|
|||
Cỏ Vetiver là một “lá chắn” chống sạt lở hiệu quả và ít tốn kém nhất hiện nay, Ths. Trần Văn Mẫn, điều phối viên Mạng lưới cỏ Vetiver Việt Nam cho biết như trên tại Hội thảo quốc tế về cỏ Vetiver diễn ra tại Đà Nẵng ngày 29.8. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu tiếp tục chứng minh, loại cỏ này không những có nhiều tác dụng vượt trội mà nó còn không gây ảnh hưởng đến sinh thái như nhiều loại cây khác đã từng du nhập về Việt Nam. Ông Trần Tấn Văn, Viện nghiên cứu khoáng sản và tài nguyên mỏ địa chất nhận xét: Với những ưu điểm: hiệu quả cao, chi phí thấp, áp dụng đơn giản, thân thiện với môi trường, cỏ Vetiver đã trở thành sự lựa chọn để giảm nhẹ bất lợi của thiên tai ở Việt Nam.
Trồng cỏ Vetiver gia cố taluy âm chân cầu A Vương - huyện Tây Giang - tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Đoàn Nguyên) Theo ông Văn, làm kè bằng đá hộc, bê-tông, phải khai thác, vận chuyển nguyên liệu từ xa đến. Khi xây bờ kè, phải đào đắp nên thải một lượng lớn đất xuống sông, làm thay đổi dòng chảy, gây trầm trọng thêm vấn đề thiên tai. Mặt khác, bê-tông mảng phủ lên lõi đất cát, rất dễ gãy vỡ khi có xói lở ngầm. Còn đối vởi cỏ Vetiver, do bộ rễ phát triển mạnh thành chùm, đan xen trong đất và có thể chịu lực bằng 1/6 lần so với bê-tông nên hàng rào Vetiver có tác động đệm rất tốt, chống được xói mòn nếu đặt theo đường đồng mức với khoảng cách nhất định. Ngoài việc là một hàng rào bảo vệ hiệu quả, cỏ vetiver còn có thể giải phóng được năng lượng từ dòng xoáy của nước lũ tạo thành dải bờ kè thiên nhiên bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng rất hiệu quả và rẻ, giúp bảo vệ các công trình đập, kênh, đường bộ, sông hồ thủy điện không bị bồi lấp, chống lũ lụt, hạn chế dòng chảy mất mùa trên diện rộng. Ngoài tính năng chống xói mòn, mới đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang đã căn cứ vào tính chất lọc và lưu giữ các chất độc hại trong nước của cỏ Vetiver để xử lý nước thải từ bãi rác và nước thải sản xuất. Tại các cơ sở sản xuất, bãi rác thiết kế hệ thống xử lý nước thải sử dụng cỏ Vetiver rộng từ 500- 1.000m2. Nước thải được cho vào hầm biogas, ao lắng rồi dẫn đến khu vực xử lý là một hệ thống những ao nhỏ. Cỏ Vetiver được trồng xung quanh ao và trên bề mặt ao. Tại các đầu ao đặt hệ thống lọc nước. Ở đây, cỏ hấp thụ các chất hữu cơ, kim loại nặng trong nước thải. Nguồn nước thải đã qua xử lý sẽ được đưa vào 1 bệ tưới được lắp đặt ở đầu ra của hệ thống ao qua đó nguồn nước thải lại được tận dụng tưới cỏ, giúp cỏ phát triển và sinh trưởng lâu dài. Sau 6-12 tháng thực hiện tại 1 bãi rác và 2 lò giết mổ, kết quả kiểm tra mẫu nước thải cho thấy chất rắn lơ lửng trong nước giảm trên 70%, các chất độc hại đã được cỏ Vetiver hấp thụ với tỷ lệ cao. Nước thải đã qua xử lý đủ tiêu chuẩn để đưa xuống các sông, kinh rạch. Nếu một lò giết mổ lợn 10 con/ngày sẽ thải ra môi trường 10m3 nước ô nhiễm, và để xử lý nước thải này bằng hệ thống công nghiệp tốn kém khoảng 5 triệu đồng. Với hệ thống xử lý nước thải sử dụng cỏ Vetiver, chi phí sẽ giảm từ 2,5-3,5 triệu đồng. Trao đổi với phóng viên báo Đất Việt bên lề hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đều cho biết, hiện chưa thấy có ảnh hưởng xấu nào trong việc sử dụng công nghệ cỏ Vetiver cũng như chưa có phản ứng phụ nào tác động xấu đến con người. |