|
|||
Theo TS Đoàn Đức Lân - Trưởng khoa Nông lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ - ĐH Tây Bắc cho biết, hiện nay ngân sách cho công tác chuyển giao KHCN còn thấp, thiếu vốn, thiếu cơ chế huy động các nguồn lực… Việc thu hút các nguồn lực cho hoạt động KHCN nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng còn yếu, thủ tục hành chính còn quá rườm rà, phức tạp, đâu đó vẫn còn tình trạng cung không gặp cầu, gây khó khăn cho sự phát triển của hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, việc phân bố ngân sách KHCN theo đầu người cũng còn nhiều bất cập. Các tỉnh miền xuôi đông dân, giao thông thuận tiện, nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn lực thì ngân sách cao. Ngược lại, các tỉnh miền núi ít dân, đời sống khó khăn, giao thông còn chưa thuận tiện thì được đầu tư ít. Một vấn đề nữa đã và đang gây khó khăn cho hoạt động KHCN nói chung và chuyển giao công nghệ nói riêng là chế độ đãi ngộ cho cán bộ KHCN hiện tại ở mức thấp. Đây không phải là vấn đề mới. Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng, cán bộ khoa học ở Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi nhất trong giới làm công ăn lương. Ngoài lương ra họ không có bất cứ một khoản phụ cấp nào. Khi tham gia dự án, đề tài, chuyên gia nước ngoài có thể nhận mức lương tới 30.000 USD/tháng, các nhà khoa học Việt Nam chỉ nhận được khoảng 200 - 300 USD/tháng, mà công việc và sản phẩm làm ra đều không kém. Trong chuyển giao công nghệ thì hệ thống khuyến nông ở mỗi địa phương đóng vai trò rất quan trọng, nhưng trên thực tế hệ thống này chưa được coi trọng. Cụ thể như ở vùng Tây Bắc hiện nay, đội ngũ cán bộ khuyến nông chưa có phụ cấp đặc thù nghề nghiệp 25% như cán bộ thú y hoặc bảo vệ thực vật; phụ cấp đi lại đến các vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Không chỉ đối với các tỉnh vùng Tây Bắc mà nhiều địa phương đang diễn ra tình hình tương tự. Thực tế đó đã gây khó khăn cho công tác chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. Để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động chuyển giao khoa học - công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà khoa học và viện, trường, trung tâm nghiên cứu, cần tập trung nghiên cứu cơ bản song song với lợi ích của người dân từng địa phương; các ngành chức năng cần tăng cường gắn kết, phối hợp với địa phương để thực hiện các dự án, chương trình chuyển giao. Theo GS-TS Đỗ Kim Chung - ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, cần có quan niệm đúng về phương thức tiếp cận trong chuyển giao công nghệ tới nông dân. Trong điều kiện Việt Nam, xu hướng chung là áp dụng chuyển giao có sự tham gia, phi tập trung hóa các chiến lược chuyển giao và đảm bảo phát huy đầy đủ tham gia của dân trong các hoạt động chuyển giao. Đó là điều kiện đảm bảo cho công nghệ được đưa đến người dân một cách nhanh và bền vững. Còn theo Giám đốc Sở KH - CN Đăk Lăk Y Ghi Nê, để chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp thì cần chú trọng đến đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm; mở các lớp tập huấn cho lao động nông thôn để họ có kiến thức nền tiếp thu tốt các tiến bộ kỹ thuật mới; và quan trọng là cần có nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động này. Tại Lễ tổng kết Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2006 - 2010, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nhấn mạnh, phải có thống kê trong các dự án thực hiện giai đoạn vừa qua, có bao nhiêu dự án không nhân rộng được sau khi nghiệm thu và có những đánh giá nguyên nhân ở từng dự án này. Việc dám nhìn thẳng vào sự thật, nguyên nhân thất bại sẽ giúp cho chúng ta rút được những kinh nghiệm, tránh thất bại. Cùng với đó, mấu chốt quan trọng giúp cho việc chuyển giao khoa học - công nghệ là phải có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa có khả năng đầu tư cho dự án vừa là đối tượng thụ hưởng và nhân rộng các sản phẩm của đề tài dự án nghiên cứu. |