tảng pháp lý cho hoạt động KH&CN với 8 đạo luật chuyên ngành và gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, năng lượng nguyên tử, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đo lường. Hệ thống pháp luật đã tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nhân, người quản lý,… tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, đồng thời tạo động lực cho KH&CN phát triển và góp phần đàm phán thành công gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp

Xuất phát từ các đề tài, dự án KH&CN do Nhà nước đầu tư, rất nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào đời sống, sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Năm 2011 đánh dấu sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước thông qua Dự án quy mô lớn Chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước; kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất xăng sinh học và dầu diezen sinh học đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các nhiên liệu này; lần đầu tiên Việt Nam tự thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV - 3 x150 MVA với chất lượng tương đương của Châu Âu,…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá thành tựu, kết quả nổi bật, cũng như những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong hoạt động KH&CN. Đồng thời xác định rõ những công việc cần tiến hành trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thời gian qua mặc dù điều kiện kinh tế tài chính có hạn, điểm xuất phát thấp nhưng hoạt động KH&CN đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Ngành KH&CN cần tổng kết lại những kết quả đã đạt được, tiếp tục phát huy thành tựu và kinh nghiệm rút ra trong quá trình phát triển, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tập trung phát triển KH&CN hơn nữa. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh 7 nội dung ngành KH&CN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, tư duy về KH&CN trong điều kiện mới.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách để phát triển KH&CN. Đây là điểm mấu chốt. Cơ chế chính sách bao gồm chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, giao kế hoạch, đặt hàng, khoán sản phẩm,… Trong đó, cần nhấn mạnh đổi mới cơ chế tài chính sao cho tập trung được mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu triển khai thực hiện KH&CN, bao gồm mạng lưới các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp làm KH&CN cho phù hợp điều kiện kinh tế thị trường.

Thứ tư, đổi mới công tác quản lý, làm sao để phát huy nguồn nhân lực, khuyến khích người tài, tạo môi trường dân chủ và thuận lợi cho cán bộ KH&CN yên tâm công tác. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ KH&CN.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN, sử dụng cán bộ KH&CN hiện có và có chính sách trọng dụng người tài. Đào tạo nhân lực một số ngành mũi nhọn, lĩnh vực trọng điểm và có chính sách tôn vinh cán bộ KH&CN. Nên chọn một ngày là Ngày KH&CN.

Thứ sáu, phối hợp với các cơ quan, các ngành, các cấp kịp thời và nhịp nhàng hơn, làm các ngành hiểu chúng ta hơn.

Cuối cùng, Tổng Bí thư lưu ý Bộ KH&CN cần hết sức quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người, tổ chức, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, coi đây là nhân tố hết sức then chốt để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Hạnh