|
|||
Chưa đáp ứng được yêu cầu Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có lực lượng nghiên cứu đáng kể phục vụ cho ngành KH&CN nông nghiệp. Dưới Bộ có 11 đơn vị sự nghiệp khoa học, trong đó có 3 viện xếp hạng đặc biệt. Hệ thống khuyến nông quốc gia từ tỉnh tới huyện, xã có 50% số tỉnh quản lý theo ngành dọc và 50% trực thuộc chính quyền địa phương. Số cán bộ khuyến nông thuộc hệ thống nhà nước có trên 33.000 người. Tổng số cán bộ làm công tác nghiên cứu, đào tạo tại các viện nghiên cứu là trên 8.000 người. ..Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của đội ngũ này chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước đặc biệt là của ngành nông nghiệp. TS. Đặng Kim Sơn - Viện chính sách và chiến lược PTNNNT cho biết: yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan KH&CN công lập hiện nay không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất, mà chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông không coi mình là chủ nhân của viện nghiên cứu, trạm kĩ thuật, không hăng say nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu cán bộ đầu đàn giỏi, thiếu các “tổng công trình sư”, đặc biệt là đội ngũ cán bộ KH&CN trẻ kế cận có trình độ cao. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu KH&CN trong dân số và mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học theo đầu người thấp, các kết quả nghiên cứu – phát triển theo chuẩn mực quốc tế còn rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Nguyên nhân có nhiều, trong đó không thể không nhắc đến chính sách hữu hiệu tạo động lực, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Hơn nữa, đầu tư cho KH&CN trong ngành nông nghiệp của nước ta hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng. Theo TS. Đăng Kim Sơn, đầu tư cho cho KH&CN trong nông nghiệp trung bình mỗi năm tăng 11- 12%, cho khuyến nông tăng 15%/năm. Mức đầu tư này là tương đối thấp so với thế giới và khu vực. Đầu tư của chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ cho nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp năm 2000 là 1.891 và 1.301 triệu USD, trong khi đó đầu tư công cho toàn ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2005 là khoảng 400 triệu USD. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực PGS.TS Thái Văn Thành – Trường Đại học Vinh khẳng định: hiện nay chúng ta chưa có chính sách khả thi để thu hút nhân tài cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hiện các nhà khoa học vẫn dành quá nhiều thời gian và tâm sức cho việc hoàn thành các thủ tục hành chính do vậy ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nghiên cứu. Chưa xác lập được quyền làm chủ trên những thành tựu KH&CN, thiếu những cơ chế để gắn kết người nghiên cứu, kết quả nghiên cứu với thị trường ứng dụng, chưa hướng các nghiên cứu tới những công nghệ có tính thích ứng cao với nhu cầu thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để tăng cường nguồn nhân lực KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải phát triển nguồn nhân lực KH&CN ở các khâu tư vấn, chuyển giao, ứng dụng, ưu đãi thu hút các nhà khoa học, chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực, khuyến khích họ đóng góp trí tuệ vào quá trình chuyển dịch kinh tế nông thôn. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ KH&CN cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở làm dịch vụ KH&CN trong một số ngành, lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng,…để đáp ứng yêu cầu kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, chất lượng công trình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức KH&CN, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước để huy động đầu tư tiềm lực nhất là các nguồn nhân lực KH&CN trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đồng thời tiếp thu được các công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Theo Th.S Phạm Văn Bình – Giám đốc Sở KH&CN Hải Dương, đã đến lúc chung ta cần thông qua chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp nông thôn, qua đó gắn việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN của ngành với cơ cấu phát triển nguồn nhân lực chung. Bên cạnh đó, cần đề xuất các chính sách khuyến khích và thu hút nguồn lực KH&CN để đáp ứng đúng và đủ nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới. Đăng Minh – Hoàng Anh |